Liên quan đến vấn đề hội chứng đám đông qua một số vụ việc cụ thể, PV đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Khuất Thu Hồng, Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội.
Bà Khuất Thu Hồng, Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội.
Hành động của đám đông thường vô thức và a dua
- Vừa qua có một số vụ việc xảy ra có sự tham gia của nhiều người như vụ hội bia ở Đồng Nai, cả xã đánh chết trộm chó, hàng nghìn công nhân xô xát với bảo vệ, nhiều người chen chúc để được ăn miễn phí buffet hay đến việc đổ xô đi lễ chùa, lễ hội, mua vàng. Theo bà đây có được xem là hội chứng đám đông hay không và đánh giá của bà về hội chứng này như thế nào?
Nghiên cứu về tâm lý đám đông là một nhánh của tâm lý học xã hội. Một đám đông có thể được định hướng để đạt được những mục đích cao đẹp nhưng cũng có thể bị kích động để gây ra những hậu quả tiêu cực.
Theo nhà tâm lý học người Pháp Gustave Le Bon, hành động của đám đông thường vô thức và chủ yếu là a dua. Những vụ việc vừa qua ở một số địa phương chính là những ví dụ điển hình của hội chứng đám đông.
Những diễn biến tâm lý điển hình của những người trong đám đông đó có thể bắt đầu từ sự lây lan cảm xúc một cách vô thức (đập phá để hả giận hoặc lấy được đồ vật miễn phí vì nếu mình không lấy thì người khác cũng lấy) và đi kèm với nó là cảm giác tự do - không phải chịu trách nhiệm (nếu hậu quả xấu xảy ra).
Hội chứng đám đông xấu sẽ không xảy ra, nếu bối cảnh xã hội không tạo điều kiện cho nó. Bối cảnh xã hội đó nuôi dưỡng cái tâm lý phá phách vô thức trong đám đông và chỉ cần một cớ gì đó để nó bùng nổ và lây lan. Cái cớ cho những vụ việc vừa qua, chính là cái xe bị đổ và bia bị văng ra đường hay là một con chó bị bắt trộm.
Sâu xa hơn, đằng sau những cái mà chúng ta tưởng là cớ đó là sự mất niềm tin vào luật pháp, mất niềm tin vào đạo đức xã hội. Những người hôi bia hay đánh chết kẻ trộm chó không còn tin vào sự phê phán của đạo đức xã hội hay sự trừng phạt của pháp luật. Và vì ở trong một đám đông họ cảm thấy mình không phải chịu trách nhiệm về hành vi xấu của mình. Nói cách khác, đạo đức xã hội và pháp luật đã mất đi vai trò giáo dục và phán xét của chúng.
- Theo đánh giá của nhiều người, hội chứng đám đông thường có xu hướng diễn ra ở những vụ việc xấu (hôi của, đánh nhau), còn ở những việc tốt thì ít, ý kiến của bà về nhận định này?
Không hẳn như vậy. Một tập thể hay một đám đông nếu được truyền cảm hứng tốt đẹp sẽ dẫn đến những hành động tốt. Điều quan trọng là nó được khởi xướng như thế nào. Tuy nhiên vì chúng ta luôn luôn được khuyến khích tuân thủ pháp luật, các quy tắc đạo đức, hành xử đúng mực nên chúng ta coi những hành động tích cực là bình thường, là đương nhiên và việc nói về chúng là nhàm chán, tầm thường.
Trong khi đó những hậu quả tiêu cực do hội chứng đám đông, cho dù là ít hơn nhiều so với những hành động tích cực nhưng lại khiến chúng ta bàng hoàng, sợ hãi và lúng túng. Điều đó phản ánh sự thiếu hiểu biết của chúng ta về hiện tượng này chỉ ra thiếu sót nghiêm trọng trong cách giáo dục của chúng ta.
Hội chứng đám đông "góp phần" làm bất ổn xã hội
- Có ý kiến cho rằng hội chứng đám đông cũng là một trong những nguyên nhân làm bất ổn trong xã hội?
Hệ lụy từ hội chứng đám đông có thể rất tiêu cực, như chúng ta đã chứng kiến. Tôi ví dụ như câu chuyện người dân đổ xô đi mua vàng ngày thần tài. Chưa biết tài lộc đến đâu nhưng nhìn cảnh chen lấn cố mua cho được một chỉ vàng để cầu may ở hầu khắp các tỉnh thành cũng khiến nhiều người ngao ngán.
Ngoài ra có thể dẫn chứng khi thấy một người dân lao vào vác mấy thùng bia bị đổ, lên xe chạy đi, những người khác thấy vậy cũng làm theo, họ nghĩ rằng người đó lấy được thì mình cũng lấy được. Hay như vụ hàng nghìn công nhân xây dựng nhà máy Samsung ở Thái Nguyên lao vào xô xát với bảo vệ. Những sự việc này đã được cơ quan chức năng vào cuộc điều tra và sẽ xử lý đúng người đúng tội.
Tuy nhiên, theo nhìn nhận của một người chuyên nghiên cứu về các vấn đề xã hội, tôi cho rằng, những vụ việc này thường để lại dư âm rất lâu và rất sâu có thể gây tổn thương cho xã hội và nếu không được khắc phục sớm sẽ nuôi dưỡng những hành vi xấu và tâm lý vô trách nhiệm ở một số cá nhân. Điều này sẽ là rất nguy hại cho một xã hội hiện đại.
- Vậy theo bà chúng ta phải làm gì để cải thiện hội chứng này trong đời sống xã hội?
Tôi cho rằng, để hạn chế dẫn đến triệt tiêu hội chứng đám đông trong xã hội nói chung, chúng ta phải cải thiện chính các nguyên nhân xã hội mà có thể dẫn đến hội chứng đám đông xấu. Để làm được việc này, chúng ta phải bắt tay vào thực hiện bằng cách thực thi luật pháp công bằng nghiêm minh, vực dậy đạo đức xã hội thông qua công tác giáo dục, tuyên truyền là cách bền vững để không tạo cớ cho hội chứng đám đông có đất sống.
Đừng nên "thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào"
Cũng theo đánh giá của nhiều chuyên gia xã hội học, hội chứng hành động theo phong trào, theo số đông, đang xuất hiện ngày càng nhiều, có nguy cơ trở thành những hành xử rất... phi văn hóa. Có rất nhiều ví dụ có thể kể ra đây.
Nhiều năm rồi, xuất hiện phong trào cha mẹ chạy đua, chấp nhận chung chi tiêu cực bỏ tiền bỏ công cho con được vào trường điểm, lớp chọn. Bố mẹ nào cũng nghĩ, tiền nào của nấy, con mình được vào những trường này đương nhiên sẽ thành siêu nhân, xuất chúng. Thực tế lại không phải thế. Không phải cứ trường điểm, tốn nhiều tiền là thành trò giỏi. Đừng nên thấy kẻ ăn khoai cũng vác mai đi đào.