Những đối tượng nằm trong diện tinh giảm biên chế
5 trường hợp sẽ nằm trong diện xét tinh giản biên chế sắp tới theo đề xuất của Bộ Nội vụ. Đầu tiên là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có hợp đồng không xác định thời hạn dôi dư do sắp xếp lại, chưa đạt trình độ theo tiêu chuẩn, có chuyên môn đào tạo không phù hợp với ngành nghề, có năng lực hạn chế, có 2 năm liên tiếp có số ngày nghỉ ốm trên 60 ngày.
Cán bộ cấp xã nghỉ việc do thực hiện chế độ kiêm nhiệm một số chức danh theo quyết định của cấp trên, không thể bố trí được công tác khác; các vị trí như: Thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc và các vị trí lãnh đạo của các công ty TNHH một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu, nay cổ phần hoá hoặc giao, bán, giải thể, phá sản… cũng có thể mất việc.
Đối tượng tiếp theo là người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước, nay doanh nghiệp đó không còn phần vốn nhà nước nhưng không bố trí được vào vị trí công tác mới.
Cuối cùng là những cán bộ, công chức được luân chuyển sang giữ các chức danh chủ chốt, được tuyển dụng hoặc được điều động thuộc biên chế được giao trong các hội có tính chất đặc thù, nay thuộc danh sách dôi dư do sắp xếp lại hoặc không đáp ứng yêu cầu chuyên môn…
Lý do mà Bộ Nội vụ đưa ra con số tinh giảm trên được lý giải như sau:
Mặc dù việc tinh giản biên chế được thực hiện từ 2017-2012, đã giảm được một số lượng biên chế không nhỏ nhưng tình trạng vừa thừa lại vừa thiếu biên chế trong một số cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn chưa được khắc phục. Cơ cấu tinh giảm không cân đối, không đồng đều giữa các lĩnh vực.
Một trong số các nguyên nhân được cho là do cán bộ, công chức ở Bộ, ngành, địa phương ngại va chạm, muốn giữ ổn định tổ chức của cơ quan cho… đỡ phức tạp. Ngoài ra, quyết định tinh giản biên chế thấp còn do cán bộ không cương quyết, nể nang, né tránh và thực hiện không tốt việc rà soát, phân loại để có căn cứ đưa vào trong diện tinh giản biên chế.
Một số đại biểu Quốc hội, cử tri, cũng cho rằng việc Chính phủ ban hành Nghị định về chính sách tinh giản biên chế để giải quyết chế độ, chính sách cho các đối tượng nêu trên là cần thiết .Hơn nữa, chính sách này sẽ góp phần vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ phục vụ nhân dân.
Cán bộ bị tinh giảm sẽ được hỗ trợ
Dự thảo nghị định ghi rõ: “Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu trách nhiệm phối hợp với tổ chức công đoàn cùng cấp tổ chức lập danh sách và dự toán số tiền trợ cấp cho từng đối tượng tinh giản biên chế theo định kỳ (6 tháng 1 lần) trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”. Đáng chú ý, Bộ Nội vụ cho biết, dự kiến, sau 6 năm (từ 2014-2020) thực hiện tinh giản biên chế khoảng 100.000 người. Trong đó khoảng 80% giải quyết nghỉ hưu trước tuổi và 20% giải quyết thôi việc.
Theo lộ trình cải cách tiền lương, dự kiến, mức lương tối thiểu sẽ tăng hằng năm, do vậy, ước tính, phí bình quân cho một người nghỉ hưu trước tuổi khoảng 75 triệu đồng, một người thôi việc khoảng 90 triệu đồng. Như vậy, tổng kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế số cán bộ, công chức, viên chức nói trên trong 6 năm khoảng 8.000 tỷ đồng.
Đề xuất này được Bộ Nội vụ giải thích nhằm góp phần vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ phục vụ nhân dân.
Liệu có xảy ra tình trạng "chạy" để giữ chỗ
Đó là thắc mắc của độc giả có địa chỉ Hungnm@....... Độc giả này cho rằng, nếu đề xuất được thực hiện thì sẽ rất tốt. Tuy nhiên, như vậy sẽ tạo cơ hội cho việc "chạy", đút lót, đi cửa sau... với cấp trên để giữ được vị trí. Độc giả này còn đề xuất nên để người dân đánh giá chất lượng cán bộ rồi từ đó các cơ quan chức năng sẽ lấy kết quả đó để thực hiện tinh giảm: "Những người bị tinh giản sẽ là những người làm được việc nhưng không biết nịnh nọt, bợ đỡ. Còn những ai biết luồn lách, cửa sau thì vẫn tại vị thôi. Tại sao không tinh giản bằng hình thức đánh giá của người dân, được xem là khách hàng của các cơ quan, dịch vụ nhà nước? Như thế sẽ công bằng hơn."
Theo Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc Hiện tại, cả nước có khoảng 2,8 triệu công chức, nhưng 30% trong số đó (khoảng 840.000 người) không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào. |