Bỏ phố về quê nuôi ốc
Anh Trần Duy Hưng (xã Trung Kiên, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) hiện đang sở hữu trang trại hơn 2 ha. Chia sẻ với báo Vĩnh Phúc, anh Hưng cho biết: "Nông nghiệp vốn là đam mê của tôi từ trẻ. Ngay từ những ngày còn rong ruổi các khắp tỉnh thành để làm công trình, tôi dự định ngoài 40 tuổi sẽ trở về quê hương, trở về với ruộng đồng, mong muốn gần vợ gần con và sống cuộc sống tự tại.
Nhưng thay vì chờ đợi, cuối năm 2019, tôi quyết định xin nghỉ việc, từ bỏ vị trí quản lý dự án của một công ty xây dựng ở Hà Nội để về quê hương, hiện thực hóa giấc mơ điền viên của mình khi mới ở tuổi 32".
Được biết, anh Hưng nảy ra ý tưởng nuôi ốc nhồi một cách rất tự nhiên sau một buổi đi ăn cùng với bạn bè. Khi ấy, anh chưa bao giờ nghĩ, một nồi lẩu ốc lại có giá thành cao như vậy. Điều ấy đã thôi thúc anh bắt đầu tìm hiểu về con ốc nhồi. Càng tìm hiểu sâu, anh lại càng bị hấp dẫn.
Theo anh Hưng, nuôi ốc nhồi có chi phí đầu tư thấp, giá trị kinh tế lại cao, thế nhưng, trên địa bàn tỉnh khi ấy, mô hình nuôi ốc nhồi quy mô lớn gần như không có.
Thấy được tiềm năng mà con ốc nhồi mang lại, anh quyết định đầu tư hơn 5 tỷ đồng phát triển trang trại nuôi ốc nhồi.
Không chỉ tập trung vào con ốc, anh kết hợp cả trồng trọt lẫn chăn nuôi, tạo nên một mô hình nông nghiệp tuần hoàn, khép kín bao gồm chăn nuôi bò thịt, trồng cỏ, rau, củ quả an toàn, và nuôi ốc nhồi. Chăn nuôi bò giúp tạo ra nguồn phân hữu cơ phục vụ việc trồng rau củ, quả, an toàn.
Vườn rau, củ, quả vừa tạo bóng mát, vừa là nguồn thức ăn sạch cho ốc, giúp ốc sinh trưởng phát triển tốt. Cách làm này đã giúp tận dụng tối đa các phế phẩm nông nghiệp phát sinh.
Nhờ đó, ngoài chi phí cải tạo ruộng đất, mua ốc giống trong năm đầu tiên, từ năm thứ 2 trở đi, gần như không phải mất thêm chi phí cho nuôi ốc. Ốc nhồi nằm ở cuối chuỗi sản xuất nhưng lại cho ra giá trị kinh tế lớn nhất.
Thu nhập 1 tỷ đồng/năm từ nuôi ốc nhồi
Với diện tích 2 ha, đến nay, mỗi năm trang trại của anh Hưng xuất bán 12 -20 tấn ốc thương phẩm và gần 300 vạn con ốc giống. Chưa tính giá trị tăng thêm từ chăn nuôi bò thịt và trồng rau, củ, quả; chỉ riêng con ốc nhồi đã mang lại cho anh Hưng khoản thu nhập 1 tỷ đồng/năm.
Hiện, trang trại của anh Hưng đang tạo việc làm cho gần chục lao động với thu nhập bình quân 7 - 9 triệu đồng/người/tháng.
Đặc biệt, anh Hưng rất quan tâm đến việc đẩy mạnh tiêu thụ, quảng bá sản phẩm thông qua mạng xã hội.
Anh Hưng nói với báo Vĩnh Phúc: "Song song với việc xây dựng trang trại, tôi cũng xây dựng 1 kênh youtube riêng, đồng thời kết nối với một số kênh youtube có lượt theo dõi cao để làm các video giới thiệu về mô hình cũng như sản phẩm của trang trại".
Nhờ đó, dù sản lượng mỗi năm lên tới 12 -20 tấn ốc thương phẩm và gần 300 vạn con ốc giống, song trang trại của anh Hưng gần như chưa khi nào gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ. Thậm chí, anh còn nhận bao tiêu sản phẩm cho hàng chục hộ nuôi ốc nhồi trong và ngoài tỉnh.
Thành công với con ốc nhồi như vậy, nhưng với anh Hưng, gắn sản xuất nông nghiệp với phát triển du lịch sinh thái mới thực sự là mục đích cuối cùng mà anh hướng tới.
Được biết, ngay từ những ngày đầu bắt tay vào xây dựng mô hình, anh đã quy hoạch trang trại thành 3 phân khu gồm: Khu nuôi ốc thương phẩm, khu nuôi ốc sinh sản và khu sinh thái. Trong đó, khu sinh thái là nơi du khách có thể đến tham quan, trải nghiệm với nhiều hoạt động như chụp ảnh, làm nông, nghỉ dưỡng và thưởng thức ẩm thực từ những sản vật đồng quê.
Anh Hưng cho hay: "Ở giai đoạn này, trang trại vẫn đang tập trung vào sản xuất để thu hồi vốn. Tại khu vực sinh thái, chúng tôi mới chỉ bắt đầu trồng sen, hoa súng và một số loại cây để tạo cảnh quan. Dự kiến đến năm 2025, sau khi thu hồi đủ vốn đầu tư ban đầu, chúng tôi sẽ đẩy mạnh đầu tư phát triển du lịch sinh thái, mở rộng việc đón khách đến tham quan trải nghiệm".