Bộ TT&TT: Doanh nghiệp tăng cước 3G là hợp lý!

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Theo thứ trưởng Lê Nam Thắng, phương thức và mức điều chỉnh cước 3G của các doanh nghiệp là hợp lý đảm bảo nguyên tắc tăng giá cước theo lộ trình Chính phủ phê duyệt.

Chiều 8/11/2103, Bộ Thông tin truyền thông (TT&TT) đã họp báo trả lời chính thức về việc tăng cước 3G của 3 nhà mạng lớn nhất Việt Nam. Theo đó, việc tăng giá cước dữ liệu 3G được Bộ TT&TT căn cứ vào các quy định của pháp luật về viễn thông, về giá, về cạnh tranh và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Theo đó, giá cước sẽ được xác định trên cơ sở giá thành, cung cầu của thị trường, mặt bằng giá cước của khu vực, thế giới.

Trong buổi họp báo, Cục trưởng cục Viễn Thông Phạm Hồng Hải đã đưa ra các cơ sở về việc điều chỉnh giá cước dịch vụ dữ liệu 3G.

Về giá thành: theo báo cáo của các doanh nghiệp viễn thông đã được Bộ TT&TT xác nhận thì giá thành trung bình của năm 2013 đối với dịch vụ dữ liệu 3G là 167,66 đ/MB (chưa VAT) và 184,4 Đ/MB (đã có VAT). Trong khi mức giá cước trung bình trên thị trường là 100 đ/MB (đã có VAT), tức là giá cước người dân sử dụng trước đó chỉ bằng 54% giá thành mà nhà mạng phải chi phí.

Về cung cầu trên thị trường: hiện nay, số thuê bao dịch vụ dữ liệu 3G đã tăng lên đến 18.9 triệu thuê bao, dung lượng tăng mạnh vượt quá khả năng cung cấp dịch vụ với chất lượng đảm bảo của mạng lưới. Nên việc tăng cước 3G để có thêm chi phí đầu tư vào cơ sở hạ tầng, mở rộng mạng lưới, nâng cao chất lượng dịch vụ là điều cần thiết nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

Đợt tăng giá cước 3G vừa qua, Cục Viễn thông cho biết có 2,72% số thuê bao trong tổng số 91 triệu thuê bao di động phát sinh cước trong tháng 9 được giảm giá cước. Chỉ có 8,66% số thuê bao bị tăng giá. Còn lại được giữ nguyên.

So sánh giá cước Việt Nam so với khu vực và trên thế giới, thì giá cước dịch vụ dữ liệu 3G của Việt Nam sau khi điều chỉnh trung bình là 111 đ/MB, chỉ bằng 34,9% giá cước trung bình của khu vực ASEAN (318 đ/MB).

Theo thứ trưởng Lê Nam Thắng phương thức, mức điều chỉnh của các doanh nghiệp là hợp lý đảm bảo nguyên tắc tăng giá cước theo lộ trình Chính phủ phê duyệt: “Giá thành phụ thuộc lớn vào cung cầu. Giai đoạn đầu phải cung cấp giá thấp để thu hút người dùng. Theo lộ trình, tất cả giá cước dịch vụ chứ không chỉ 3G sẽ điều chỉnh để đạt được giá thành để giá cước bám sát giá thành, để doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả”.

Thứ trưởng Lê Nam Thắng.

Khác với các ngành khác, viễn thông khi đầu tư vào vùng sâu vùng xa hoàn toàn do doanh nghiệp tự thực hiện. Theo thứ trưởng, việc tăng giá cước 3G chủ yếu tác động đến những người ở thành thị có điều kiện hơn, sử dụng các thiết bị thông minh và thu nhập cao hơn nên có thể tăng để bù đắp cho người ở vùng miền núi, nông thôn.

Bên cạnh đó, viễn thông là ngành khấu hao rất nhanh (2-3 năm) và phải xin cơ chế đặc thù để khấu hao nhanh do sự thay đổi chóng mặt của công nghệ. Khi đó giá thành bị đẩy nhanh lên, chứ không khấu hao trong thời gian dài như các ngành hạ tầng khác. Công nghệ hiện nay là 3,5G, không phải 3G, tức vượt qua cả các cam kết trước đây của doanh nghiệp.

Về việc chất lượng sóng chưa tương xứng với mức giá dịch vụ, Thứ trưởng trả lời: “Ban đầu, ít người dùng, chất lượng sóng cao. Nhưng hiện tại chất lượng giảm do số lượng người quá dùng đông, mà chất lượng cơ sở hạ tầng không được đổi mới, nâng cấp, nên mới xảy ra tình trạng đó. Vì vậy, muốn chất lương tốt hơn thì phải tăng phí để nâng cấp các thiết bị. Nhưng nếu không có nguồn thu thì không mở rộng nâng cấp, tăng chất lượng dịch vụ được.”

Trước đó, từ 0h ngày 16/10, cả 3 doanh nghiệp viễn thông lớn là Viettel, Mobifone và Vinaphone đã đồng loạt tăng cước 3G sau khi được sự đồng ý của Bộ Thông tin và Truyền thông với mức tăng trung bình 20%. Cả 3 nhà mạng cùng nhau đưa gói cước 50.000 đồng lên thành 70.000 đồng (tăng 40%). Trước hành động này, dư luận đã tỏ ra nghi ngờ VinaPhone, MobiFone và Viettel bắt tay thông đồng nâng giá dịch vụ.

Giải đáp sự nghi ngờ này, Thứ trưởng trả lời: Nếu có việc doanh nghiệp bắt tay nhau lợi dụng độc quyền để tăng giá cước thì sẽ Bộ Công thương điều tra và xử lý theo quy định của Pháp luật.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn
TIN MỚI CẬP NHẬT