Xử lý đũa gỗ khi mới mua về
Muốn dùng đũa gỗ được lâu, bạn cần phải xử lý chúng trước khi dùng. Thay vì rửa sơ qua bằng nước rửa chén, hãy cho đũa vào chậu và ngâm với nước muối ấm trong vài phút. Sau đó, vớt đũa ra và đem phơi nắng cho khô.
Rửa sạch đũa ngay sau khi sử dụng
Sau khi dùng bữa, bạn nên rửa bát đũa ngay. Đừng ngâm chúng trong bồn/chậu rửa cả tiếng hoặc để đến hôm sau mới rửa bởi như vậy vi khuẩn sẽ sinh sôi, nảy nở từ các vụn thức ăn còn thừa và ngấm vào đũa gỗ khiến nấm mốc xuất hiện nhanh hơn.
Không chà, cọ xát mạnh vào thân đũa gỗ
Nhiều người có thói quen chà xát đũa gỗ quá mạnh, thậm chí dùng miếng rửa bát bằng kim loại đề chà đũa vì nghĩ như vậy mới làm sạch hết mọi vết bẩn. Tuy nhiên, việc này chỉ làm đũa bị trầy xước, tạo thành các rãnh nhỏ cho vi khuẩn trú ngụ. Vì vậy, bạn chỉ cần cọ rửa đũa nhẹ nhàng là được.
Phơi khô đũa sau khi rửa
Sau khi rửa, bạn nên phơi đũa ở nơi có nắng để chúng thật khô ráo. Nếu không có chỗ phơi, bạn hãy dùng khăn khô lau hết nước bám trên đũa và để ở chỗ thoáng mát. Nếu có điều kiện, bạn có thể sử dụng máy sấy bát đũa để làm khô.
Thường xuyên phơi đũa dưới ánh nắng
Ánh nắng mặt trời là có tác dụng diệt khuẩn rất tốt. Nếu có điều kiện, bạn nên đem đũa ra phơi nắng thường xuyên để ngăn chặn nấm mốc phát triển.
Khi bảo quản, cần để đũa ở nơi khô ráo, thoáng mát. Đũa ẩm chính là môi trường lý tưởng để nấm mốc phát triển.
Không dùng chung đũa nấu và đũa ăn cơm
Bạn nên phân loại rõ ràng giữa loại đũa chuyên dùng để nấu thức ăn và đũa dùng để ăn cơm hàng ngày. Đũa nấu chịu tác động của nhiệt độ cao hơn nên dễ bị trầy xước, hỏng và cần phải được thay mới thường xuyên hơn.
Thay mới đũa định kỳ
Dù loại đũa có chất lượng cao, làm bằng gỗ gì đi chăng nữa thì thời hạn sử dụng của chúng cũng không nên kéo quá dài. Bạn chỉ nên sử dụng một đôi đũa gỗ từ 3-6 tháng. Sau đó, tốt nhất hãy thay mới đũa để đảm bảo an toàn cho cả gia đình.