Cách bày mâm ngũ quả hợp phong thủy tết Quý Mão 2023, mang phú quý thịnh vượng đến cho gia chủ

15:30, Thứ bảy 21/01/2023

( PHUNUTODAY ) - Ông cha ta đã quan niệm mâm ngũ quả có ý nghĩa Phú - Quý - Thọ - Khang - Ninh là những điều quý giá và luôn mong mỏi đạt được trong năm mới.

Mâm ngũ quả hợp phong thủy tết Quý Mão 2023

Mâm ngũ quả bao gồm 5 loại quả có màu sắc khác nhau. Bởi từ xưa, ông cha ta đã quan niệm Phú - Quý - Thọ - Khang - Ninh là những điều quý giá và luôn mong mỏi đạt được trong năm mới. Ngoài ra, mâm ngũ quả còn thể hiện ý nghĩa nguồn của cải năm phương mang về kính lên tổ tiên.

Nải chuối có màu xanh tượng trưng Đông phương, quả bưởi có màu vàng tượng trưng Trung phương, quả hồng có màu đỏ tượng trưng Nam phương, quả lê có màu trắng tượng trưng Tây phương và một loại quả có màu sẫm khác tượng trưng Bắc phương.

images (4) (1)

Chuyên gia phong thủy Trọng Hùng cho biết: “Hiện nay, mâm ngũ quả thường được bày biện phù hợp với từng miền, cũng như kinh tế của từng gia đình. Tuy nhiên, cơ bản mâm ngũ quả cúng Tết phải dung hòa 5 màu sắc tượng trưng ngũ hành trong vũ trụ Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ”.

Ở miền Bắc, các loại quả không thể thiếu khi bày mâm ngũ quả gồm: chuối, bưởi (hoặc quả phật thủ), cam, quất, đào, hồng, táo, lựu…

Chuối xanh hoặc quả phật thủ có ý nghĩa thể hiện sự che chở của trời Phật cho con người. Bưởi, cam thể hiện sự tròn vẹn, hứa hẹn năm mới tốt lành phúc lộc viên mãn. Quất thể hiện sự sung túc, đa lộc. Đào, hồng thể hiện sự hồng hào, thăng tiến và thành đạt. Táo có ý nghĩa mang đến phú quý. Lựu có ý nghĩa tượng trưng cho con đàn cháu đống.

Người miền Bắc thường đặt nải chuối ở dưới cùng để đỡ lấy những loại quả khác. Chính giữa nải chuối xanh là quả bưởi tròn căng mọng hoặc quả phật thủ có màu vàng đẹp mắt. Những quả nhỏ hơn như cam, quất, hồng… sẽ xếp xen kẽ xung quanh.

Ngoài ra, có thể chưng thêm các loại quả khác như ớt, hồng xiêm, đu đủ… để mâm ngũ quả thêm sinh động và đẹp mắt.

download (15)

Sự sắp xếp hợp lý giữa màu sắc và kích thước của các loại quả sẽ mang lại sự hài hòa đẹp mắt và hợp phong thủy cho mâm ngũ quả.

Miền Trung ít hoa trái, lại thêm thời gian Tết thường rơi vào mùa đông khắc nghiệt nên cây trái đặc sản địa phương khan hiếm. Người dân ở đây không quá câu nệ hình thức ý nghĩa của mâm ngũ quả, mà chủ yếu có gì cúng nấy, thành tâm dâng kính tổ tiên.

Mâm ngũ quả của người miền Nam tuy không được bài trí theo quan niệm ngũ hành nhưng cũng có những kiêng kị nhất định. Đa số các gia đình không chọn chuối xanh, quýt để bày mâm ngũ quả ngày Tết.

Mâm ngũ quả ở miền Nam thường có các loại trái cây như: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung, dừa, thơm… Các loại quả này được kết hợp lại thành “Cầu - Sung - Vừa (Dừa) - Đủ - Xài (Xoài)”.

Theo chuyên gia phong thủy Trọng Hùng, ngày nay, mâm ngũ quả ngày càng phong phú với nhiều loại trái cây đa dạng. Cho nên, người dân không câu nệ mâm cúng phải có 5 quả mà có thể nhiều hơn và không kén số chẵn hay lẻ.

Tuy nhiên, theo quy ước dân gian, mâm ngũ quả chỉ bày quả, không đặt thêm hoa hoặc thực phẩm khác. Số lượng trên mâm ngũ quả chỉ tính loại, không tính quả.

Mâm lễ cúng tất niên gồm những gì?

Mâm cúng tất niên bao gồm: mâm ngũ quả, hương hoa, giấy tiền vàng mã, đèn nến, trầu cau, trà, rượu, bánh chưng và mâm cỗ thức ăn (chay hoặc mặn).

Mâm ngũ quả, hương hoa thường được đặt trên ban thờ và sẽ thờ suốt Tết. Mâm cỗ mặn được đặt ở bàn thờ phụ hoặc một chiếc bàn nhỏ chữ nhật thấp hơn đặt trước bàn thờ chính.

Mâm ngũ quả nên chọn các loại hoa quả thông dụng, ăn được, đẹp mắt và phải là hoa quả vừa đủ chín. Gia chủ có thể chọn chuối, bưởi, dưa hấu, cam, quýt, phật thủ, táo… Gia chủ không nên dùng quả xanh, quả giả để cúng gia tiên. Hoa bày bàn thờ có thể là một cành đào nhỏ.

Đối với người miền Bắc, mâm cỗ mặn được chuẩn bị rất bài bản, thường trên mâm có 4 bát, 4 đĩa. Cỗ lớn thì 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa… thậm chí, có nhà chuẩn bị mâm cỗ lớn xếp cao từ 2 đến 3 tầng. Mâm cúng tất niên thông thường không thể thiếu được món gà trống, ngoài ra còn được bày biện trang nghiêm với các món như: canh măng, canh mọc, gà luộc, nem rán, rau, giò, bánh chưng...

Mâm cúng tất niên miền Trung ít cầu kỳ hơn, thường có: bánh chưng, bánh tét, giò lụa, gà bóp rau răm, thịt heo luộc, giá chua…

Trong khi đó, mâm cúng tất niên của người miền Nam thường có bánh tét, canh măng, thịt kho tàu, chả giò, nem, gỏi tôm thịt…

Có thể thấy, mâm cúng tất niên mang ý nghĩa tinh thần rất lớn. Vì vậy, gia chủ cần chú ý luôn sử dụng hoa tươi và cắt tỉa gọn gàng, lau mâm cúng thật sạch sẽ trước khi bày đồ ăn lên.

Mâm cúng tất niên có thể bày biện cúng ở trong nhà hoặc ngoài trời. Bài cúng tất niên không cần quá cầu kỳ, chủ yếu là thể hiện tấm lòng của người cúng để tỏ lòng biết ơn đất trời, thần linh đã phù hộ cho gia đình trong suốt một năm qua.

chia sẻ bài viết
Theo:  xevathethao.vn copy link
Tác giả: Vũ Ngọc