Chắc chắn bạn đã từng rơi vào tình cảnh “tiền không cánh mà bay” mặc dù chỉ chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày. Đó là do bạn chưa tìm được cách tiết kiệm tiền hiệu quả. Chỉ cần thay đổi một vài thói quen trong việc lập ngân sách sao cho phù hợp với điều kiện của mình, chắc chắn bạn sẽ có một khoản tiết kiệm kha khá. Hãy trở thành “ Bác sỹ tài chính” của gia đình bạn ngay từ hôm nay nhé.
Trong cuộc sống, mọi người đều có sự khác nhau về nhu cầu tài chính, năng lực kiếm tiền nhưng điểm chung của tất cả mọi người là muốn có được cách kiếm tiền dễ dàng và mong muốn có nhiều tiền để hưởng thụ. Nhưng “tiền không phải từ trên trời rơi xuống”, không phải ai cũng làm được nhiều tiền. Vậy thì cách tốt nhất để luôn có tiền phù hợp với điều kiện của mình, đó là lập ngân sách tiết kiệm tiền.
“Chiến lược lập ngân sách hiệu quả nhất chỉ đơn giản là khi bạn nhận thức được vấn đề. Rất nhiều người trong chúng ta không nhận thức được tiền của mình đi đâu. Chúng ta biết những gì mình kiếm được trước thuế nhưng không phải ai cũng nhận thức được những gì mình mang về nhà. Nền tảng tốt nhất cho ngân sách chỉ đơn giản là bạn biết mình có bao nhiêu, chi tiêu thế nào, còn lại ra sao”, Greg Wilson, chuyên gia phân tích tài chính cho biết.
1. Lập ngân sách thủ công dành cho người mới bắt đầu
Bạn là người mới bắt đầu lập ngân sách cho mình, chiến lược đầu tiên là bạn bắt đầu theo dõi tiền đến và tiền đi của mình theo cách sau đây:
Bạn có thể sử dụng bảng tính hoặc đơn giản là viết ra giấy, kiểm đếm xem tháng trước bạn thu nhập được bao nhiêu (tiền lương, tiền thưởng…) và những khoản tiền đã chi ra (thanh toán hoá đơn điện nước, tiền ăn, chi phí đi lại...) Bạn cần tạo thói quen theo dõi và biết những đồng tiền của mình đang đi đâu, còn bao nhiêu hay đã bội chi bao nhiêu.
Nếu là người mới bắt đầu, việc thực hiện quy trình theo cách thủ công như này là cách dễ nhất cho bạn. Khi đã quen dần và hiểu rõ về tình hình tài chính của mình, bạn có thể tăng thêm sự phức tạp bằng các ứng dụng hoặc các kỹ thuật lập ngân sách khác.
2/ Lập ngân sách ưu tiên tiết kiệm hàng đầu: Dành cho nhưng người nhận thức rõ chi tiêu
“Thanh toán cho bản thân trước" là cách tiết kiệm cực hiệu quả. Chiến lược này ưu tiên việc kiếm tiền lên hàng đầu.
Cách này phù hợp với những người đã nắm rõ về việc chi tiêu hợp lý và chỉ cần đảm bảo rằng bản thân có thể tiết kiệm một số tiền cụ thể. Giờ là lúc bạn chọn số tiền cụ thể mình sẽ tiết kiệm mỗi tháng, bạn phải đặt ra được con số cụ thể và thực hiện nó bằng mọi cách. Bạn sẽ phải bỏ vào quỹ tiết kiệm khoản tiền này dù có phát sinh chi tiêu. Bạn chỉ có thể chi tiêu phần còn lại theo nhé. Phương pháp này rất phù hợp với các bạn trẻ chưa vướng bận gia đình, linh động trong chi tiêu.
3/ Khởi đầu với quy tắc 50/30/20 để quản lí ngân sách tài chính cá nhân hiệu quả
Kiếm tiền đã khó, quản lý tiền còn khó hơn. Quy tắc 50/30/20 sẽ giúp bạn lập quỹ và quản lý tài chính cá nhân hiệu quả, tối ưu hóa đồng tiền kiếm được sinh lời.Đây là mô hình ngân sách khá cổ điển.
Theo đó bạn sẽ phân bố 50% tiền để sử dụng cho các nhu cầu thiết yếu, 30% thu nhập được dành cho các nhu cầu cá nhân và 20% cho tích lũy và đầu tư.
- Nhóm nhu cầu thiết yếu 50%
Ở nhóm này nhu cầu thiết yếu của mỗi người (gia đình) gần như giống nhau, không thể cắt giảm. Bạn cần lên kế hoạch và quản lý chi tiêu các khoản nhu cầu thiết yếu không vượt quá 50% tổng thu nhập.
Trong trường hợp nếu chi tiêu vượt qua mức 50%, bạn cần cắt giảm các hoạt động không cần thiết hoặc điều chỉnh cắt 5% mỗi đầu việc.
- Nhóm dành cho mong muốn và sở thích cá nhân 30%
Việc chi tiêu cho nhu cầu thiết yếu không thể bỏ qua, tiết kiệm cũng rất quan trọng, nhưng phục vụ nhu cầu và sở thích cá nhân cũng là điều nên thực hiện. Bởi những mong muốn chính đáng như đi du lịch, mua sắm cá nhân, hoạt động thể dục thể thao, vui chơi cùng bạn bè… là điều cần thiết trong cuộc sống hiện đại, giúp nuôi dưỡng tinh thần tốt để vui khỏe và làm việc có hiệu quả.
- Nhóm dành cho tiết kiệm và đầu tư 20%
Khoản này sẽ dành cho tiết kiệm trong tương lai và nếu có thể nên kết hợp đầu tư sinh lời. Phần tiền này thực sự rất cần phải có, đảm bảo số tiền hàng tháng để tích lũy dự phòng cho tương lai, mục tiêu lâu dài của bạn. Số tiền này không nên hoàn toàn bỏ trong tài khoản tiết kiệm mà cần được sử dụng đầu tư sinh lời theo một hình thức nào đó để đa dạng nguồn thu nhập hoặc nâng cao thu nhập.
Lưu ý: Trước khi lập kế hoạch tiết kiệm chi tiêu, tiến tới làm giàu, bạn cần có những thay đổi trong tư duy tài chính, nếu không, bạn sẽ không bao giờ gắn bó được với bất kỳ loại ngân sách nào.
Nếu bạn đã quyết tâm có được tình hình tài chính tốt hơn, dù mục tiêu cụ thể là gì, bạn đều cần bắt đầu từ việc lập ngân sách tài chính theo cách riêng của bạn dựa trên các phương pháp ở trên hãy tạo cho mình một ngân sách phù hợp với bản thân và lối sống để xây dựng sự giàu có.