Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, trong mầm khoai và chân mầm chứa từ 420-730 mg chất solanin trong 100g mầm và chân khoai. Trong vỏ khoai chứa 30-50mg solanin trong 100 g vỏ. Trong ruột khoai chứa 4-7 mg solanin trong 100g. Như vậy, lượng chất độc chủ yếu chứa trong mầm khoai, còn trong ruột củ khoai chỉ có ít, chưa bằng 1% ở mầm. Chất solanin có thể gây ngộ độc chết người với liều lượng 0,2 -0,4g trên 1kg trọng lượng cơ thể.
Ngộ độc khoai tây có thể xảy ra nếu bạn ăn vỏ xanh trên củ hoặc các mầm khoai. Nếu ăn với lượng ít, solanine và alpha-chaconine trong khoai tây gây ra những vấn đề nhẹ ở đường tiêu hóa như đau bụng, nôn mửa và tiêu chảy. Ngộ độc nặng hơn, các triệu chứng sẽ trầm trọng và đau đớn hơn. Bạn có thể gặp vấn đề nghiêm trọng về thần kinh cùng với các trục trặc về tiêu hóa như mê sảng, tiêu chảy, giãn đồng tử, sốt theo cơn, ảo giác, đau đầu, sốc, hạ thân nhiệt, tê liệt, chậm chạp, thở chậm lại, đau bụng, nhìn kém, nôn...
Một vài điểm bạn cần lưu ý:
- Chọn mua củ khoai màu vàng thì tốt hơn ngả sang trắng. Củ nào cầm lên thấy nặng, lành lặn, vỏ trơn nhẵn sẽ tươi ngon hơn.
- Không để khoai tây nơi có ánh sáng và không lưu trữ quá 12 ngày. Khi gọt vỏ khoai, nếu thấy vệt màu xanh thì nên khoét bỏ.
- Để hạn chế ngộ độc, trước khi bỏ khoai vào chế biến nên ngâm vào nước muối loãng vài giờ, khi nấu cho thêm ít giấm ăn để loại bỏ độc tố.
- Tuy nhiên, nếu khoai tây có vị đắng, bạn đừng tiếc và nên bỏ chúng đi ngay lập tức.
Cách bảo quản khoai tây
- Sau khi mua hoặc thu hoạch khoai, bạn hãy dành vài phút để sàng lọc khoai. Hãy loại bỏ những củ bị rách vỏ, dập hoặc có bất kỳ biểu hiện hư hỏng nào. Những củ này cần được sử dụng sớm bởi chúng sẽ nhanh hỏng hơn các củ thông thường và có thể làm hỏng các củ khoai bình thường khác.
- Nên cất khoai tây ở nơi khô, thoáng mát và tối (ví dụ dưới tầng hầm, gầm tủ bếp), tránh xa ánh sáng và độ ẩm – những điều kiện có thể khiến khoai tây mọc mầm hoặc hư thối.
- Bạn cũng cần để khoai tây thông thoáng. Nếu khoai tây bạn mua về không được đựng trong các túi lưới, bạn có thể cho vào một cái hộp có lỗ thông hơi, và nên đặt một tờ báo giữa các lớp khoai tây. Sau đó đậy hộp bằng một tờ báo.
- Trong thời gian bảo quản, nên kiểm tra khoai tây định kỳ mỗi tuần để phát hiện các dấu hiệu hư hỏng, bởi một củ khoai hỏng có thể làm lây nhiễm sang những củ khoai tây khác, vì thế bạn cần loại bỏ nó sớm.