Cảnh báo lừa đảo về BHYT: Người dân nên biết kẻo mất tiền oan

17:07, Thứ ba 20/02/2024

( PHUNUTODAY ) - Gần đây nhiều nạn nhân bị mất tiền oan bởi chiêu trò lừa đảo về BHYT, ai cũng nên biết kẻo mắc bẫy kẻ gian.

Cảnh giác với những trò lừa đảo qua điện thoại

Trong những năm gần đây lừa đảo qua các cuộc gọi điện thoại không còn xa lạ với người dân. Nhưng các hình thức biến tướng của những chiêu trò này ngày càng nhiều. Và kẻ lừa đảo luôn nắm được tâm lý sợ hãi, hoặc ham lợi của người dân để mà dụ dỗ khiến người dân dần dần sập bẫy của bọn chúng. Trong đó, gần đây nhiều người đã bị lừa đảo mất tiền oan thông qua hình thức đòi nợ BHYT. 

Chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi, lợi dụng BHYT

Một nữ bệnh nhân ở TP.HCM nhận cuộc gọi từ số điện thoại lạ, tự xưng là người cơ quan Bảo hiểm xã hội thông báo về khoản nợ tiền chi phí khám BHYT của bà lên đến 29 triệu đồng. Bệnh viện nơi bệnh nhân thăm khám khẳng định đây là chiêu lừa đảo.

Từ nhiều năm qua, bệnh nhân Trần Thị Tâm thường xuyên đến thăm khám, điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền. Trong năm 2023, bệnh nhân Tâm chỉ đến khám và sử dụng dịch vụ của bệnh viện.

the-bhyt-giay-240

Cách đây 2 ngày, bà Tâm nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ, tự xưng là người của cơ quan bảo hiểm xã hội thông báo về khoản nợ chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế lên đến 29 triệu đồng.

Để tăng tính chân thực, các đối tượng còn cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân như số căn cước công dân, mã thẻ bảo hiểm y tế, ngày sinh. Nếu không thanh toán khoản nợ này thì cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ gửi hồ sơ lên tòa án.

Sau khi xác minh và điều tra, cũng như thông tin cảnh báo đăng tải trên các phương tiện truyền thông, bệnh viện khẳng định đây là một chiêu thức lừa đảo khá phổ biến nhằm hướng tới những nhóm người dân nhẹ dạ cả tin.

Bệnh viện Y học cổ truyền khuyến nghị người dân thường xuyên cập nhật tin tức, nâng cao cảnh giác và báo cho các cơ quan chức năng để được hỗ trợ xử lý khi nhận được các cuộc gọi tương tự như trên.

lua dao ve bhyt

Cách để báo cáo những cuộc gọi lừa đảo

Đại diện Cục Viễn thông cũng đưa ra lời khuyên khi nhận được cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần bình tĩnh, thực hiện phản ánh tới đầu số 156 thông qua hai cách: Gửi tin nhắn hoặc gọi điện thoại tới đầu số 156 như sau:

Cách thứ nhất: Khách hàng gửi tin nhắn (miễn phí) tới đầu số 156, đối với tin nhắn rác, soạn tin theo cú pháp: S (số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656).

Đối với cuộc gọi có dấu hiệu gọi rác, khách hàng soạn tin theo cú pháp: V (số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656).

Đối với cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, khách hàng soạn tin theo cú pháp: LD (số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656).

Cách thứ hai: Khách hàng gọi tới đầu số 156 (miễn phí) để cung cấp thông tin (về số điện thoại vừa thực hiện cuộc gọi có dấu hiệu thực hiện cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo; trích dẫn một số nội dung có liên quan...). Nội dung phản ánh theo hướng dẫn của bộ phận chăm sóc khách hàng của các nhà mạng.

Từ đó, sẽ yêu cầu xác thực lại thông tin thuê bao, xử lý vi phạm nếu thông tin thuê bao không đúng quy định theo Điểm e, Khoản 7 Điều 1 Nghị định 49/2017/NĐ-CP (tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều, tiếp theo tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều nếu không thực hiện và tiếp theo là thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông).

Như vậy, khi nhận cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dùng có thể gọi tới đầu số 156 hoặc người dân cũng có thể gửi tin nhắn phản ánh cuộc gọi lừa đảo thông qua đầu số 156 để nhà mạng sẽ có biện pháp sàng lọc, xác minh, thông báo tới cơ quan quản lý nhà nước của Bộ Công an, Bộ TT&TT để có biện pháp xử lý kịp thời./.

* Tên nạn nhân đã được thay đổi

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link
Tác giả: Min Min