Có một số loại rau quả được coi là có nguy cơ cao về dư lượng thuốc trừ sâu, đặc biệt khi quy trình canh tác và giám sát chất lượng không được thực hiện một cách nghiêm ngặt. Dưới đây là một số loại rau quả mà bạn nên chú ý:
Cải bó xôi: Hằng năm, Nhóm Công tác Môi trường Mỹ (EWG) công bố danh sách “12 loại thực phẩm bẩn”. Trong danh sách năm 2024 của EWG, cải bó xôi lọt vào danh sách này. Một số mẫu rau này đã được phát hiện có mức độ dư lượng thuốc trừ sâu cao, trong đó có permethrin - một loại hóa chất có thể gây hại đến hệ thần kinh.
Cải xoăn, cải bẹ, cải làn: Dư lượng thuốc diệt cỏ như DCPA (Dacthal) trong những loại cải này đã được Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ phân loại là chất tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư ở con người.
Ớt chuông và ớt cay: Cả hai loại ớt này đều có dấu hiệu chứa dư lượng thuốc trừ sâu khác nhau, bao gồm acephate và chlorpyrifos, là những hợp chất thuộc nhóm organophosphate, có khả năng gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh.
Khoai tây: Theo Food Revolution, khoai tây vẫn có thể tồn dư thuốc trừ sâu. Việc rửa sạch và gọt vỏ sẽ giảm thiểu nguy cơ, nhưng không thể loại bỏ hoàn toàn các hóa chất này.
Đậu xanh: Một số phân tích gần đây đã phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu trên đậu xanh, trong đó có methamidophos, một loại thuốc trừ sâu đã bị cấm tại Mỹ hơn 10 năm qua do những mối lo ngại về sức khỏe.
Dưa chuột: Các nghiên cứu cho thấy dưa chuột có thể giữ lại dư lượng thuốc trừ sâu ngay cả khi đã được rửa sạch. Gọt vỏ có thể giúp giảm thiểu mức độ hóa chất, nhưng một số loại có khả năng thẩm thấu sâu vào bên trong.
Ảnh hưởng đến sức khỏe
Theo báo Guardian, việc tiếp xúc lâu dài với lượng thuốc trừ sâu còn sót lại đã được chứng minh có mối liên hệ với nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm rối loạn nội tiết, các vấn đề về thần kinh, và tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Nhóm người dễ bị ảnh hưởng nhất là trẻ em và phụ nữ mang thai.
Biện pháp giảm thiểu
1. Chọn thực phẩm hữu cơ: Những tiêu chuẩn canh tác hữu cơ hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu tổng hợp, giúp giảm thiểu lượng dư lượng trên rau củ. Tuy nhiên, một số thực phẩm hữu cơ vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường.
2. Rửa và gọt vỏ cẩn thận: Việc rửa thực phẩm bằng nước có thể loại bỏ một phần dư lượng thuốc trừ sâu bám trên bề mặt, nhưng không đảm bảo loại bỏ hoàn toàn, nhất là các chất đã thấm vào bên trong. Sử dụng bàn chải và gọt vỏ sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ nhiễm bẩn.
Dù những lợi ích của việc tiêu thụ rau củ đối với sức khỏe là rõ ràng, nhưng việc nhận thức về nguy cơ từ thuốc trừ sâu vẫn vô cùng quan trọng. Bằng cách lựa chọn thực phẩm hữu cơ khi có thể, rửa và gọt vỏ kỹ càng, cùng với việc theo dõi thông tin từ các nguồn đáng tin cậy, bạn có thể hạn chế rủi ro liên quan đến dư lượng thuốc trừ sâu một cách hiệu quả.