Cảnh giác với những chiêu lừa đảo tinh vi trên facebook

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Facebook với hơn 500 triệu thành viên được xem là miếng bánh béo bở không chỉ cho các lập trình viên mà còn cho cả giới tin tặc. Nhiều trò lừa đảo đã xuất hiện trên facebook với nhiều mục đích khác nhau.

Chào bán những mặt hàng đắt tiền trên facebook

Mới nhất là vụ lừa đảo chiếm đoạt 400 triệu đồng của 159 nạn nhân trên mạng facebook.

Khi có người đặt hàng, Bùi Thanh Phong yêu cầu chuyển khoản 20-30% tiền vào ATM, sau đó Phong sẽ giao hàng tận nơi. Tuy nhiên, khi khách thanh toán tiền, Phong không giao hàng mà còn chặn các liên lạc của khách hàng. Với chiêu lừa trên, trong vòng 2 năm, Phong chiếm đoạt hơn 400 triệu đồng của 159 nạn nhân tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Từ kẻ thất nghiệp Phong trở thành "ông trùm" hàng điện tử xách tay... "xịn"

Theo thông tin điều tra từ cơ quan CSĐT công an TP. Cần Thơ, là đối tượng không có nghề nghiệp ổn định, sống lang thang nay đây, mai đó nên Bùi Thanh Phong (SN 1981, ngụ phường An Phú, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) có cuộc sống khá vất vả, phải chạy ăn từng bữa. Trái ngược lại với cuộc sống vật vờ, nhờ tiếp xúc với internet từ sớm nên Phong khá rành rẽ về thế giới mạng. Nhiều lần chơi game trên mạng, Phong biến đến Facebook.

Một cán bộ cơ quan CSĐT cho biết, trong cơn túng quẫn vì không có tiền bạc trang trải cuộc sống, Phong nảy ra ý định lừa đảo. Theo đó, thông qua mạng xã hội Facebook, Phong lấy nickname Kenny Zeng cho đăng tin rao bán các loại điện thoại iPhone 4s, iPhone 5; máy tính bảng iPad 3; máy tính MacBook Pro... với giá từ 4,5-33 triệu đồng. Để quảng cáo cho các tin rao trên Facebook, Phong sẽ quảng bá mình là một "ông trùm" buôn bán hàng điện tử xách tay "xịn" từ nước ngoài về Việt Nam. Các hàng điện tử do Phong rao bán đều là hàng chính hãng, mới 100%, tất cả đều là hàng xách tay.

Khi có khách hàng add nick Kenny Zeng để thực hiện giao dịch bằng tin nhắn qua Facebok, nick Kenny Zeng sẽ hướng dẫn giao dịch, thỏa thuận giá cả, số lượng... Thấy khách hàng muốn mua sản phẩm, nick Kenny Zeng liền yêu cầu khách phải đặt cọc trước từ 20 - 30% giá trị hàng đặt mua bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng mở tại Ngân hàng Đông Á - chi nhánh Đồng Nai do nick Kenny Zeng cung cấp. Khi khách hàng chuyển tiền vào tài khoản, nick Kenny Zeng sẽ nhắn cho khách hàng là mình sẽ giao hàng tận nơi, theo địa chỉ của khách hàng cung cấp trong vòng 5 - 7 ngày.

facebook trò lừa đảo

Đối tượng Bùi Thanh Phong tại cơ quan CSĐT.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, khách đã thanh toán, Phong sẽ tắt nick Kenny Zeng, khóa chặn các liên hệ của khách hàng với nick Kenny Zeng trên Facebook. Nghĩ đến đây, Phong cho rằng chiêu lừa đảo của mình sẽ thành công và sẽ khiến nhiều nạn nhân sập bẫy. Sau nhiều ngày hoàn thiện ý tưởng lừa đảo của mình, Phong liền tiến hành thực hiện ngay. Giống như ý tưởng trên, Phong lên Google tìm kiếm các hình ảnh về các loại điện thoại Iphone 4s, iPhone 5; máy tính bảng iPad 3; máy tính MacBook Pro... Sau đó, Phong dùng phần mềm chỉnh sửa ảnh, ghi giá tiền mới thấp hơn giá thị trường từ 25-40%.

Sau khi ưng ý với hình ảnh vừa chỉnh sửa, Phong đăng nhập vào Facebook với nick Kenny Zeng. Trên tường của mình, Phong cho đăng tải các mẫu tin rao bán trên, kèm hình ảnh và ngồi chờ. Cứ thế, Phong ngồi trên mạng 24h/24, khi có khách hàng add nick Kenny Zeng để nói chuyện thì Phong thực hiện thủ đoạn lừa đảo như trên. Nếu khách hàng nào không chịu hình thức giao dịch trên thì Phong liền xóa nick, dừng cuộc trò chuyện trên Facebook. Đối với khách hàng nào đồng ý với hình thức giao dịch trên, Phong sẽ tìm mọi cách để thực hiện cho bằng được chiêu lừa của mình.

Tránh xa đường dẫn lạ

Tình huống:

Hình thức phát tán chung của virus trên Facebook là những đường dẫn có phần đuôi lung tung, ký tự ngổn ngang trong các comment, status. Hiện nay phổ biến loại virus ẩn ở đường dẫn chứa trong status và bạn bè của chủ tài khoản đó cũng bị tag trực tiếp vào status này. Khi bị dính loại virus này, chủ tài khoản không còn làm chủ được việc cập nhật status nữa. Tuy nhiên, tất cả những tình huống virus Facebook đều xuất phát từ máy tính, trình duyệt mà thôi.

Cách xử lý:

Hãy đăng nhập tài khoản Facebook trên một máy tính khác và viết một status nói rõ cho bạn bè biết tình trạng bạn đang gặp phải trên Facebook để mọi người không nhấn vào.

Nếu tài khoản Facebook đang ở chế độ Online thì hãy chuyển sang Offline ngay để hạn chế virus không gửi đường dẫn đến bạn bè qua cửa sổ chat.

Sau đó, cài đặt một chương trình diệt virus mạnh trên máy bị nhiễm virus, cập nhật dữ liệu mới nhất, rồi ngắt kết nối Internet và quét virus. Bạn có thể cài đặt và thử nghiệm các phần mềm diệt virus như Trend Micro Titanium Internet Security, Kaspersky Internet Security hoặc BKAV. Đây là những phần mềm có bản quyền, song bạn có thể tải về dùng thử.

Tuy nhiên, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, người dùng phải tinh ý để nhận diện những đường dẫn đáng nghi, tuyệt đối không nhấn chuột trong bất kỳ trường hợp nào, bởi vì chỉ một lần tò mò cũng sẽ đưa máy tính của bạn vào trạng thái khó cứu vãn.

Cách nhận diện:

Những đường dẫn chứa virus thường không có ảnh đại diện, tức bạn chỉ thấy đường dẫn chứ không có một tiêu đề đầy đủ hay một hình ảnh đứng trước đường dẫn. Ngoài ra, một số đường dẫn cũng chứa virus, nhưng dùng một tấm hình khiêu gợi làm ảnh đại diện khiến cho bạn tò mò nhấn vào.

Sau đây là minh họa của một số loại virus trên Facebook:

facebook trò lừa đảo

Status chứa đường dẫn có virus và tag cả bạn bè.
facebook trò lừa đảo
Đường dẫn chứa virus, ẩn danh đưới dạng video sex.
facebook trò lừa đảo
Virus phát tán qua cửa sổ chat trên Facebook.

Chỉ cần bấm "Like" hoặc "Share" để có cơ hội nhận được các sản phẩm đắt tiền

Một trò lừa đảo mới đang rất thịnh hành trên Facebook. Người dùng chỉ cần bấm "Like" hoặc "Share" để có cơ hội nhận được các thiết bị đắt tiền như iPhone hoặc Macbook.

Những fanpage lừa đảo này hứa hẹn sẽ lựa chọn một cách ngẫu nhiên những người dùng may mắn để có thể nhận được các tai nghe Beats hoặc Macbook một cách miễn phí. Theo các fanpage này, các sản phẩm nói trên là không thể đem bán được do đã bị bóc tem (seal).

"Chúng tôi có 1239 sản phẩm Dre Beats và 250 sản phẩm Monster Beats không thể bán được do đã bị bóc tem. Do đó chúng tôi sẽ tặng miễn phí các sản phẩm này. Muốn nhận được sản phẩm? Bạn chỉ cần Like trang của chúng tôi và Share bức ảnh này..."

Trang công nghệ Cnet cho biết một đại diện của Beats Electronics, nhà sản xuất tai nghe Beats, đã chính thức lên tiếng phủ định sự liên quan của công ty tới trò lừa đảo nói trên. Công ty cũng đã liên hệ với Facebook để gỡ bỏ trang web này.

Không chỉ có các sản phẩm Beats, rất nhiều các fanpage lừa đảo khác đã được lập ra để "câu" like của người dùng với các sản phẩm Apple. Các fanpage này có lượng người "Like" lên tới gầm 47.000.

Theo trang công nghệ Cnet, đây có thể là một chiêu trò nhằm tăng lượng fan cho các fanpage này. Các fanpage này sau đó sẽ được đổi tên và bán cho chủ sở hữu khác.

 

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn