Gái nạ dòng là người con gái như thế nào?
Gái nạ dòng là chỉ những người phụ nữ có con và đứng tuổi. Đây là từ được dùng với hàm ý coi thường, để ví von những người phụ nữ góa chồng hoặc qua một đời chồng ở thời phong kiến.
Theo phong tục xưa, những người đàn bà góa chồng hay bị chồng bỏ thì chỉ còn cách lấy lẻ hay lấy kế. Dù có còn trẻ, còn xoan thì cũng ít ai lấy được trai tân về làm chồng.
Thời xưa, những người đàn bà duyên phận hẩm hiu, quá lứa lỡ thì chỉ được làm vợ lẽ hoặc nàng hầu. Rất hiếm có người lấy được chồng đàng hoàng về làm vợ cả.
Những ai là trai tân chưa vợ mà kết duyên với gái đã có một đời chồng, dù có ít tuổi hơn mình cũng sẽ bị làng trên xóm dưới cười chê.
Ngược lại, những đàn ông đã ngoại tứ tuần, có hai ba đời vợ vẫn lấy được gái tơ chỉ bằng tuổi con mình. Ấy vậy mà thiên hạ vẫn khen là đẹp đôi vừa lứa.
Quan niệm trọng nam khinh nữ thời phong kiến đã gây ra nhiều góc nhìn thiên lệch. Thời xưa, sự bình đẳng giữa nam và nữ hầu như không có, phụ nữ lúc nào cũng chịu nhiều thiệt thòi.
Bên cạnh khó khăn trong việc tái hôn, người phụ nữ xưa còn bị gắn chặt thân phận với những quan điểm gia phong nề nếp.
Chuyện trai tân lấy gái nạ dòng ngày nay
Khác với câu ca dao ngày xưa: “Trai tơ lấy phải nạ dòng, như nước mắm thối chấm lòng sợ thiêu”.
Ngày nay, người ta có câu: “Trai tơ lấy gái nạ dòng, vừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con”.
Câu ca dao thời hiện đại đã đảo ngược vị trí của người phụ nữ góa chồng hoặc ly hôn. Từ bị coi thường họ đã được trân trọng, yêu thương hơn.
Sự bình đẳng ngày nay đã đặt người phụ nữ vào vị thế xứng đáng. Những quan điểm cũ kỹ, lạc hậu từ thời phong kiến đã không còn phù hợp. Luật hôn nhân ra đời và các quan điểm tiến bộ về nhân quyền đã trao trả cho người phụ nữ vị trí xứng đáng mà họ được nhận.
Thời nay, đàn ông hay phụ nữ đều được tự do yêu đương và kết hôn theo quy định của pháp luật. Dù người phụ nữ ở thân phận nào đi nữa thì đều được cảm thông, ghi nhận và trân trọng. Đó là bước tiến vượt bậc về tư duy của xã hội hiện đại so với thời xưa.