Cây lưỡi hổ có lá mọc thẳng, có thể trồng trong nhà hay ngoài trời đều được. Cây này hiếm ra hoa nhưng lại xanh tươi quanh năm, tràn đầy sức sống. Đặc biệt, cây lưỡi hổ có tác dụng thanh lọc không khí, hấp thụ formaldehyde, trả lại không khí trong lành.
Cây lưỡi hổ dễ trồng, không tốt công chăm sóc. Khi đã thích nghi với môi trường sống, cây có thể lớn nhanh như thổi.
Muốn cây lưỡi hổ phát triển tốt, đất trồng có vai trò rất quan trọng. Cây lưỡi hổ không kén đất. Chỉ cần đất thoáng khí, thoát nước tốt là cây có thể phát triển khỏe mạnh.
Ngoài ra, nếu có điều kiện, bạn nên thêm một ít phân bón lót vào đất để cây lớn nhanh hơn.
Có thể dùng đất than bùn và đá trân châu trộn thêm một ít phân bánh vào đất trồng cây. Ngoài ra, có thể lót một ít vỏ cây liễu ở 1/3 đáy chậu để tăng khả năng thoát nước, tạo độ thoáng khí, giúp tránh tình trạng úng nước làm thối rễ cây.
Trong thời kỳ sinh trưởng của cây lưỡi hổ, bạn có thể bổ sung thêm 3 "món ăn khoái khẩu" này để cây lớn nhanh hơn.
Phân trùn quế
Phân trùn quế là chất thải được thu hoạch từ con trùn quế (còn gọi là giun quế hay giun đỏ) khi ăn chất hữu cơ. Loại phân hữu cơ này có giá trị dinh dưỡng cao và được xem là loại phân tự nhiên tốt. Bạn có thể thu thập phân trùn quế trong tự nhiên hoặc mua phân trùn quế được bán sẵn. Loại này có thể trực tiếp sử dụng mà không cần lên men.
Phân trùn quế dễ tan và ngấm vào đất trồng. Bộ rễ của cây sẽ hấp thu dinh dưỡng sau khi tưới nước.
Phân trùn quế giàu phốt pho, kali, các loại axit amin, có thể đáp ứng nhu cầu sinh trưởng của cây.
Bạn có thể nghiền nát phân trùn quế rồi rắc lên bề mặt chậu đất hoặc trộn chung với đất trồng.
Bột vỏ trứng
Sau mỗi lần chế biến các món ăn từ trứng, bạn đừng vứt bỏ phần vỏ. Hãy giữ lại vỏ, rửa sạch và phơi khô vài nắng rồi nghiền thành bột. Vỏ trứng là nguyên liệu tốt cho cây trồng. Nó giúp điều chỉnh độ axit và độ kiềm của đất, cân bằng pH, bổ sung các nguyên tố đạm, lân, kali, đẩy nhanh quá trình sinh trưởng của cây.
Chỉ cần bón một ít bột vỏ trứng vào đất và tưới nước. Các chất dinh dưỡng sẽ nhanh chóng phân hủy và được cây hấp thụ.
Bột xương
Bột xương được làm từ xương gà, xương lợn, xương bò... Các phần xương này cần đem luộc qua để khử bớt muối. Xương đã được luộc và làm sạch để loại bỏ phần thịt bám trên bề mặt thì có thể đem đi phơi nắng cho khô giòn rồi đem nghiền thành bột.
Bạn cũng có thể mua bột xương bán sẵn ở các cửa hàng vật tư nông nghiệp, cửa hàng cây cảnh.
Dùng bột xương để làm phân bón lót hoặc bón thúc sẽ giúp cây lưỡi hổ cao thêm và ra nhiều mầm. Bột xương chứa nhiều chất dinh dưỡng như kali, canxi, rất cần thiết cho cây phát triển.
Với những loại phân bón này, khoảng 20-30 ngày, bạn có thể bón cho cây một lần.
Ngoài ra, để cây lưỡi hổ phát triển tốt, bạn không nên tưới quá nhiều nước. Cây lưỡi hổ có thể chịu hạn tốt, 7-10 ngày mới tưới nước cho cây một lần để tránh bị thối rễ.