Chàng trai Hà Lan nghiện... ăn Tết Việt (II)

12:47, Thứ ba 24/01/2012

( PHUNUTODAY ) - Erik trả lời: “Tết Việt Nam vui lắm, bạn hãy cộng hết các ngày lễ của Hà Lan: ngày sinh nữ hoàng, ngày Quốc khánh, ngày lễ Phục sinh, ngày Noel, ngày lễ năm mới và nhân với 100, sẽ ra ngày Tết Việt Nam”.

(Phunutoday) - Tôi bất ngờ khi biết vào những ngày Tết, một trong những món khoái khẩu của Erik là… bia và ô mai. Anh nói ô mai ăn chung với bia có hương vị đặc biệt, rất ngon, rất Tết. Nhưng không chỉ có ô mai, anh còn mê mẩn tất cả các món ăn Việt Nam. Vì thế, mỗi lần về ăn Tết ở Việt Nam, Erik lại tăng vài cân.

[links()]

Những ngày về quê mẹ vợ ở Bắc Ninh, Erik mê mẩn trước những mái nhà cổ xưa, những ngôi chùa trăm tuổi, những câu quan họ say lòng người, những món ăn ngày Tết được nấu do những bàn tay khéo nhất của các cô các chị, và đặc biệt là được ngồi tiếp chuyện thơ với bác Trần Anh Trang, anh ruột mẹ vợ, nguyên chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Bắc Ninh.

Anh tâm sự với tôi: "Tôi muốn học tiếng Việt tốt hơn nữa, để còn dịch thơ bác Trần Anh Trang sang tiếng Anh, giới thiệu với bạn bè". Mỗi lần từ Bắc Ninh về, Erik lại khệ nệ với một túi nặng bánh đa nem để... mang về Hà Lan ăn dần.

"Bánh đa nem Bắc Ninh tuyệt vời lắm, không nơi nào có bánh đa nem ngon hơn ở đây. Từng chiếc bánh mỏng tang nhưng rất dẻo, khi cuốn không bị vỡ và rán rất giòn”, anh nói như thể chính mình là một đầu bếp Việt Nam chuyên nghiệp.

Erik nói rằng: “Tết Việt Nam vui lắm, bạn hãy cộng hết các ngày lễ của Hà Lan lại sẽ ra ngày Tết của Việt Nam...

Một phần không thể thiếu được trong trải nghiệm Tết của Erik là việc đi bấm huyệt với bác Hiệp ở phố Hàn Thuyên. Bác Hiệp là một người bạn của gia đình Vân Anh – một người mà gia đình Vân Anh ai cũng “sợ”. Nhưng đối với Erik, bấm huyệt thật tuyệt vời cho sức khỏe, làm những căn bệnh đau bụng, đau lưng, đau đầu… của anh dần tan biến.

Lần nào trước khi về Việt Nam, Erik cũng dành thật nhiều thời gian lang thang ở những cửa hàng rượu Hà Lan, chọn một chai Whiskey ngon nhất làm quà Tết cho bác Hiệp. Còn bác Hiệp cũng xem Erik như một người bạn đặc biệt, và mùng ba Tết năm nào, bác Hiệp cũng mở hàng cho năm mới, bằng việc bấm huyệt cho vị khách đầu tiên – Erik.

Tôi bất ngờ khi biết vào những ngày Tết, một trong những món khoái khẩu của Erik là… bia và ô mai. Anh nói ô mai ăn chung với bia có hương vị đặc biệt, rất ngon, rất Tết. Nhưng không chỉ có ô mai, anh còn mê mẩn tất cả các món ăn Việt Nam.

Vì thế, mỗi lần về ăn Tết ở Việt Nam, Erik lại tăng vài cân. Anh chép miệng, thôi nghiện thì cứ ăn, về Hà Lan sẽ nhịn ăn để giảm cân xuống. Khi được các bạn bè Hà Lan hỏi điều gì làm anh nghiện Tết Việt đến thế, Erik trả lời: “Tết Việt Nam vui lắm, bạn hãy cộng hết các ngày lễ của Hà Lan: ngày sinh nữ hoàng, ngày Quốc khánh, ngày lễ Phục sinh, ngày Noel, ngày lễ năm mới và nhân với 100, sẽ ra ngày Tết Việt Nam”.

“Con rể của bà Nga”

Khi trò chuyện cùng tôi, Vân Anh hay gọi Erik là “con rể của bà Nga”. Cô Nga, mẹ của Vân Anh, khi nói chuyện cùng tôi, luôn luôn bày tỏ tình yêu đặc biệt đối với người con rể của mình. Cô Nga hiểu anh không phải là người quá giàu có, và vì anh mà cô con gái yêu của bà phải xa gia đình, sang tận Hà Lan để sống cùng anh.

Nhưng bù lại, anh là người hết sức chu đáo, tình cảm, và luôn luôn hết lòng với bố mẹ vợ. Mỗi khi biết tôi sang Hà Lan công tác, cô Nga luôn dành nhiều ngày để nấu những món ăn mà Erik yêu thích nhất, rồi đùm đùm gói gói nhờ tôi mang đi.

Quà cho Vân Anh thì ít mà cho Erik thì nhiều. Tôi biết đó không phải là sự thiên vị, mà cô Nga đã xem Erik như con trai của mình. Cách xa nhiều nghìn cây số, hàng tuần mẹ vợ và con rể đều trò chuyện cùng nhau rất lâu. Rồi bố vợ cũng đòi nói chuyện thật lâu với con rể, chỉ vì nhớ nó.

Vài năm trước, bố của Vân Anh không may bị ngã, vỡ xương chậu và không thể nào đứng lên được nữa. Vân Anh kể với tôi rằng, ngày xưa, khi mỗi lần về Việt Nam, Erik lại khoác ba lô rong ruổi, ít ra cũng trong khu vực Hà Nội. Nhưng bây giờ, khi về Hà Nội, Erik ít khi đi đâu. Anh muốn ở nhà chăm sóc cho bố vợ.

Anh ngồi nói chuyện với bố, bóp chân tay cho bố, lau rửa cho bố, bế bố đi vệ sinh. Công việc rất nặng nhọc và vất vả nhưng anh luôn nhiệt tình và ân cần. Dù cả nhà động viên anh hãy tranh thủ đi chơi, nhưng anh luôn nói: “Để cho mẹ Nga nghỉ ngơi, mẹ đã chăm sóc bố cả năm đã rất mệt”. Tết vừa rồi, khi về Hà Nội, anh là người xung phong ở nhà chăm sóc bố, để mẹ đi hành hương về đất Phật Nepal.

Gia đình Việt ở xứ sở Hà Lan

Trong những lần đến thăm nhà của Erik và Vân Anh tại Hà Lan, tôi quả quyết đó là một gia đình… chính hiệu Việt Nam. Đồ trang trí, bày biện trong nhà đều là đồ Việt. Trong vườn nhà, khi thời tiết cho phép vào mùa hạ, mùa thu và mùa xuân, những loại rau thơm Việt đua nhau mọc lên xanh mướt.

Erik nghiện ăn đồ ăn Việt Nam, và vì thế, anh hiếm khi ăn thứ gì khác. Anh cầm đũa rất thành thạo, ăn cơm cùng chiếc bát nhỏ, nhẩn nha thưởng thức hương vị của từng món ăn mà Vân Anh đã chế biến với tất cả tình yêu thương. Tủ lạnh nhà anh luôn đầy thực phẩm Việt Nam từ Hà Nội gửi sang, hoặc thực phẩm mà anh đã chở Vân Anh trên xe ô tô, đi một quãng đường dài để mua về.

Nhưng ngôi nhà của Erik và Vân Anh không chỉ chính hiệu Việt Nam vì lẽ đó, mà là vì nó luôn rộng cửa đón những bè bạn, người quen Việt Nam đến ở nơi này. Khác với những ngôi nhà của người Hà Lan thường “kín cổng cao tường”, ít khi tiếp khách, căn nhà của Erik và Vân Anh là điểm đến của rất nhiều sinh viên, văn nghệ sĩ Việt Nam và những người bạn Việt kiều.

Nghệ sĩ đàn nhị Ngô Hồng Quang và nghệ sĩ đàn môi Đức Minh, trong những chuyến lưu diễn sang châu Âu, đều tá túc tại nhà của Vân Anh và Erik hàng nhiều tuần. Đối với tất cả bạn bè, văn nghệ sĩ từ Việt Nam đến, Erik đều thu xếp công việc, đưa họ đi thăm thú khắp nơi, để họ hiểu nhiều hơn về đất nước, văn hóa, con người Hà Lan.

Erik rất ít thắt comple và cà vạt. Nhưng trong lễ tốt nghiệp của các sinh viên Việt Nam tại Utrecht hay Amsterdam, người ta mới thấy anh comple, cà vạt chỉn chu, vẻ mặt tự hào và hãnh diện. Những lúc đó, anh luôn hồ hởi đảm nhiệm việc chụp ảnh cho mọi người.

Vào mùa xuân năm 2010, khi cô Nga sang thăm vợ chồng Erik ở Hà Lan, Erik đã làm một việc thật đặc biệt để quảng bá văn hóa Việt Nam tại Hà Lan: anh đã liên hệ với Ủy ban nhân dân nơi anh đang sinh sống, để họ tài trợ tổ chức “Liên hoan Nem Việt Nam”.

Trong liên hoan “độc nhất vô nhị” đó, 1.000 chiếc “nem bà Nga” đã được tiêu thụ hết trong một ngày, thuyết phục được những người Hà Lan khó tính nhất. Điều đó làm Erik vui và hết sức tự hào. Anh tâm sự rằng, một điều làm anh nghiện ăn Tết Việt Nam, chính là việc anh nghiện “nem bà Nga”.

Thuộc về Việt Nam trọn vẹn

Vào tháng 4/2011, tôi bất ngờ khi nhận được điện thoại của Vân Anh và Erik. Họ đã quay lại Việt Nam, với lý do chủ yếu là tham gia chuỗi sự kiện kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Erik và Vân Anh đã phải tạm nghỉ công việc, sử dụng gần hết số tiền tiết kiệm của mình để mua vé máy bay từ Amsterdam về Hà Nội và Sài Gòn.

Họ đã có mặt trong hàng vạn người ở khu du lịch Bình Qưới, trong mưa, cùng thắp nến và hát vang những bài hát của Trịnh Công Sơn. Họ cũng đến thăm nhà riêng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tại đó, Erik và Vân Anh đã được gia đình nhạc sĩ tiếp đón, được dẫn đi thăm phòng làm việc, nơi nghỉ ngơi, nơi sáng tác của ông.

Khi ở đó, Erik đã rưng rưng nước mắt. Với anh, ít hạnh phúc nào có thể lớn hơn bằng việc được cảm nhận sự hiện diện của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở ngay bên mình. Erik quay lại Hà Lan với một vali có tới 8 kg đĩa CD nhạc Trịnh Công Sơn mà anh đã sưu tầm được trong chuyến đi thăm Việt Nam lần đó.

Không chỉ thuộc các bài hát Trịnh Công Sơn, Erik còn thuộc lòng rất nhiều các bài hát về Hà Nội, đặc biệt là các bài hát do Ngọc Tân, Thái Bảo thể hiện. Có lần khi ở Hà Lan, tôi đã thử hát theo anh. Tôi cũng yêu Hà Nội say đắm, nên cũng thuộc nhiều bài hát lắm chứ. Nhưng chỉ khoảng 10 phút sau, tôi đã lắc đầu xin thua.

Erik thuộc các bài hát khó nhất, hát theo tất cả các nốt nhạc khó dễ, giọng ngân lên theo các cao trào. Anh hát một cách chỉn chu, nghiêm túc. Hình như đối với anh, âm nhạc Việt là một phần tâm hồn, một phần cuộc sống của anh.

Một buổi tối ở Hà Lan, sau khi chúng tôi đã ăn cơm xong, Erik bảo muốn dành cho tôi một món quà đặc biệt. Anh loay hoay chuẩn bị rất lâu và đèn chiếu bật sáng. Trên bức tường của ngôi nhà anh là những hình ảnh của đất nước tôi – những hình ảnh mà Erik đã chụp trong những chuyến rong ruổi hàng chục năm trời nay trên những nẻo đường rất xa và hẻo lánh.

Những nụ cười của những người nông dân trên ruộng lúa, những con trâu đang đầm mình trong bùn, những cánh đồng vàng óng ánh đến chân trời, những em bé H’mông với gương mặt bừng sáng bởi nụ cười, những thung lũng mờ sương, những mái nhà rong rêu cổ kính….

Erik có những bộ sưu tập ảnh độc đáo của riêng anh, vừa màu vừa đen trắng, mà anh cẩn thận lưu giữ rất kỹ trong những chiếc đĩa lớn, đĩa nhỏ. Tôi đã xin những tấm ảnh rất đặc biệt của anh làm bìa sách, để in cùng những bài viết du ký của tôi. Dù chụp ảnh rất đẹp, anh không có ý định kinh doanh hoặc triển lãm chúng.

Hình như anh chỉ chụp cho riêng mình, cho tình yêu của mình dành cho đất Việt. Vân Anh thầm thì với tôi rằng, tôi may mắn lắm mới được Erik cho xem tất cả những bộ sưu tập ảnh của anh. Anh nâng niu những tấm ảnh đó, như tài sản quý nhất của mình.

Trước khi kết thúc bài viết này, tôi chợt nhớ về một điều luôn làm Erik day dứt. Anh muốn được đưa Vân Anh về Hà Nội để sống, để cô được gần gũi hơn với gia đình của mình. Anh đã cố tìm việc ở Hà Nội, nhưng Hà Nội có quá nhiều kỹ sư tin học giỏi, mà anh thì chưa thể nói được tiếng Việt một cách hoàn hảo để cạnh tranh với họ.

Dù công việc ở Hà Lan của anh đã rất tốt, nhưng Erik vẫn cảm thấy còn một điều gì đó thiêu thiếu. Theo tôi, điều thiếu hụt đó có thể là mối liên hệ với Việt Nam trong công việc.

Tôi đã từng nói với Erik rằng, với tình tình hiền lành, dễ tin người của anh, có lẽ làm việc ở môi trường Việt Nam sẽ không phù hợp với anh. Môi trường ở đây khá bon chen, đố kỵ. Nhưng bây giờ nghĩ lại, tôi tin rằng Erik sẽ hòa nhập rất tốt, như anh đã từng hòa nhập, và là một phần không thể thiếu trong gia đình của mẹ Nga.

Và tôi đang hy vọng một ngày nào đó, sẽ gặp Erik hàng ngày ở Việt Nam, rong ruổi trên chiếc xe máy bình dân và nụ cười giấu sau chiếc khẩu trang đang che kín mặt. Tôi tin rằng anh sinh ra để thuộc về Việt Nam và chính anh đang khiến cho những người Việt Nam từng quen biết anh, như tôi, yêu hơn đất nước của mình.

Chàng trai Hà Lan nghiện... ăn Tết Việt )

            Manila ngày 27/11/2011

  • Nguyễn Phan Quế Mai


 

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc