Bạn có thể chọn đào cành, đào cây với dáng khác nhau nhưng cây cần có dăm nhỏ, nhiều nụ. Ảnh: Xuân Tùng.
Ngày càng có nhiều loại đào khác nhau về màu sắc (đào bích, phai, trắng), dáng thế, nguồn gốc (đào trồng, đào rừng).
1. Cách chọn đào
- Không gian bày đào: Tùy vào nơi trưng đào, bạn chọn loại cây phù hợp. Dù có thích cây đào to hoành tráng, bạn cũng không thể bó buộc chúng trong phòng khách nhỏ hẹp. Nếu đặt cây trong nhà nhỏ, bạn nên chọn cây dáng vừa phải, không chạm tới trần. Ở ngoài sân, bạn có thể chọn cây lớn, cành nhiều.
- Cây có hoa, nhiều nụ, lá non: Năm nay lạnh kéo dài tới ngày đầu năm âm lịch nên hoa sẽ lâu nở. Với đào cây, hoa nở chậm hơn đào cành nên bạn chọn các cây đã nở hoa nhiều hơn và nụ to hơn.
- Đào cành: Đẹp nhất là các loại cành có tán tròn đều, hoa, lá, nụ phân bố đều khắp. Các cành dăm (cành nhỏ nhất) nhiều, vút thẳng ra ngoài; nếu dăm to thì cây sẽ ít hoa. Ngoài ra, một số gia đình cũng thích lựa các loại cành mảnh mai vài ba nhánh, hoa màu nhạt, ít cánh, đem lại cảm giác bình yên, thanh cao.
- Đào cây: Với đào dáng tròn, bạn chọn tương tự như đào cành nhưng hoa cần nở nhiều, nụ to hơn. Đào thế có nhiều loại khác nhau thường làm theo nét chữ Nho, uốn theo dáng các con vật như long giáng (hình rồng sà xuống mặt đất), phu thê (2 cành quấn quýt vào nhau), thế tam đa, ngũ phúc... Các cây dáng cổ, mọc rêu, có cây leo quấn cũng được cho rằng sẽ đem lại may mắn cho năm mới.
- Với cành đào: Nếu muốn nở nhanh, bạn đốt gốc, cho B1 vào nước cắm, đặt trong phòng ấm áp, bật nhiều đèn. Nếu muốn hãm cây nở chậm, bạn cắm trong bình lạnh, dùng dao cứa quanh thân đào.
- Với đào cây: Tưới nước đều đảm bảo độ ẩm vừa phải để đào được tươi lâu. Hạn chế di chuyển nhiều làm rụng hoa. Khi hết Tết, bạn nên cho cây ra ngoài trời có ánh nắng, cây sẽ phát triển được lâu hơn.