Mùa hè là mùa của du lịch, mùa của những bộ váy áo rực rỡ khoe dáng thon, da trắng của chị em phụ nữ, nhưng mùa hè cũng là mùa của cái nắng chói chang, gay gắt, kẻ thù của làn da vốn mỏng manh, nhạy cảm. Sẽ ra sao nếu bạn đi du lịch ở một vùng quê hẻo lánh, làn da bạn đỏ ửng lên và bỏng rát vì cháy nắng mà quanh đó vài chục cây số chẳng hề có một hiệu thuốc nào?
[links()]
Tôi đã từng rơi vào cái hoàn cảnh éo le ấy, nhưng cũng bởi thế mà tôi đã học được một phương pháp chữa cháy nắng hiệu quả từ những loại thực phẩm dễ kiếm và đơn giản đến bất ngờ.
Khốn khổ vì nắng
Là dân mê du lịch, đặc biệt là du lịch bụi, mùa hè quả là thời điểm tuyệt vời để tôi bắt đầu những chuyến đi đầy tham vọng và hứa hẹn nhiều điều bất ngờ, thú vị.
Tôi đã đi nhiều nơi trên khắp dải đất hình chữ S, nhưng mùa hè năm nay là thời gian tôi chọn để thực hiện chuyến hành trình xuyên Việt, nối những điểm du lịch rời rạc lại với nhau trong một chuyến đi xuyên suốt.
Cung đường tôi chọn là đường Hồ Chí Minh, cung đường này khá mới, thưa thớt dân cư và có nhiều đoạn xuyên qua rừng. Biết chắc chuyến đi này tuy đầy hứa hẹn nhưng cũng chẳng hề kém phần nguy hiểm và chứa đựng nhiều rủi ro, bất trắc, nên tôi đã chuẩn bị hành trang, vật dụng khá đầy đủ.
Có kinh nghiệm trong “nghề” du lịch nên có thể tự hào mà nói rằng tôi đã… “trang bị tận răng”, không còn thiếu thứ gì, từ chiếc bếp du lịch chuyên dụng đến lều trại, túi ngủ…
Chiếc xe máy theo tôi rong ruổi suốt chặng đường hơn ngàn cây số, vượt qua bao đèo dốc quanh co, qua hết những khu rừng nguyên sinh rợp bóng cây mát rượi lại tới những con đường hai bên lúp xúp cỏ, nằm phơi mình dưới cái nắng gay gắt như đổ lửa.
Khi đắp những chiếc lá rau diếp xanh rờn lên vết cháy nắng, cảm giác bỏng rát ngay lập tức dịu hẳn. |
Dù đã cố lên đường từ sáng sớm, khi thời tiết còn mát mẻ, nhưng đến trưa, khi mặt trời đứng bóng, cái nắng hun mặt đường nhựa, phả hơi nóng hầm hập, con đường nhựa có lúc bốc hơi mờ mờ ảo ảo, tôi vẫn cắm cúi hướng về đích đến.
Khủng khiếp nhất là những đoạn đi qua Nghệ An, Hà Tĩnh, nơi gió Lào, cát trắng đã trở thành một thứ “đặc sản”, đến cây cối bên đường cũng xác xơ đi vì nắng, rồi lại tới đoạn đi qua cao nguyên Lâm Đồng, cả một quãng đường dằng dặc không bóng cây, hai bên chỉ toàn đất đỏ, da thịt người ta cũng sắt đanh lại vì nắng.
Vừa ngao du, vừa mải mê chụp ảnh, ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ của con người và cảnh vật những nơi mình đi qua, tôi quên mất rằng làn da mình cũng đang bị phơi ra dưới cái nắng chói chang mà chẳng hề có một biện pháp bảo vệ nào.
Trong những chuyến đi như thế này, thường thì kem chống nắng vẫn là một trong những vật “bất li thân”, nhưng trong khi chuẩn bị vội vã, tôi đã quên mất tuýp kem nhỏ xinh ấy, song tôi vẫn quyết tâm lên đường, định bụng sẽ mua trên đường đi.
Ngặt nỗi con đường tôi chọn lại chỉ bắt qua những ngôi nhà nhỏ nghèo nàn, cách xa thị trấn và đường lộ chính tới cả mấy chục cây số, cảnh vật thì hoang sơ và đẹp mê hồn nhưng quả thật rất bất tiện.
Ở cung đường này, tìm một quán ăn, một ngôi nhà trọ để dừng chân cũng khó nữa là tìm mua một thứ xa xỉ như kem chống nắng. Vậy là tôi chỉ có một lựa chọn duy nhất: quấn thật kín khăn áo và lại mải miết lên đường ngao du.
Đến ngày thứ hai của chuyến hành trình kéo dài cả tháng trời, da tôi đã có dấu hiệu bắt nắng, bất chấp mọi nỗ lực hóa thân thành “ninja” của tôi. Khăn, áo, khẩu trang, kính, găng tay… những lớp “bảo hộ” chống nắng ấy xem ra vẫn chẳng “nhằm nhò” gì với cái nắng gay gắt, khắc nghiệt của những vùng đất hoang sơ.
Những lớp vải dường như còn quá mong manh để bảo vệ làn da vốn rất nhạy cảm của tôi. Da tôi mỏng tới mức chỉ cần phơi nắng một buổi chiều là những đốm tàn nhang đã xuất hiện.
Dù đi du lịch nhiều song tôi vẫn chẳng thể có được cái vẻ “phong trần” như dân “phượt” thứ thiệt bởi làn da trắng quá mức của mình.
Thật ra, chuyện da trắng – da đen với tôi chẳng hề quan trọng, thậm chí tôi còn rất thích làn da rám nắng vì vẻ khỏe khoắn, tràn đầy sức sống của nó, song da tôi vốn rất mỏng manh và nhạy cảm, chỉ cần tiếp xúc với nắng lâu một chút là sẽ đỏ tấy và bỏng rát, bởi vậy, tôi rất quan tâm tới việc bảo vệ da.
Chữa cháy nắng cấp tốc bằng… rau cỏ
Cuối cùng, điều mà tôi lo lắng nhất đã trở thành hiện thực. Sau ba ngày ròng rã rong ruổi dưới cái nắng chói chang của mùa hè khắc nghiệt suốt dải miền Trung và Tây Nguyên, bất chấp mọi nỗ lực “che chắn”, làn da tôi vẫn đỏ ửng, bỏng rát.
Khuôn mặt tôi hằn lên những vệt cháy nắng loang lổ, mỗi lần chạm vào đều có cảm giác đau rát rất khó chịu. Lúc đó, tôi chỉ mong có được một chút kem làm mát hoặc đá cục để chườm vào cho dịu lại.
Nhưng thị trấn nơi tôi dừng chân lại là một khu dân cư thưa thớt, nghèo nàn và heo hút giữa trập trùng đồi núi. Người dân đa phần làm nông nghiệp trên những mảnh ruộng cằn khô, nứt nẻ vì hạn.
Ở đó, đến một gói bánh người ta cũng chỉ bán loại rẻ tiền mà đã từ lâu lắm không còn thấy xuất hiện ở Hà Nội, mặt hàng được buôn bán chủ yếu là nông sản và nông cụ.
Người dân thị trấn nói tiếng địa phương rất khó nghe nên phải mất rất nhiều công sức tôi mới tìm đến được một hiệu thuốc nhỏ, định bụng mua một chút vaseline để làm dịu cơn bỏng rát trên mặt và khắp cánh tay.
Hiệu thuốc là một cửa hàng nhỏ lụp xụp nằm sâu bên trong thị trấn, ngoài thuốc ra còn bán kèm đủ loại hàng hóa khác như một cửa hàng tạp phẩm. Vượt qua con đường đất ngoằn ngoèo, mấp mô, trồi lên hụp xuống, cuối cùng tôi đã tìm được nơi mình đặt nhiều hi vọng.
Song mới thoạt nhìn, hi vọng của tôi đã “tan thành mây khói” khi thấy chiếc tủ kính đựng thuốc nhỏ xíu bày thưa thớt những loại thuốc thông thường: thuốc đau đầu, sổ mũi, cảm cúm… nhưng tuyệt nhiên không có loại tôi cần, thậm chí người bán hàng còn không biết loại thuốc tôi cần mua.
Tuy vậy, nhìn khuôn mặt đỏ phừng phừng của tôi, người phụ nữ bán hàng biết ngay tôi đang bị cháy nắng và đang khốn khổ vì cảm giác bỏng rát. Nghe giọng tôi, chị ta hồ hởi nhận ngay “đồng hương”.
Ở cái chốn thâm sơn cùng cốc này, gặp được đồng hương, quí chẳng khác nào tình “thiên lí tha hương tri cố nhân”, chị kéo tôi vào nhà, đon đả rót nước rồi vội vàng chạy ra vườn, lúi húi vặt mấy cọng rau diếp xanh rờn.
Sau khi rửa sạch, chị ta ngâm mấy lá rau vào thau nước giếng mát lạnh rồi quay ra trò chuyện với tôi. Sau khi cho tôi uống cốc nước mát để tạm xua đi cái nắng nóng như đổ lửa của buổi trưa hè, người phụ nữ vui vẻ khẳng định rằng chị có một “bí kíp” chữa cháy nắng rất đơn giản, được người quê chị áp dụng từ rất lâu đời và đem lại hiệu quả rất bất ngờ.
Lát sau, chị bưng vào thau nước đang ngâm mấy lá rau diếp rồi khẽ khàng vớt lên từng lá, bảo tôi đắp vào chỗ da đang đỏ rát. Ban đầu tôi ngần ngại vì chưa từng nghe tới cách chữa này bao giờ, hơn nữa, ai mà biết được những lá rau này có khiến làn da đang bị tổn thương của tôi thêm tồi tệ hay không, bởi tôi rất hay bị dị ứng.
Sau một hồi phân vân, đắn đo, tôi đã bị thuyết phục bởi vẻ nhiệt tình và những lời cam đoan, khẳng định “chắc như đinh đóng cột” của người phụ nữ mới quen.
Khi đắp những chiếc lá rau diếp xanh rờn lên vết cháy nắng, cảm giác bỏng rát ngay lập tức dịu hẳn, thay vào đó là sự dễ chịu, mát rượi trên da mà những loại kem làm mát tôi đã biết chẳng thể nào sánh nổi. Chỉ một lúc sau, những chỗ cháy nắng trên da tôi đã không còn nhức nhối.
Cách chữa dân gian này quả là đem lại hiệu quả bất ngờ. Sau đó, tôi còn được biết rằng ngoài lá rau diếp, lá rau bắp cải cũng là một cách chữa hữu hiệu và đơn giản. Chỉ cần lấy vài lá bắp cải, rửa sạch, cho vào tủ lạnh hoặc ngâm nước mát một lúc rồi đắp lên chỗ cháy nắng là cảm giác bỏng rát sẽ dịu hẳn.
Đó là hai cách vô cùng đơn giản để chữa cháy nắng cấp tốc trong trường hợp không có các loại kem va thuốc đặc trị hay trong trường hợp bạn đang đi du lịch và dừng chân ở một chốn thôn quê hẻo lánh như tôi.
- Linh Anh