Trong buổi sáng ngày 5/1, trên dòng suối Yến, dòng đò tấp nập chở du khách nối đuôi nhau tiến về phía Chùa Hương. Theo ông Nguyễn Chí Thanh (Trường ban quản lý khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn) cho biết: "Mỗi ngày, Ban tổ chức lễ hội Chùa Hương sẽ thống kê lượt du khách đến trẩy hội. Dự tính, trong ngày hôm nay, Chùa Hương sẽ đón tiếp trên 5 vạn lượt khách. Mọi công tác tổ chức, phục vụ lễ hội đã được các ban ngành, chính quyền địa phương thống nhất và tiến hành nhằm đảm bảo một lễ hội an toàn, chất lượng và thuận lợi".
Cũng trong ngày khai hội, ban tổ chức lễ hội Chùa Hương đã huy động hơn 5 nghìn chiếc đò để phục vụ du khách thập phương đến lễ viếng, du xuân.
Dòng người tấp nập đến các đền, chùa trong khu di tích Chùa Hương...
...Và đứng xếp hàng, chờ trong thời gian dài để được vào lễ viếng. Động Hương Tích nghẽn đường vì lượng khách quá đông.
Trời nắng cùng với người chen đông khiến các em nhỏ mệt mỏi và ngủ gục trên vai mẹ. Nhiều người lặng lẽ bỏ về.
Có người cố nán lại ngồi đợi để được vào lễ viếng.
Thậm chí, nhiều người còn tranh thủ ngủ nghỉ để có sức leo lên các đền, chùa và "Nam thiên đệ nhất động".
Dù sắm cho mình chiếc gậy chống nhưng người phụ nữ này vẫn không thể gượng dậy vì quá mệt.
Trong khi đó, nhiều du khách nước ngoài lại có vẻ hào hứng và thích thù với thắng cảnh tại Chùa Hương.
Dịch vụ đổi tiền lẻ tại Chùa Hương vẫn diễn ra công khai mặc cho có lệnh cấm. Tỉ lệ đổi chênh lệch ở đây khá cao, "10 ăn 8" khiến các du khách "giật mình".
Việc bỏ tiền hay trà tiền vào các tượng thờ vẫn xảy ra tại chùa. Mặc cho ban tổ chức lễ hội Chùa Hương đã cử người đứng "canh chừng".
Vứt tiền xuống nơi thờ tự làm mất đi tính mỹ quan của chùa.
Như mọi năm, việc treo bán thú rừng tại các quán phục vụ ăn uống vẫn diễn ra công khai. Với giá "cắt cổ', thịt nhím 550 nghìn đồng/kg; thịt nai 450 nghìn đồng/kg...
Thậm chí, còn được trưng bán công khai ngay trước cửa hàng.
Chiều muộn 17h cùng ngày, dòng người vẫn đổ xô về phía Chùa Hương để lễ viếng và thăm quan. Dù trên khuôn mặt ai nấy đều đã tỏ vẻ mệt mỏi.