Chuyện cảnh sát hình sự TP.HCM làm… vú em có một không hai

06:20, Thứ hai 23/05/2011

( PHUNUTODAY ) - #160; Ngoài sự khổ cực vì đeo bám rồi canh giữ đối tượng, các anh còn bị cậu bé 2 tháng tuổi “hành” suốt hai đêm liền với ba cái vụ thay tã lót, cho uống sữa và những tiếng khóc thét không sao dỗ được.


Đi xuyên Việt lần theo dấu vết những kẻ buôn người
 
Vì quá bộn bề công việc nên Châu Sơn và Tuấn Dũng hẹn tôi gặp tại đội vào ngày nghỉ. Khi tôi đến hai anh cùng trung tá đội trưởng Nguyễn Hoàng Anh đã chờ sẵn. Vẫn cái bắt tay vui vẻ ngày nào với cánh nhà báo, trung tá Hoàng Anh vào đề luôn: “Anh em bận lắm nhưng vẫn sắp xếp cho nhà báo nguyên buổi sáng nay, nhà báo cứ hỏi thoải mái, chuyện xảy ra đã nhiều năm rồi nhưng anh em chúng tôi vẫn còn nhớ như in đó”. Cảm kích thái độ niềm nỡ chân tình của trung tá Hoàng Anh cũng như anh em ca trực, tôi đề nghị Châu Sơn, Tuấn Dũng kể lại chuyện làm… vú em như thế nào. Cả hai cùng cười, Tuấn Dũng nhường cho Châu Sơn kể trước, có gì thiếu Dũng sẽ bổ sung.

Chuyện bắt đầu vào chiều 24/12/2008, đại úy Lê Công Thức - Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự xã hội Công an quận 3, TP Hồ Chí Minh - đang ngồi xem hồ sơ một vụ án thì ông Huỳnh Văn Thật, quê Châu Thành, Tây Ninh, tạm trú phường Tân Thới Nhất, quận 12 bước vào trình báo việc người vợ chắp nối của ông là Nguyễn Thị Sáng có việc làm thất đức là nhận một bé trai khoảng 2 tháng tuổi từ một phụ nữ tên Trang đem đi Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh để bán. Sáng vừa lên tàu đi Hà Nội.
Đại úy Lê Tuấn Dũng (bên trái) và thiếu tá Nguyễn Châu Sơn
Đại úy Lê Tuấn Dũng (bên trái) và thiếu tá Nguyễn Châu Sơn

Sau khi ghi nhận những chi tiết trình báo của ông Thật, đại úy Thức báo cáo sự việc cho Ban chỉ huy công an quận xin ý kiến chỉ đạo. Thượng tá Nguyễn Tấn Đạt - Trưởng công an quận – liền chỉ đạo Ban chỉ huy Đội cảnh sát Điều tra tội phạm về Trật tự xã hội phân công trinh sát khẩn trương xác minh sự việc. Đại úy Thức và trinh sát Dương lập tức đến ga Sài Gòn xác minh.

Đến 20 giờ cùng ngày các anh đã xác định trên chuyến tàu TN6 có người phụ nữ có đặc điểm nhân dạng giống Nguyễn Thị Sáng ẵm một bé trai khoảng 2 tháng tuổi đi Hà Nội. Khi các anh nắm được nguồn tin này thì chuyến tàu TN6 đã rời ga Sài Gòn hơn 10 tiếng đồng hồ.

Qua hệ thống thông tin liên lạc của ngành đường sắt và điện thoại di động, các trinh sát tại TP.HCM  đã liên lạc với lực lượng an ninh trên tàu TN6 nhờ truy tìm đối tượng, trong khi đó Ban chỉ huy công an quận chỉ đạo trinh sát đi ngay ra Đà Nẵng đón đầu bởi tàu TN6 sẽ dừng tại ga Đà Nẵng để đón khách. Trọng trách này được giao cho hai trinh sát giàu kinh nghiệm Châu Sơn - Tuấn Dũng.

Hối hả lên đường Sơn, Dũng quyết tâm không để mẹ mìn đưa em bé sang Trung Quốc được. Khi máy bay vừa hạ cánh xuống phi trường Đà Nẵng, Châu Sơn, Tuấn Dũng cấp tốc lên taxi đến ga Đà Nẵng lúc 10 giờ sáng 25/12. Lúc này tàu TN6 chưa tới. Từ Công an quận 3, đại úy Thức điện báo cho Sơn - Dũng là đối tượng ở toa số 3, Sơn - Dũng khẩn trương mua vé để lên toa này. 13 giờ tàu TN6 đến ga Đà Nẵng, hai anh nhanh chóng lên tàu.

 Nhận ra đối tượng cần tìm, các anh bí mật bám sát suốt cuộc hành trình ra Hà Nội. Tàu chạy suốt đêm, trong khi thị Sáng ẵm đứa bé ngủ ngon lành thì Châu Sơn và Tuấn Dũng không ai dám chợp mắt bởi lỡ ngủ quên, đối tượng bất chợt biến mất ở một ga nào đó hoặc giao em bé cho đồng bọn thì quả là công toi.

Vì thế mỗi khi thị Sáng rời khỏi vị trí hay khi tàu dừng ga là Sơn - Dũng nháy mắt nhau người coi cháu bé người theo thị Sáng. Nhận định sẽ không trao đổi kịp với công an Hà Nội giúp sức nên khi tàu đến địa phận Thanh Hóa, Tuấn Dũng điện cho người bạn ở Hải Phòng là anh Tường, nhờ anh lái xe ôtô lên ga Hà Nội giúp các anh truy bắt đối tượng.
 Ảnh 1:  Đại úy Lê Tuấn Dũng (bên trái) và thiếu tá Nguyễn Châu Sơn
Em bé bị mua bán mà các trinh sát đã “giành” lâi từ tay các mẹ mìn trong đường dây mua bán người xuyên quớc gia

Từ Hải Phòng anh Tường lập tức phóng ôtô lên ga Hà Nội với quãng đường trên 100 cây số. Tàu đến ga Hà Nội thì đối tượng xuống đón xe ôtô về bến xe Gia Lâm, anh Tường chở Sơn và Dũng bám theo. Đến bến xe Gia Lâm, đối tượng khá tinh ranh, thị ẵm đứa bé lẩn vào đám đông rồi liên tục “lạng lách” trong rừng người chộn rộn khiến Châu Sơn theo muốn ná thở. Để đảm bảo bí mật, không cho đối tượng phát hiện mình, Sơn vận động một thanh niên bốc vác ở bến xe giúp anh theo sát đối tượng, xem đối tượng điện thoại cho ai, nói gì rồi báo lại cho anh.

Trời Hà Nội vào những tháng ấy lạnh đến tê người, người thanh niên bốc vác tốt bụng ở bến xe đã cởi áo gió của mình trao cho Sơn với lời dặn hết sức chân tình: “Anh mặc vào cho đỡ lạnh, chắc việc theo con mẹ này còn xa mà lên vùng cực Bắc lại càng lạnh dữ lắm đó”. Nói rồi người thanh niên nhanh chân theo sát đối tượng. Qua điện thoại di động, người thanh niên báo cho Châu Sơn biết đối tượng sau khi gọi điện cho ai đó rồi mua vé đi Móng Cái, Quảng Ninh.

Trước khi chiếc xe khách tuyến Gia Lâm - Móng Cái rời bến, Châu Sơn và người thanh niên tốt bụng ấy cũng lên xe giám sát đối tượng suốt lộ trình hàng trăm cây số, trong khi Tuấn Dũng thì được anh Tường chở trên ôtô bám theo. Xe đò cuối năm người chật như nêm, mặc dù có vé nhưng Sơn và anh thanh niên cũng phải nhường ghế cho cặp vợ chồng già đón xe dọc đường mà theo Châu Sơn thì vừa đứng vừa canh chừng đối tượng cũng tiện hơn.

Đến Hòn Gai, Quảng Ninh, thị Sáng xuống xe và gọi điện rồi lên xe đò tiếp tục đi Móng Cái. Sau khi đi tiếp chặng đường khoảng 100 cây số, thị xã Móng Cái hiện ra trong chập choạng sương chiều lạnh buốt. Thị Sáng xuống xe ẵm em bé đứng đợi với nét mặt hớn hở như sắp có niềm vui. Nhận định thị Sáng sẽ đợi “đối tác” đến nhận hàng, Châu Sơn gọi điện về TP.HCM xin chỉ đạo của thượng tá Nguyễn Tấn Đạt - Trưởng Công an quận, thượng tá Đạt chỉ đạo “bằng mọi giá phải bắt giữ đối tượng không được để chúng lọt qua biên giới Trung Quốc là hỏng việc. Các cậu phải hết sức bí mật, thận trọng, sơ suất là thất bại đó”.

“Thủ trưởng yên tâm, bọn em sẽ không để chúng qua biên giới Trung Quốc đâu” - Châu Sơn nói chắc. Lúc này trinh sát Dũng điện ngay cho công an thị xã Móng Cái nhờ giúp đỡ. Nhận được yêu cầu trên, Ban chỉ huy công an thị xã Móng Cái lập tức cử trinh sát đến nơi phối hợp tác chiến.

Là “thổ địa”, các trinh sát công an thị xã Móng Cái không mấy khó khăn để xác định tọa độ thị Sáng giao hàng. Lúc này người thanh niên đang áp sát thị Sáng, theo dõi mọi biến động của thị. Sau khoảng 20 phút chờ đợi, thị Sáng được một phụ nữ đi xe Wave đến đón và ngay lập tức người thanh niên cùng lực lượng trinh sát phối hợp bắt giữ đưa về công an thị xã Móng Cái đấu tranh khai thác.

Người phụ nữ đón Sáng chính là Trương Thị Thanh, ngụ tại thị xã Móng Cái. Thanh khai mình chỉ là kẻ dắt mối còn Phạm Thị Thoa (ngụ thị xã Móng Cái) mới là người mua cháu bé. Thị Thanh cho biết thị Thoa đang chờ ở nhà thị. Từ lời khai của thị Thanh, trinh sát lập tức đến nhà thị Thanh bắt giữ Phạm Thị Thoa. Thị Thoa khai nhận sẽ bán cháu bé qua Trung Quốc nếu công an không đến kịp.

Tin tổ trinh sát Sơn - Dũng đã bắt hết thủ phạm, cứu được cháu bé làm cho Ban chuyên án và các trinh sát ở nhà hết sức phấn khởi. Thượng tá Nguyễn Tấn Đạt yêu cầu các trinh sát và điều tra viên tập trung mọi nỗ lực tiếp tục xác minh các mối quan hệ của thị Sáng tại TP.HCM để làm rõ nguồn tin về một cháu bé khác đang được các đối tượng trong đường dây mua bán trẻ em này nuôi giấu để tiếp tục bán sang Trung Quốc.

 Từ nhiều biện pháp nghiệp vụ sắc bén, trinh sát đã lần ra được dấu vết của bọn tội phạm đó là việc xác định Trần Thị Hồng Hoa, mẹ chồng của Dương Tú Anh (Dương Tú Anh là một mắc xích trong đường dây mua bán trẻ em này) đang nuôi giấu cháu bé trai tại nhà ở xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn. Trần Thị Hồng Hoa bị bắt giữ, một cháu bé nữa được cứu thoát.

Từ việc đấu tranh với Trần Thị Hồng Hoa và Nguyễn Thị Sáng, cơ quan điều tra công an quận 3 đã lần ra toàn bộ các chân rết của đường dây mua bán trẻ em hoạt động đã khá lâu tại TP.HCM, các đối tượng cần truy bắt khẩn cấp là Nguyễn Thị Thu Trang (SN1972, ngụ đường Cống Quỳnh, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1), Dương Tú Anh (chưa rõ lai lịch), Triệu Việt Hải (SN 1975, ngụ phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân). Một ngày sau, Nguyễn Thị Thu Trang, Triệu Việt Hải đã bị bắt giữ.

Qua đấu tranh với sáu đối tượng bị bắt giữ trên, cơ quan điều tra đã bước đầu làm rõ hành vi mua bán trẻ em của chúng, trong đó vai trò chủ mưu là Nguyễn Thị Sáng, còn Nguyễn Thị Thu Trang là kẻ dắt mối đắc lực. Nguyễn Thị Thu Trang có quán cà phê ở khu vực bệnh viện Từ Dũ, nhiều lần được các sản phụ và người thân than thở việc sinh con mà không có điều kiện nuôi, muốn cho con để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Nếu Trang tìm được người cần mua thì họ sẽ “cảm ơn và hậu tạ”.

 Cơ hội làm ăn của thị Trang được bắt đầu khi Nguyễn Thị Sáng - kẻ nghĩ cách mua bán trẻ em để kiếm tiền - xuất hiện. Cung - cầu gặp nhau và việc làm ăn của những kẻ buôn người xuôi buồm thuận gió khi chúng đã thực hiện trót lọt ít nhất hai vụ mua bán trẻ em.

Điều đặc biệt là thị Sáng chỉ nhận mua bé trai, giá khoảng 4 triệu đồng một cháu. Thị Sáng khai nhận đã thực hiện được 4 phi vụ, đến lần thứ 5 thì bị bắt. Còn thị Trang thì khai mỗi cháu bé được giao, thị Sáng trả cho Trang 500 ngàn đồng tiền cò. Triệu Việt Hải thì khai nhận chỉ giúp việc cho Dương Tú Anh, trong khi đó Trần Thị Hồng Hoa thì khai nhận nuôi giúp cho con dâu là Dương Tú Anh đến khi cháu bé được bán sang Trung Quốc thị sẽ được trả công 500 ngàn đồng/cháu.

 Trong đường dây mua bán trẻ em này còn có đối tượng nữ cũng giữ vai trò quan trọng tên là Thủy đang mang thai và bỏ trốn về Kiên Giang sau khi được tin các đồng bọn bị bắt giữ. Do chuyên án liên tỉnh nên lực lượng trinh sát Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự xã hội của bộ Công an cũng vào cuộc. Lực lượng trinh sát của cục này đã theo dõi quá trình lẩn trốn của thị Thủy và xác định thị đã trốn ra đảo Phú Quốc, Kiên Giang. Trong khi trinh sát chuẩn bị ra đảo để truy bắt thì ả bất ngờ vào đất liền và lên TP.HCM đầu thú tại Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự xã hội Công an TP. HCM sau hơn một tháng lẩn trốn.

Trinh sát làm vú em - chuyện cười ra nước mắt

Trở lại việc hai trinh sát Châu Sơn - Tuấn Dũng bắt giữ đối tượng, cứu thoát cháu bé tại Móng Cái, Quảng Ninh. Việc vượt trên hàng ngàn cây số, ra tận biên giới Móng Cái, Quảng Ninh giăng lưới hốt trọn ổ tội phạm buôn người, cứu được cháu bé là một thành công lớn của hai trinh sát Sơn - Dũng nhưng lúc này lại phát sinh một khó khăn mà có lẽ trong đời làm trinh sát ít ai gặp phải đó là việc giữ “tang vật” đặc biệt này.

Khi gặp tôi, 2 anh kể lại chuyện dở khóc, dở cười mà suốt đời là lính hình sự không thể nào quên được. Đứa trẻ mới 2 tháng tuổi thì phải trông giữ làm sao đây? Châu Sơn tuy đã có vợ nhưng chưa có con, còn Tuấn Dũng cũng vừa mới cưới vợ. Nhanh nhẹn tháo vát trong đánh án bao nhiêu thì các anh lại vụng về bấy nhiêu khi ẵm bé bởi các anh đâu có kinh nghiệm gì. Đúng là vất vả trăm bề bởi chỉ có hai trinh sát mà cả việc canh giữ ba đối tượng tại công an thị xã Móng Cái và chăm sóc em bé.

 Đêm Móng Cái lạnh run người mà chỗ ngủ thì không có, các anh chỉ nằm trên cái bàn sắt càng lạnh thấu xương trong khi em bé bị sốt do viêm phổi nên Châu Sơn không dám để đứa trẻ nằm trên bàn mà anh ôm vào lòng giữ cho em bé được hơi ấm suốt đêm. Sáng sớm Châu Sơn phải đưa đến bệnh viện Quảng Ninh khám và mua thuốc.
    Có vợ đã lâu nhưng chưa có con, Châu Sơn rất yêu quý em bé, vả lại cũng vì nhiệm vụ nên Châu Sơn chăm sóc em bé rất chu đáo. Sau một ngày khá vất vả, hai anh đã đưa ba đối tượng và em bé từ Móng Cái về Hà Nội lúc 10 giờ đêm. Các đồng nghiệp tại công an quận Đống Đa, TP.Hà Nội rất nhiệt tình khi quản lý giùm ba ả “mẹ mìn” còn em bé thì từ chối vì các anh cũng thực sự bối rối không biết phải xử trí thế nào giữa đêm hôm khuya khoắt. Thế là hai chàng trinh sát dở khóc dở cười ôm cháu bé vào khách sạn ngủ. Châu Sơn và Tuấn Dũng chưa một hạt cơm vào bụng, chỉ nhét vội mỗi một quả trứng luộc của một chiến sĩ công an quận Đống Đa đưa cho khi các anh vừa từ Móng Cái về đã phải rối lên trước cái vụ mua sữa, tã lót cho em bé, bởi “kiến thức nghiệp vụ thì có thừa, còn kiến thức làm mẹ thì… không biết buộc tả như thế nào?” trinh sát Tuấn Dũng cười kể lại những kỷ niệm nhớ đời đó.

Bây giờ hai chàng mới thấu hiểu nỗi khổ của các bà mẹ. Thấy em bé khóc thét, Tuấn Dũng bảo Châu Sơn đi mua sữa. Việc đi mua sữa cho em bé cũng tất bật như việc đánh án thường ngày. Sơn chạy một mạch ra đường, đêm khuya hàng quán chẳng còn, may mà còn một quày hàng đang chuẩn bị đóng cửa, thế là Sơn nhanh tay lấy một hộp sữa, vội vã trả tiền rồi chạy hộc tốc về khách sạn. Sơn vui mừng vì có sữa hẳn đứa trẻ sẽ hết khóc, nhưng niềm vui của anh bỗng tắt ngúm khi cô nhân viên khách sạn cho biết đó là sữa chống loãng xương cho người già. “Trời, công toi rồi”, Sơn thốt lên rồi phải làm tiếp tân bất đắc dĩ để cô nhân viên khách sạn đi mua giúp.
s
Các đối tượng bị bắt giữ

Có sữa, hai chàng trinh sát lay hoay pha chế rồi cho bé uống. Cậu bé 2 tháng tuổi cứ vô tư tiếp tục “hành hạ” hai chàng trinh sát trẻ suốt đêm bởi ba cái vụ thay tã lót, uống sữa, cho ăn, thiếu hơi ấm của mẹ… Sau khi no sữa, em bé bắt đầu ngủ thì Tuấn Dũng ngồi tựa lưng vào tường rít một hơi thuốc cho đỡ thèm. Nào ngờ cậu bé lại khóc thét lên như bị ai đánh. Châu Sơn vừa đặt lưng bên em bé đã vội ngồi dậy dỗ dành: “Sao khóc hoài vậy chú? Thôi nín đi. Nín là hết khóc liền hà! Hay là nó khóc vì không chịu được khói thuốc lá” - Châu Sơn quay sang nói với Dũng “ông ra ngoài hút đi!”

Lúc này cả Tuấn Dũng lẫn Châu Sơn mới dụi mắt, dụi liền điếu thuốc dở vào gạt tàn rồi nhìn nhau luyến tiếc, tại sao lúc phá án không điều động thêm một nữ trinh sát cùng nhập cuộc. Nhưng cả hai chỉ biết động viên nhau  “Như vầy mới có chuyện vui buồn nghề trinh sát chứ”.

Thế rồi một đêm không ngủ nữa trôi qua, sáng hôm sau, vừa thức giấc, cậu bé không khóc thét nữa mà mở miệng cười tươi rất… dễ ghét như để xin lỗi hai chú… vú nuôi bất đắc dĩ. Châu Sơn đi mua vé máy bay đưa ba đối tượng và em bé về lại TP.HCM. Một tình huống khá thú vị nữa là khi mua vé máy bay, cô nhân viên bán vé hỏi đứa bé tên gì, Châu Sơn… á khẩu rồi nói… không có tên. “Con anh mà sao không có tên, kỳ vậy?”.

Nói rồi cô nhân nhìn anh như để dò xét, nghi ngờ một điều gì. Châu Sơn hiểu ý liền đưa thẻ ngành công an cho cô nhân viên xem và nói rõ công việc của mình. Cô nhân viên bảo anh cứ đặt đại cho em bé cái tên gì đó cũng được. Châu Sơn bứt trán… “thôi cô ghi là Nguyễn Hoàn (tức có ý nghĩa là đã hoàn thành nhiệm vụ)”. Trao vé máy bay cho Sơn, cô nhân viên bán vé tươi cười động viên bằng lời nói làm ấm lòng 2 trinh sát trẻ trong cái giá rét buốt người của phương Bắc “các anh giỏi thật”.

Sau hơn 2 giờ bay, chiều cùng ngày, Châu Sơn và Tuấn Dũng đã đưa ba đối tượng và cháu bé về đến sân bay Tân Sơn Nhất. Ban chuyên án và các trinh sát đón chờ các anh đã lâu. Khi máy bay vừa hạ cánh xuống đường băng, theo lệnh của Trưởng ban chuyên án Nguyễn Tấn Đạt, các trinh sát khẩn trương áp giải ba mẹ mìn ra xe đặc chủng về trụ sở công an quận 3 để tiếp tục đấu tranh khai thác.

Ôm chầm lấy Châu Sơn, vuốt ve cậu bé dễ thương, khi ấy thượng tá Đạt khen “các cậu giỏi lắm, mình thưởng cho các cậu ba ngày nghỉ ngơi, ăn uống cho lại sức đi”. Về đến đội, ngoài các trinh sát và điều tra viên tập trung đấu tranh với ba ả mẹ mìn, số còn lại cùng các vị chỉ huy chuyên án nghe Châu Sơn, Tuấn Dũng kể chuyện làm… vú em. Ai nấy đều không nín được cười và hết lời khen ngợi tinh thần chịu đựng gian khổ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của hai anh.
Theo trung tá Nguyễn Hoàng Anh - Đội trưởng đội Cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự xã hội công an quận 3, đây là vụ mua bán trẻ em có tổ chức đầu tiên trên địa bàn TP.HCM, đối tượng tham gia rất đông và liên tỉnh, kể cả có đối tượng lưu trú tại Trung Quốc.

Việc điều tra truy bắt đối tượng rất khó khăn, ngoài sự phối hợp của các đơn vị và cơ quan chức năng liên quan, anh em phải nhờ cả bạn bè giúp đỡ. Cái sáng tạo rất đáng khen ngợi của anh em trinh sát là vận dụng rất tốt biện pháp quần chúng, như Châu Sơn - Tuấn Dũng đã làm. Nếu không có sự giúp sức đắc lực của anh Tường ở Hải Phòng và người thanh niên bốc vác ở bến xe Gia Lâm, TP.Hà Nội thì công việc của trinh sát còn gian nan vất vả biết bao nhiêu.

Hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc, Ban chuyên án và Châu Sơn, Tuấn Dũng được Bộ Công an tặng bằng khen. Rất tiếc là người thanh niên bốc vác ở bến xe Gia Lâm sau khi giúp đỡ trinh sát hoàn thành nhiệm vụ đã không để lại lai lịch dù trinh sát Sơn đã có lời cảm ơn. Trung tá Hoàng Anh tâm sự thay lời của 2 trinh sát Châu Sơn – Tuấn Dũng rằng “Dù chuyện đã lâu, song qua bài báo này, chúng tôi muốn gởi lời cảm ơn đến các đồng đội công an thị xã Móng Cái, công an quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội và anh Tường cũng như người thanh niên bốc vác ẩn danh”.

  • Thanh Nghị
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc