Chuyên gia cảnh báo: 3 lưu ý quan trọng trước, trong và sau khi tiêm vắc xin nCoV cho trẻ, nhớ để an toàn

( PHUNUTODAY ) - Việc tiêm ngừa vắc xin nCoV cho trẻ đang được thực hiện trên phạm vi cả nước. Có một số điều cần chuẩn bị để đảm bảo an toàn cho con.

PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng, ĐH Y dược TP.HCM - cho biết, nguyên tắc tạo miễn dịch bảo vệ ở trẻ em tương tự như người lớn.

Tuy nhiên, đối với từng loại vắc xin cụ thể và lứa tuổi của trẻ, liều trong mỗi mũi tiêm hoặc số lần tiêm để đạt miễn dịch cơ bản có thể khác nhau.

Trẻ cần uống nước đầy đủ trước khi tiêm vắc xin

Do chưa trưởng thành nên trẻ khi đi tiêm vắc xin cần được cha mẹ quan tâm 4 đặc điểm.

1 - Trẻ thường chưa hiểu được lợi ích của việc tiêm chủng nên có thể không tự nguyện và hợp tác để được tiêm ngừa.

2 - Trẻ không biết tự khai báo về tình trạng sức khỏe và tiền sử y tế của mình.

3 - Trẻ thường có khả năng chịu đau kém hơn người lớn nên có thể khóc hoặc giãy giụa khi được tiêm.

4 - Trẻ chưa có kinh nghiệm để nhận biết các dấu hiệu của bản thân như mệt, chóng mặt, ngứa ngáy trong người, khó thở.

Vì vậy, phụ huynh cần giải thích về lợi ích của tiêm chủng, quy trình tiêm chủng cho trẻ với ngôn ngữ phù hợp với lứa tuổi, hướng dẫn trẻ chuẩn bị và ứng phó khi bị đau trong khi tiêm và sau khi tiêm, theo dõi trẻ chặt chẽ sau tiêm.

Phụ huynh nên thông tin (trực tiếp hoặc qua tờ khai báo y tế về tiền sử dị ứng, phản vệ và các bệnh nền) cho nhân viên y tế phụ trách tiêm chủng. Có dinh dưỡng tốt là quan trọng trong việc tạo miễn dịch cho trẻ nhưng việc này cần được làm thường xuyên kể cả khi trẻ không có lịch tiêm chủng.

Vì thế, trước ngày tiêm mà cha mẹ cho trẻ ăn uống thêm các loại thức ăn đặc biệt hoặc uống thuốc bổ trước ngày đi tiêm phải cân nhắc đến việc có thể làm cho trẻ cảm thấy căng thẳng hơn, không có lợi cho việc tiêm chủng. Tuy nhiên, phụ huynh cần thiết phải nhắc nhở và cho trẻ uống nước đầy đủ.

5

Trước khi tiêm: Cần khám sàng lọc kỹ, phân loại trẻ nào không được tiêm vắc xin nCoV

Bác sĩ Hồ Vĩnh Thắng, Phó Trưởng Khoa kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh thuộc Viện Pasteur TP.HCM cho biết. Trước khi tiêm vắc xin nCoV trẻ phải được khám sàng lọc để đảm bảo an toàn. “Có 4 nhóm sàng lọc, gồm đủ điều kiện tiêm chủng, cần thận trọng tiêm chủng, trì hoãn tiêm chủng và chống chỉ định tiêm chủng”.

- Với nhóm đủ điều kiện tiêm vắc xin: Đó là những trẻ trong độ tuổi tiêm chủng theo khuyến cáo trong hướng dẫn sử dụng vắc xin của nhà sản xuất. Những trẻ này cũng không quá mẫn cảm với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào trong thành phần của vắc xin.

- Nhóm cần thận trọng tiêm vắc xin: Những trẻ có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác; trẻ có bệnh nền, bệnh mạn tính; trẻ có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu; trẻ mất tri giác, mất năng lực hành vi; trẻ phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống; bà bầu từ 13 tuần trở lên.

- Nhóm trì hoãn tiêm vắc xin: “Nhóm này gồm trẻ có tiền sử rõ ràng đã mắc nCoV trong vòng 6 tháng; đang mắc bệnh cấp tính; bà bầu dưới 13 tuần", bác sĩ Thắng cho biết.

- Nhóm chống chỉ định tiêm vắc xin: "Đối với nhóm này gồm trẻ có tiền sử rõ ràng phản vệ với vắc xin nCoV cùng loại (lần trước); có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất vắc xin”, BS Thắng cảnh báo.

Trong khi tiêm: 'Nếu một trẻ ngất xỉu sau tiêm, 3 trẻ khác thấy vậy có thể xỉu theo'

Bác sĩ Thắng cảnh báo, không ít bé rơi vào trạng thái phản ứng tâm lý sau tiêm vắc xin do lo sợ hoặc bị đau.

“Trong trường hợp này, trẻ có thể ngất xỉu hoặc có những những triệu chứng khác như nhức đầu, chóng mặt, cảm giác tê xung quanh miệng, bàn tay. Một số trẻ nôn, la hét, ngừng thở ngắn…”, bác sĩ Thắng cho biết.

 “Năm 2006, trong ngày đầu triển khai tiêm vắc xin thương hàn tại một tỉnh, có 1 trẻ ngất xỉu ngay sau tiêm, da xanh tái. Ngay sau đó 3 trẻ khác thấy vậy cũng xỉu theo. Cả 4 bé sau đó cho nằm nghỉ khoảng 20 phút là hoàn toàn ổn định”, Bác sĩ Thắng đưa ra trường hợp cụ thể để chứng minh phản ứng tâm lý sau tiêm của trẻ.

Vậy nên theo chuyên gia này, trong đợt tiêm vắc xin nCoV cho trẻ sắp tới, phản ứng tâm lý sau tiêm có thể sẽ xảy ra. Để phòng tránh điều này, những trẻ ít sợ tiêm nên được tiêm đầu tiên. Đồng thời cũng cần sự hỗ trợ của lực lượng thanh niên và  nhân viên… để giảm bớt sự lo lắng ở trẻ.

“Cho trẻ uống nước đường hoặc trà đường, theo dõi trẻ 30 phút sau tiêm. Khi 1 trẻ có biểu hiện đau đầu, buồn nôn… nhân viên y tế hãy nhanh chóng cách ly, trấn an và theo dõi.

Ngoài ra, cần tạo môi trường thân thiện khi tổ chức tiêm chủng cho trẻ với các tranh ảnh, phim hoạt hình để thu hút sự chú ý. Điều này giúp làm giảm tâm lý lo lắng, căng thẳng cho trẻ trong quá trình tiêm”, Bác sĩ Thắng khuyến cáo.

4

Sau khi tiêm: Trẻ có thể gặp phải 4 phân độ nặng phản ứng

BS Nguyễn Trần Nam, Phó Giám đốc BV Nhi đồng TP.HCM cho biết, các biểu hiện gợi ý trẻ bị phản ứng sau tiêm vắc xin nCoV liên quan đến da và niêm mạc, hô hấp, tiêu hóa, tim mạch.

“Sau khi tiêm vắc xin nCoV cho trẻ, có một số biểu hiện gợi ý cho thấy trẻ bị phản ứng mà nhân viên y tế và các bậc phụ huynh cần biết để có hướng xử trí”, bác sĩ Nam nói.

"Các triệu chứng về da và niêm mạc, bao gồm: Nổi mề đay toàn thân, ngứa hoặc sưng đỏ; sưng môi, mặt, mắt hoặc cổ họng. Các triệu chứng về hô hấp: Nghẹt mũi, cảm giác cổ họng nghẹt lại, khó chịu, thay đổi giọng nói, khó thở, khò khè hoặc ho. Các triệu chứng về tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, đau bụng quặn thắt, tiêu chảy. Các triệu chứng về tim mạch: Chóng mặt, nhịp tim nhanh, hạ huyết áp, ngất…", bác sĩ Nam cho biết.

Về Phản ứng ở phân độ nặng chia thành độ 1, độ 2, độ 3 và độ 4. Với độ 1, trẻ chỉ có các triệu chứng ở da, niêm mạc như mề đay, ngứa, phù mạch.

Với độ 2, trẻ sẽ có biểu hiện ở từ 2 cơ quan trở lên. Cụ thể: Mề đay, phù mặt xuất hiện nhanh; đau bụng, nôn, tiêu chảy; khó thở nhanh, tức ngực, khàn tiếng, nghẹt mũi; nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp, huyết áp bình thường.

“Nếu rơi vào độ 3, trẻ có biểu hiện ở nhiều cơ quan và mức độ nặng. Đường thở: Tiếng rít thanh quản, phù thanh quản. Thở: Nhanh, khò khè, rối loạn nhịp thở, tím tái. Rối loạn ý thức: Vật vã, co giật, rối loạn cơ vòng, hôn mê. Tuần hoàn: Sốc, tụt huyết áp, mạch nhanh, nhẹ. Còn ở vào độ 4, trẻ có thể ngưng hô hấp, ngưng tuần hoàn”, bác sĩ Nam cảnh báo.

Theo:  khoevadep.com.vn copy link