Chuyện ly hôn của cô giáo thiêu chết cả nhà anh chồng

07:37, Thứ sáu 26/10/2012

( PHUNUTODAY ) - Không thể lý giải nổi thị nghĩ gì khi quyết tâm “đuổi” cháu ra khỏi ngôi nhà đang sinh sống, không một chút xót thương cho dù chính thị là người đã mang nặng đẻ đau ra cháu.

Sau khi thiêu chết cả gia đình người anh chồng, giờ phạm nhân Nguyễn Thị Thuận (36 tuổi, hiện đang thụ án tại trại giam Bộ Quốc phòng) kiên quyết rút lại lời hứa để lại tài sản là ngôi nhà cho bé T.K (10 tuổi) con trai thị dứt ruột đẻ ra. Không thể lý giải nổi thị nghĩ gì khi quyết tâm “đuổi” cháu ra khỏi ngôi nhà đang sinh sống, không một chút xót thương cho dù chính thị là người đã mang nặng đẻ đau ra cháu. Liệu có phải bé K đã và đang bị bỏ rơi vì đã “tố” mẹ mình là kẻ sát nhân: “Con ghét mẹ Thuận, chính mẹ Thuận đã xui chú Tiệp đổ xăng qua cửa, đốt nhà bác Hưng”?[links()]
Cha mẹ ly hôn con trẻ ở đâu?

Được con gái là phạm nhân Nguyễn Thị Thuận (36 tuổi, hiện đang thụ án tại trại giam Bộ Quốc phòng, người đã gây ra án mạng kinh hoàng khi giết cả nhà anh chồng cách đây hơn bốn năm) ủy quyền, ông Nguyễn Văn Ch, bố của phạm nhân Thuận và anh Nguyễn Văn H, em trai Thuận từ Yên Bái về Hà Nội từ rất sớm để tham gia buổi xét xử vụ án ly hôn giữa Thuận và chồng.

Ông Ch và anh H có mặt để giúp Thuận tiếp tục theo vụ án ly hôn đã bị gián đoạn từ trước khi xảy ra vụ thảm án “cô giáo Thuận đốt chết cả nhà anh trai chồng” và cũng là tiếp tục nối lại vụ án ly hôn bị gián đoạn một tuần trước đó do anh Nguyễn Chí Tuấn, nguyên đơn xin ly hôn với vợ là chị Thuận, đã rút đơn với lý do “không còn tình cảm vợ chồng nhưng còn tình người.

Tôi không muốn gây thêm cho đứa con trai nhỏ dại của mình những vết thương lòng hơn nữa. Chẳng gì Thuận cũng là mẹ cháu, tuy không ở bên chăm sóc nhưng chưa ly hôn, cháu vẫn còn cảm giác gia đình trọn vẹn. Cứ chờ tới khi nào Thuận được tha, cháu K lớn, hiểu chuyện hơn tôi sẽ tính tiếp…”.

Anh Nguyễn Chí Tuấn
Anh Nguyễn Chí Tuấn

Nhưng ngay khi nhận được tin chồng mình rút đơn ly hôn,  Thuận đã chủ động đứng đơn ngay sau đó và đã đòi lại căn nhà hai bố con anh Tuấn đang ở vì cho rằng đó là tài sản riêng của Thuận. Và theo như lời ông Ch:

“Anh Tuấn từng nói anh ấy giàu có, biết cách làm ra tiền thì đưa cháu K tới sống ở đâu chẳng được, đâu cứ phải ở trong ngôi nhà ấy. Còn nếu anh Tuấn nói không đủ điều kiện nuôi cháu chúng tôi sẽ đón cháu về nuôi.

Tôi có 100 ha rừng, đủ để chia cho tám đứa cháu, mỗi cháu một phần”. Trước đó, vào ngày 2/4/2008, Thuận đã ký vào đơn ly hôn thỏa thuận anh Tuấn sẽ là người nuôi con. Thuận đã tự khước bỏ quyền được nuôi con, đồng ý giao bé K cho anh Tuấn chăm sóc, nuôi dưỡng.

Tại phần tranh luận trong phiên tòa xử ly hôn giữa anh Tuấn và Thuận, khi anh Tuấn nói: “Cho dù tôi và Thuận không còn chung sống với nhau, không còn tình cảm gì nữa, nhưng với Thuận, trong tôi vẫn còn tình người.

Tôi không thể hiểu vì sao gần 5 năm nay (từ ngày xảy ra vụ án tới giờ), ông ngoại chưa một lần hỏi thăm cháu. Tại phiên tòa trước, tôi có gặp và hỏi thăm sức khỏe bà Thuận ở nhà thế nào, nhưng ông cũng không một lời hỏi thăm cháu.

Còn về tài sản, ngày hôm nay tôi mong rằng mọi tài sản sẽ để lại cho cháu, bản thân tôi không bình luận, tranh giành gì nhưng về tương lai, mười năm nữa, hai mươi năm nữa, lúc ấy Thuận được về, cháu vẫn còn tình mẫu tử. Lúc ấy, Thuận còn có đường mà trở về.

Bởi con không bao giờ bỏ mẹ cho dù bố mẹ có thể bỏ con. Ngày hôm nay, trong phiên tòa này, tôi không hỏi Thuận có động cơ, ý định gì mà Thuận không cho con ngôi nhà mà bố con tôi đang ở. Tôi chỉ hỏi Thuận sống vậy liệu còn tình người, tình máu mủ gì nữa không?

Hôm nay, trước tòa một lần nữa tôi khẳng định toàn bộ tài sản của tôi sẽ để lại cho con… Về nguyên nhân tôi rút đơn ly hôn là do tôi muốn đảm bảo quyền lợi cho con trai tôi. Điều này không nằm trong bất kỳ một phiên tòa nào, mà đó là tòa án lương tâm...”

Nghe vậy, ông Ch đã đáp lại lời “con rể” rằng - tình người ông còn phải chia đều cho tám cháu nội, ngoại của mình. Ông phải công bằng với 8 đứa cháu, ông muốn tài sản ông có phải chia đều và rằng: “Tại sao tôi phải hỏi thăm khi chính anh Tuấn là con còn chưa hỏi thăm tôi?”.

Tranh thủ thời gian tòa nghị án chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhỏ với ông Ch:

- Anh Tuấn nói gần 5 năm trời ông không gọi điện hỏi thăm cháu K dù chỉ một lần là đúng hay sai?

- Bảo chuyện hỏi thăm thì ông ngoại nó đây nó còn chẳng lên thăm nữa là bảo tôi đây hỏi thăm?

- Cháu K còn bé, nhà ông lại xa, cháu làm sao mà tự tới hỏi thăm ông được?

- Nó bé thì bé, nhưng với tôi là bố mẹ nó phải hỏi thăm chứ. Đây không phải là tôi mất tình người. Cũng  không phải chuyện ở xa hay ở gần… Nó vẫn ở đây, tôi vẫn nhờ người (bà Hương) thường xuyên hỏi thăm, chăm nom cháu. Chúng tôi có nhiều cháu chứ có phải có một đứa đâu.

Tuy nhiên, khi chúng tôi kiểm chứng lại thông tin này từ phía anh Tuấn thì được biết: “Bà Hương thực chất là chủ nhà thời Thuận còn đi học thuê trọ. Nhà bà Hương cách nhà tôi chừng 500 mét. Gia đình chúng tôi và gia đình bà Hương vẫn có mối quan hệ tốt.

Tuy nhiên, nếu nói nhờ bà Hương “theo dõi, chăm sóc” cháu K từ xa thì hoàn toàn không đúng, bởi chưa bao giờ bà Hương biết cháu K ăn gì, ở đâu, học gì, làm gì, cũng chưa bao giờ tự nhiên bà Hương sang nhà chơi, hỏi thăm học hành của cháu.

Cùng lắm tết nhất tôi cho cháu sang chúc tết thì bà có mừng tuổi, nhưng điều đó không nói lên điều gì bởi mừng tuổi cũng giống như bà mừng tuổi các cháu hàng xóm khác mà thôi. Và tôi đảm bảo không có bất kỳ điều gì bất thường trong mối quan hệ hàng xóm theo kiểu “điều khiển từ xa” như lời ông Ch nói.

Và tới 5 - 6 tháng nay tôi không gặp bà Hương, cũng không hề thấy ông bà tự nhiên gọi điện hỏi thăm, vậy tại sao có thể nói là thăm hỏi từ xa được....”

Về chuyện ông Ch trách cứ rằng: “tôi là bố mẹ mà anh còn chưa hỏi thăm tôi” được anh Tuấn lý giải như sau: “Khi anh Hưng (gia đình nạn nhân trong vụ thảm án Thuận thiêu chết cả gia đình nhà anh chồng- PV) mất, cả gia đình ông Ch không một ai gọi điện hỏi han hay chia buồn gì với gia đình tôi.

Ngay cả bà thông gia cũng không gọi dù chỉ một cú điện thoại. Giá như ngày anh Hưng mất, cho dù gia đình bên ấy lấy lý do bận không xuống được và không biết số điện thoại của mẹ tôi thì gọi cho tôi nhờ chuyển máy tới thông gia nói lời chia buồn thì đã đi nhẽ khác.

Đằng này cả gia đình Thuận không có ai hỏi tới dù chỉ một lời khách sáo… Sau đó lại phát hiện ra Thuận chính là chủ mưu vụ án. Vậy thử hỏi tôi phải làm thế nào mới đúng???

Đứa trẻ tội nghiệp

Tại tòa, anh Tuấn khai: “Mua đất nhà ông Hà xong, chúng tôi dọn về đó ở chung như vợ chồng. Sau đó tới tháng 9/2009 chúng tôi mua của ông bà Tuyết – Khánh mảnh đất trên sổ đỏ là 94m, thực tế là 104m rồi dọn về đó sống.

Tới ngày 6/1/2001 đăng ký kết hôn. Cho tới tháng 5/2006, sau khi vụ án đã xảy ra thì Thuận đã giấu tôi bán khối tài sản này và tiêu hết. Khi biết chuyện, tôi đã làm đơn gửi tới chính quyền địa phương yêu cầu đình chỉ xây dựng và không được cấp sổ đỏ cho anh Cảnh, là người mua đất”.

Vì thế mảnh đất ấy đã không được cấp sổ đỏ cho tới tháng 5/2011, anh Cảnh đã sang nói chuyện và ngỏ ý “biếu” anh Tuấn số tiền 2,5 tỷ để được anh Tuấn ký giấy chuyển nhượng làm sổ đỏ và anh Tuấn đã đồng ý với điều kiện người hàng xóm đưa ra.

Về ngôi nhà 5 tầng đang ở, anh Tuấn vẫn khẳng định đó là ngôi nhà do anh mua bằng tiền kinh doanh và làm công trình tại Sơn La mà có và cho chị Thuận đứng tên (do chưa kết hôn nhưng anh muốn chị chuyển hộ khẩu về đó để xin việc ở trường tiểu học Xuân Phương).

Anh Tuấn cũng cho biết thêm, số tiền cuối cùng anh Tuấn thanh toán cho ông Hà là do bán chiếc xe DD đỏ, là tài sản riêng của anh khi đó mà có. Tháng 9/2006, do xây nhà, có mâu thuẫn với ông Hà, anh Tuấn và ông Hà đã có va chạm dẫn tới việc phải lên phường giải quyết.

Thời gian này, anh Tuấn cũng đã tự thành lập công ty riêng, văn phòng đặt tại tầng ba nhà anh Hưng. Chính vì thế, khi hai vợ chồng xảy ra mâu thuẫn, Thuận đã nghi ngờ do vợ chồng anh Hưng xúi bẩy, nói xấu mình nên ôm lòng hận thù.

Tuy nhiên, anh H và ông Ch, đại diện cho Thuận, lại khẳng định, toàn bộ số tiền mua hai mảnh đất nêu trên đều là tiền của ông Ch cho Thuận đứng tên mua và tiền mua đất đều gửi xuống cho bà Hương, là người quen của gia đình đi cùng và trả tiền.

Số tiền mua đất được chia nhỏ, gửi xuống làm nhiều lần nhờ bà Hương thanh toán. Ông Ch cho Thuận đứng tên vì Thuận ở Hà Nội, tiện việc quản lý đất đai. “Thời gian mua hai mảnh đất đó anh Tuấn chưa kết hôn và chúng tôi không hề biết anh Tuấn là ai cho tới ngày anh Tuấn và con chúng tôi cưới nhau là ngày 6/1/2001…”

Sau khi nghe hai bên đưa ra chứng cứ, cùng tranh luận, TAND huyện Từ Liêm, Hà Nội đã đưa ra phán quyết như sau: Hai mảnh đất nêu trên được mua trước hôn nhân. Khi xây dựng ngôi nhà 5 tầng chị Thuận đã đi làm còn anh Tuấn vẫn đang học tại chức.

Chính vì vậy, đủ căn cứ khẳng định tiền mua đất và xây nhà là của ông Ch cho chị Thuận và là tài sản riêng của chị Thuận, anh Tuấn không có đóng góp gì. Do đó, anh Tuấn phải trả lại ngôi nhà 5 tầng đang ở cùng số tiền 2,5 tỷ là số tiền “bán chữ ký” do anh Cảnh “biếu” cho chị Thuận.

Anh Tuấn cho biết: “Buổi tối hôm đó tôi đã về chuẩn bị tâm lý cho con trai bằng cách hỏi cháu “mẹ Thuận đòi lại căn nhà bố con mình đang ở đấy, con nghĩ sao?” thì cháu K trả lời “Vậy khi nào mẹ Thuận về thì bố con mình dọn đi thuê nhà chỗ khác ở”…”.

Câu trả lời quá trong sáng, vô tư ấy khiến người lớn phải mủi lòng. Cháu quá nhỏ để hiểu chuyện phải ra ngoài thuê nhà nghĩa là gì.

Trong cuộc trao đổi với anh Tuấn, tôi buột miệng: “Anh còn trẻ thế này chắc sẽ phải đi bước nữa. Lúc ấy không biết bé K sẽ thế nào?”. Anh Tuấn đáp lời: “Về sau tôi không dám chắc. Tuy nhiên với suy nghĩ của tôi tại thời điểm này, chắc tôi không bao giờ còn dám lấy vợ nữa.

Đó là tâm sự thật lòng. Phải tới khi cháu lớn, lấy vợ và có cuộc sống riêng. Lúc ấy tôi có tìm người nói chuyện lúc tuổi già thì tìm chứ bây giờ chắc chắn là không. Vừa là cháu K đã quá thiệt thòi vừa là tôi đã quá sợ”…

  • Kim Hoa
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc