Chuyện người kỹ sư bỏ Paris theo Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước

08:50, Chủ nhật 14/08/2011

( PHUNUTODAY ) - Năm 1946, khi trở về từ Hội nghị Fontainebleau, Hồ Chủ tịch đã mời một số Việt kiều, đều là những tên tuổi lớn trong số những người Việt đang sinh sống tại Pháp lúc đó, về nước. Một trong số đó có kỹ sư Võ Quý Huân, sau này là người đúc mẻ gang và mẻ thép đầu tiên của nước Việt Nam non trẻ.

“Võ Quý Yêu Gang - Thép!

Sinh năm 1912 ở Nghệ An, kỹ sư Võ Quý Huân sang Pháp năm 1937, khi tờ báo “L’Activité indochinoise” tại Vinh do ông làm chủ nhiệm bị đóng cửa. 9 năm ở Pháp, người thanh niên xứ Nghệ giàu ý chí đã kịp học và có 3 bằng kỹ sư: kỹ sư kỹ nghệ chuyên nghiệp, kỹ sư đúc và kỹ sư cơ điện, đồng thời đang theo học bằng Tiến sỹ tại Trường Sorbonne.

Một thành tích mà ngay những người Pháp cũng phải nể. “Năm 1946, cha tôi đang làm Kỹ sư trưởng tại nhà máy nghiên cứu sản xuất động cơ máy bay Potez và chuẩn bị bảo vệ luận án Tiến sỹ thì được đồng chí Trần Ngọc Danh trong Hội Ái hữu Việt Kiều tại Paris giới thiệu với Bác, được Bác và đồng chí Phạm văn Đồng giao cho làm cán bộ phiên dịch cho đoàn và sau hội nghị Fontainebleau, đồng chí Tạ Quang Bửu tiến cử với Bác và cho biết Bác Hồ muốn mời về kiến thiết nước nhà”, bà Võ Quý Hoà Bình - con gái út của kỹ sư Huân bồi hồi kể lại.

Hãy tưởng tượng ra gia cảnh ông Huân lúc đó ở Pháp: bản thân ông là Kỹ sư trưởng ở nhà máy sản xuất động cơ máy bay, có thu nhập khá và có khả năng tiến xa trong nghề nghiệp, sau khi ông bảo vệ luận án Tiến sỹ.

 Trong đời sống riêng, ông có một người vợ gốc Nga xinh đẹp, biết 7 thứ tiếng và một cô con gái bé bỏng xinh đẹp, lúc ấy mới 2 tuổi. Còn Việt Nam khi ấy vừa trải qua những ngày tháng hạnh phúc tột độ khi giành được độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà non trẻ, nhưng tình thế đang hết sức ngặt nghèo: Pháp lăm le quay trở lại tái chiếm Việt Nam, quân Tưởng cũng nhăm nhe phá hoại.
f
 

Nhưng tình cảm quê hương có sức lay động mãnh liệt. Cùng với các ông kỹ sư Phạm Quang Lễ (sau này được Bác Hồ đổi tên là Trần Đại Nghĩa), bác sỹ Trần Hữu Tước…, kỹ sư Võ Quý Huân đã tạm biệt vợ con và Paris, theo Bác Hồ về nước. Khi ấy, ông chỉ định “tạm biệt”, rồi sau sẽ sang đón vợ con, nào ngờ chiến tranh liên miên, năm 1967 ông Huân mất vì căn bệnh ung thư, mãi mãi không bao giờ được gặp lại cô con gái nhỏ.

Trở lại những ngày đầu về nước, ông Huân say sưa với công việc kiến thiết đất nước, ở vị trí ban đầu là Chánh Văn phòng Bộ Kinh tế. Say mê chuyên môn, nên chỉ một thời gian ở Hà Nội, ông Huân xin đi làm chuyên môn, và được cử về Nghệ An tổ chức khai thác mỏ than Khe Bố và luyện cốc! Ông Lê Huy Yêm, nguyên Cố vấn Bộ Công nghiệp nặng, là học trò của kỹ sư Võ Quý Huân ở Trường Cán bộ Kỹ thuật Trung Bộ khoá 1 năm 1948 đã tự hào về người thầy của mình: “Thầy Huân đã được đồng chí Phạm Văn Đồng giao làm GĐ Sở Khoáng chất kỹ nghệ Trung Bộ kiêm Hiệu trưởng Trường Cán bộ kỹ thuật Trung Bộ, Trường Cao đẳng đầu tiên ở Việt Nam.

Ở cương vị này, thầy đã thành lập 5 cơ sở sản xuất phân tán để sản xuất lò sinh khí nhằm thay thế xăng chạy ô tô, ca nô, do lúc đó Pháp bao vây nên thiếu đủ thứ, nhất là xăng dầu, đóng ca nô giải quyết vận tải đường sông, sản xuất cồn, sản xuất máy nghiền bột giấy, máy công cụ nhỏ, lốp xe đạp… Thầy Huân cũng trực tiếp thí nghiệm thành công mẻ gang đầu tiên từ quặng Vân Trình, Nghệ An và đào tạo đội ngũ cán bộ công nhân luyện gang đầu tiên cho đất nước”.

Trong những tài liệu được gia đình ông Võ Quý Huân cẩn thận lưu giữ, chúng tôi thấy những bài báo trên tạp chí khoa học từ những năm 1950 của kỹ sư Huân, về kỹ thuật đúc gang, đồng nhân Hội nghị toàn ngành đúc miền Bắc lần thứ nhất; niềm tự hào khi nhóm hợp kim luyện thành công Phe-ro-xi-li-um, là hợp kim của Fe và Si, được sử dụng rất nhiều trong ngành luyện kim như làm chất khử oxy trong luyện thép, pha chế thép hợp kim và các loại gang đặc biệt.

Trong điều kiện Việt Nam lúc ấy, thay vì dùng lò điện cỡ lớn nấu liên tục, nồi lò thích hợp với công suất điện, ông Huân và các cán bộ Trường Kỹ thuật và nhà máy điện “Cột 5” đã dùng lò thí nghiệm nấu đất đèn. Khi so sánh về thiết bị, các ông thấy lò quá nhỏ, lòng lò lại nông và tán nhiệt nhiều, khiến sản phẩm có thành phần thạch anh nhiều.

Tuy nhiên sau nhiều lần thí nghiệm, mỗi lần thí nghiệm lại một lần rút kinh nghiệm, các ông đã sản xuất ra mẻ Fe-Si đầu tiên bằng cách đắp lại lòng lò và sửa miệng lò thành hình bầu dục thay vì hình tròn nguyên bản.

Lúc ấy, ông Huân đã phấn khởi viết: “Thành công này là bước khởi đầu dọn đường cho công tác luyện kim nước nhà. Vậy mong anh em làm công tác kỹ thuật tích cực tham gia nghiên cứu công tác và bổ sung cho nhóm hợp kim, xây dựng ngành luyện Ferro của nước nhà chóng lớn mạnh, góp phần vào việc cung cấp nguyên liệu cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội vĩ đại của chúng ta”.

Thật hiếm có người có tình yêu với sáng tạo như kỹ sư Huân. Hoàn cảnh riêng ngặt nghèo, về nước kỹ sư Huân cưới người vợ Việt Nam và sinh con trai năm 1948, đúng ngày mẻ gang đầu tiên thành công. Và người con trai ấy đã được người cha tài hoa đặt cho cái tên thật đặc sắc: Võ Quý Gang Anh Hào.

Sau đó, ông còn có thêm 2 người con trai và một người con gái, người con trai thứ 2 sinh ra năm 1951 cũng được đặt tên  cũng đặc sắc không kém: Võ Quý Thép Hăng Hái, để kỷ niệm mẻ Thép đầu tiên ra lò. Còn người con gái sinh năm 1953, nay đang sống tại ngôi nhà ông từng sống sau ngày hoà bình lập lại ở phố Quang Trung, Hà Nội thì được dành cho cái tên Võ Quý Yêu Hoà Bình, như một dự đoán ngày hoà bình sắp đến.

Cuộc chia ly năm 1946

Trong tập hồ sơ về kỹ sư Huân được con gái Hoà Bình gìn giữ, tôi nhìn thấy tấm hộ chiếu của kỹ sư Huân khi ông rời Việt Nam đến Pháp năm 1937. Trong tấm ảnh đen trắng, người đàn ông Việt Nam chỉ cao 1m68 nhưng rất cương nghị.

Còn tấm ảnh người vợ đầu của kỹ sư Huân, một người phụ nữ Nga rất đẹp, và cô con gái, năm 1946 đã được Bác Hồ bế trên tay khi Bác đến thăm Việt Kiều ở Pháp, thì giống như những cô bé được mời chụp ảnh lịch, cũng rất xinh. Nhưng lời mời gọi về kiến thiết quê hương tha thiết quá, ông Huân đã để lại vợ con ở Pháp, với lời hẹn ước sẽ trở lại.

Trong bức thư đề nghị năm 1965, ông Huân đã trần tình về những khó khăn trong gần 20 năm về nước. Chiến tranh liên miên không trở lại đón được vợ con, ông Huân đã phải xa cô con gái bé bỏng từ lúc con gái mới 2 tuổi, và năm 1965, cô con gái đã ngoài 20.

 Ở Pháp, khi ông Huân về nước, vợ ông lúc đó không có việc làm, phải bán dần dồ đạc đi mà sống, còn cô con gái xa cha phải đi làm kiếm sống từ năm 17 tuổi. Ông Huân đã nhiều lần đề xuất được đi Pháp, để nhìn lại vợ con được một lần, nhưng Việt Nam lúc ấy đang có chiến tranh, đi Pháp không phải là dễ dàng, nên hết lần này đến lần khác, ông hy vọng rồi lại hy vọng, nhưng chuyến đi ấy vẫn chưa thành.

Khoảng tháng 8/1967, ông Huân bắt đầu mệt. Nằm trên giường bệnh, ông cứ tần ngần ngắm mãi một bức ảnh 9x12, trong đó có có một em bé nước ngoài. chị Hoà Bình hỏi thì ông nói: “Đây là cháu ngoại của ba”.

Thì ra cô con gái đầu Võ Quý Việt Nga mà ông chia tay hồi 1946 nay đã lập gia đình và có con. Người vợ đầu Irène đã gửi ảnh cháu ngoại của ông bà cho ông. Những ngày cuối cùng trên giường bệnh, ông Huân cứ nắm tay con gái mà nhắn rằng: “Khi ba theo Bác Hồ về nước, ba có hứa với bà Irène và chị Việt Nga là chỉ vài tháng sau sẽ quay lại.

Con biết đấy, với một đứa trẻ 2 tuổi, lời hứa ấy quan trọng biết nhường nào. Vậy mà ba đã không quay lại được. Vì lời hứa ấy mà bà Irène suốt đời không lập gia đình, chị Việt Nga chỉ học được hết tú tài, cuộc sống sau này rất khó khăn. Sau này các con phải đi tìm chị thì ba mới yên lòng nơi chín suối”. Tháng 9/1967, ông Huân mất vì ung thư ở tuổi 55, khi mà trí tuệ đang độ chín và hoài bão vẹn nguyên như thủa ông theo Bác Hồ về nước.

Hội ngộ

Đinh ninh lời dặn của người cha đã khuất, nhưng ở Việt Nam mà tìm người ở Pháp khác gì tìm kim đáy bể. Năm 1998, hy vọng mở ra khi cô con gái đầu của chị Hoà Bình đi học ngành y ở Pháp. Từ ấy, năm nào chị cũng cố gắng thu xếp đi Pháp để tìm chị gái.

Nhiều manh mối từ những người Việt Nam ở Pháp, năm 2006, lần đầu tiên chị em được gặp nhau. Cô bé gái 2 tuổi được Bác Hồ bế trên tay dạo nào nay đã thành một phụ nữ trung niên. Những kỷ niệm thơ bé và nỗi cay đắng những ngày ấy đã khiến những ngày đầu, bà Việt Nga kiên quyết không cho chị Bình gặp mặt.

Nhưng rồi tình ruột thịt có lý lẽ riêng. Sau nhiều lần thư từ, liên lạc, 2 chị em Việt Nga và Hoà Bình đã có một cuộc găp gỡ cảm động. Họ đã đứng cùng nhau để chụp một tấm ảnh, lúc này cả 2 đều đã già, bên chồng con của mình.

Có lẽ ở đâu đó trên trời, kỹ sư Võ Quý Huân hẳn sẽ vui sướng lắm khi thấy các con mình lần đầu tiên được hội ngộ, với người ruột thịt, để kể về người cha tài hoa đã mất, về mơ ước được gặp lại con gái và bà Irène của ông. Chị Việt Nga không khoẻ lắm, bệnh tim không cho phép chị bay một chuyến dài, nếu không, chị muốn đến căn nhà ở phố Quang Trung, Hà Nội và thắp một nén hương trên bàn thờ người cha Việt Nam.

Trong một bức thư của Bác Hồ gửi cho bác sỹ Trần Hữu Tước (20/9/1947) Bác nói: “Mấy anh em cùng về một lần với chúng ta, chú Nghĩa và chú Huân làm việc rất hăng hái và đắc lực, đã giúp sức rất nhiều trong cuộc kháng chiến”.

Xem lại những tấm ảnh chụp đều đã lên màu thời gian, tôi quả là thán phục ông Huân vì quyết định dũng cảm của ông năm ấy, vì nỗi đau khổ giằng xé khi lìa đời không được gặp mặt con gái yêu, vì sự nghiệp và tình yêu của ông với nghề đúc. Và một sự thán phục nữa dành cho cả 2 bà vợ của ông Huân: cả 2 đều rất đẹp, đều dành cho ông một tình yêu duy nhất. Trong đó bà Irène đã không lập gia đình kể từ khi con gái 2 tuổi, và người vợ thứ 2, bà Tạ Kim Khanh, một người phụ nữ rất đẹp cũng một lòng thờ chồng nuôi con (khi đó mới 36 tuổi) kể từ khi ông Huân ra đi năm 1967.

PV
   
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc