Chuyện nhỏ về gia đình Trung tướng Phạm Hồng Sơn (II)

06:41, Thứ năm 08/09/2011

( PHUNUTODAY ) - Khi còn minh mẫn, dù đã nhiều năm trôi qua, Trung tướng Phạm Hồng Sơn có thể kể vanh vách về số xe tăng, tàu chiến, súng đạn trong từng trận đánh, đặc biệt là tên của những người lính đã hy sinh trong những trận đánh ấy. Những năm tháng cuối đời, Trung tướng Phạm Hồng Sơn mắc bệnh lãng quên. Nhưng có những ký ức ngộ nghĩnh của một thời chiến trận đôi khi vẫn trở lại trong ông, gần như vô thức.

(Phunutoday) - Những ký ức không thể quên của một vị Tướng- Như bao người vợ lính thời chiến, suốt những năm dài Trung tướng Phạm Hồng Sơn chiến đấu ngoài mặt trận, vợ ông – bà Đặng Anh Đào hầu như chỉ có thể trò chuyện với chồng qua những lá thư. Thế nhưng không vì thế mà tình cảm gia đình của ông bà thiếu ấm áp. Có lần viết thư cho bà, ông nói: “Em ạ, càng có tuổi càng thấy tâm hồn mình lắng sâu hơn và tình yêu thương rộng rãi hơn. Nghĩ đến Đào, càng thương càng nhớ hơn biết bao, nhiều hơn cả những lúc tình yêu mới nảy nở và sôi nổi nhất…”.

 
Không được sống gần bên nhau, vợ chồng ông bà thể hiện tình yêu của mình qua những điều thật giản dị, nhỏ bé. Biết trong chiến trường thiếu rau, nên ở nhà, bà vẫn phơi củ cải để dành, đợi những lúc có xe gửi vào cho ông ở chiến trường. Các con bà khi thì gửi cho bố vài dòng thư sai chính tả, khi thì gửi cho bố một chiếc khăn mùi xoa thêu tên rất vụng về nhưng vô cùng đáng yêu.
Vợ chồng ông Sơn
Còn ông, giữa chiến trường ác liệt, mỗi lần có xe ra Hà Nội, ông vẫn tranh thủ gửi cho mẹ con bà khi thì cân đường, hộp sữa mà ông dành dụm được từ tiêu chuẩn sỹ quan chỉ huy của mình, khi thì lại là một chùm đuôi công mà ông kiếm được trong rừng… Có những món quà ông gửi, bà vẫn giữ làm kỷ niệm cho đến tận bây giờ. Cứ như thế, gia đình Trung tướng Phạm Hồng Sơn vượt qua những xa cách của chiến tranh, để chờ ngày đoàn tụ gia đình khi hòa bình lập lại.
 
Là em cọc chèo với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng Trung tướng Phạm Hồng Sơn vẫn có thói quen xưng “tôi” chứ không xưng “em” với Đại tướng, bởi ông vẫn giữ cách xưng hô của những người lính với nhau. Nhưng không vì thế mà mối quan hệ giữa ông và Đại tướng có sự cứng nhắc, xa cách. Lúc còn khỏe mạnh, mỗi lần đi tập thể dục ở Câu lạc bộ Quân đội, bao giờ Trung tướng Phạm Hồng Sơn cũng ghé qua nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp để trò chuyện vài ba câu.
 
Bà Đặng Anh Đào kể, thỉnh thoảng có những lúc vui tính, Trung tướng Phạm Hồng Sơn vẫn thích thú khi “đánh úp” được vị Tổng Tư lệnh vốn là người chỉ huy cao cấp nhất của mình. Ngôi nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau hòa bình lúc nào cũng có lính gác 24/24, không dễ ra vào. Vẫn giữ thói quen ra vào gặp gỡ tổng chỉ huy thời “ở rừng” khá dễ dàng, nên Trung tướng Phạm Hồng Sơn đôi khi không cảm thấy thoải mái với kiểu chìa giấy tờ cho anh em đứng gác để xin vào gặp Đại tướng.
Cuốn hồi ký của 2 vợ chồng ông Sơn
Ngày đó khi đến nhà Đại tướng, Phạm Hồng Sơn thường đi chiếc xe môtô nhà binh của Pháp. Có lần đến cổng nhà Đại tướng đúng lúc xe ôtô của Đại tướng đi vào, Trung tướng Phạm Hồng Sơn đã thản nhiên đi sau nên lính gác cổng tuyệt nhiên không dám hỏi bất cứ câu nào. Đến lúc bước vào nhà, thấy Phạm Hồng Sơn xuất hiện ngay đằng sau, nghĩ là lính gác của mình làm ăn tắc trách, Đại tướng đã nghiêm nghị hỏi: “Sao cậu lại vào được đây?”.
 
Phạm Hồng Sơn nghiêm trang đáp lại: “Báo cáo anh, tôi đi theo xe anh”. Sau câu nói đó, cả hai chỉ biết bật cười vui vẻ. Bà Đặng Anh Đào kể, những dịp “gây bất ngờ” cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp như thế luôn khiến Trung tướng Phạm Hồng Sơn “sướng âm ỉ” (dù không bao giờ dám thể hiện ra mặt điều đó trước mặt Đại tướng).
 
Khi còn minh mẫn, dù đã nhiều năm trôi qua, Trung tướng Phạm Hồng Sơn có thể kể vanh vách về số xe tăng, tàu chiến, súng đạn trong từng trận đánh, đặc biệt là tên của những người lính đã hy sinh trong những trận đánh ấy. Những năm tháng cuối đời, Trung tướng Phạm Hồng Sơn mắc bệnh lãng quên.
 
Nhưng có những ký ức ngộ nghĩnh của một thời chiến trận đôi khi vẫn trở lại trong ông, gần như vô thức. Nhiều lần, ông đã khiến vợ mình bật cười khi ngồi vào bàn ăn tươm tất, đầy đủ các món cơm, canh, mặn nhưng ông vẫn lẩm bẩm hát theo lối nhại điệu kèn tập hợp bộ đội ăn cơm từ thời lính trơn: “Cơm cơm cà, cơm cơm muối/Te te tò, te te tí….” – đó gần như là điệu hát duy nhất mà ông còn nhớ được trong ký ức đã bị lãng quên đi rất nhiều của mình.
 
Ông vẫn thường xuyên quên tên các cháu nội, đôi khi ông quên cả chính mình, nhưng thỉnh thoảng, ông lại chợt nhớ đến những người từng cùng ông vào sinh ra tử. Đôi khi ông buột miệng nói ra tên một người đồng đội cũ nào đó khiến bà Đặng Anh Đào dù bất ngờ, nhưng không ngạc nhiên. Bởi bà biết, những ký ức về quãng đời chiến trận, những ký ức về đồng chí, đồng đội là những ký ức quan trọng nhất, đáng nhớ nhất, thiêng liêng nhất trong cuộc đời một người lính – một vị Tướng như ông.

PV
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc