Chuyện về người tử tù thích mặc áo đỏ

08:17, Thứ hai 28/03/2011

( PHUNUTODAY ) - (Phunudoisong) - Bị tù vì hành vi buôn bán, vận chuyển ma túy liên tỉnh số lượng lớn. Nhưng trong trại giam, người tử tù thích mặc áo đỏ này lại nhí nhảnh, vui vẻ và lạc quan, những điều hiếm#160; thấy ở bất cứ một phạm nhân nào.


Nghe thì thấy gã tử tù này thật màu mè, đồng bóng, gì mà đàn ông lại cứ thích mặc áo hồng, áo đỏ như đàn bà. Nhưng gã thích thế, cái sở thích này mới thay đổi thời gian gần đây, gã thích màu sắc rực rỡ, muốn diện trên người cái áo có màu tươi mới để tâm hồn thêm phấn chấn, vui vẻ. Thật hiếm có người tử tù nào lại nhí nhảnh, tính cách vui vẻ, lạc quan như Nguyễn Đăng Sùng – kẻ đang bị giam giữ tại phòng biệt giam của Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Giang vì hành vi buôn bán, vận chuyển ma túy liên tỉnh số lượng lớn.

Sùng là một mắt xích quan trọng trong đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy có “người đẹp Hà Quảng” Nguyễn Thị Ngọc tham gia.

Theo hồ sơ của Công an tỉnh Bắc Giang thì đường dây ma túy này có rất đông đối tượng, chủ yếu là người Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn và Bắc Giang. Đường dây chia làm nhiều nhánh, mỗi nhánh phụ trách một việc, chúng câu kết, móc xích với nhau để tuồn một lượng lớn ma túy đi các tỉnh tiêu thụ.

Nhánh thứ nhất do đối tượng Vũ Năng Sĩ, SN 1968, trú tại Phấn Mễ, Phú Lương, Thái Nguyên cầm đầu. Nhánh này câu kết với nhánh của “người đẹp Hà Quảng” Nguyễn Thị Ngọc ở Cao Bằng và nhánh của Trần Văn Chung, SN 1976 ở Lạng Sơn; Nguyễn Ngọc Tân ở Hiệp Hòa, Bắc Giang, để vận chuyển lượng ma túy lớn đi các tỉnh. Đường dây này họat động từ tháng 9-2004, nhưng mãi đến khi Nguyễn Ngọc Tân và Phan Văn Ngọc bị lực lượng CSĐT tội phạm về ma tuý, Công an tỉnh Bắc Giang bắt quả tang mua bán 1 bánh heroin vào khoảng tháng 4 - 2006 tại thôn Vân An, xã Lương Phong, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang thì toàn bộ đường dây này mới bị phát hiện.

Sau đó, Cơ quan điều tra đã lần lượt bắt giữ các đối tượng liên quan. Để bảo đảm "an toàn tuyệt đối" cho đường dây này, các đối tượng đã đưa người thân cùng tham gia vào đường dây.

Vũ Năng Vương là em ruột Vũ Năng Sĩ; còn Nguyễn Thị Ngọc lôi kéo bác ruột và em rể vào vũng lầy, và Nguyễn Đăng Sùng cũng là một người họ hàng gần của Ngọc. Qua điều tra, cơ quan công an xác định trong tháng 9-2004, đường dây ma túy có Nguyễn Đăng Sùng tham gia liên tục mua bán, vận chuyển heroin với khối lượng hàng chục bánh từ Thái Nguyên lên Cao Bằng bán. Bọn chúng thường thuê nhà nghỉ ở TP Thái Nguyên làm nơi tổ chức mua bán, giao nhận hàng…

Tử tù Nguyễn Đăng Sùng
Tử tù Nguyễn Đăng Sùng

Nguyễn Đăng Sùng có nét mặt khá hiền hậu, nhìn kiểu mặt đó rất dễ tạo lòng tin với người đối diện. Sùng hay cười, cái cười nghe cũng vẻ lành lành, chân chất. Các cán bộ quản giáo ở đây nói rằng, Sùng là số ít các tử tù ở đây có thái độ thành khẩn, hợp tác và vui vẻ.

Nếu Sùng không ở khu biệt giam, thì chẳng ai có thể nghĩ rằng người đàn ông mặt lúc nào cũng hớn hở kia lại là một tử tù đang đợi ngày đi trả án. Từ ngày chuyển vào biệt giam từ 2 năm nay, Nguyễn Đăng Sùng luôn ở một mình, chẳng có bạn tù nào trò chuyện cho khuây khỏa.

Xung quanh lúc nào cũng là 4 bức tường, ngày với đêm được phân biệt bằng ánh nắng mặt trời và ánh đèn điện lọt qua khe cửa, với Sùng, thứ ánh sáng rực rỡ chính là người bạn thân thiết trong quãng ngày buồn tẻ.

Có dạo, Sùng gần như rơi vào trạng thái trầm uất, anh ta câm lặng ngồi bó gối, chẳng thiết ăn uống, ngủ nghỉ. Đó là những ngày mưa lạnh dầm dề của đợt rét đỉnh điểm hồi năm 2009. Suốt thời gian đó Sùng chìm trong sự buồn bã tái tê, thậm chí thời gian đó tâm trạng của Sùng còn tệ hơn cả cái hồi anh ta ra Tòa nghe bản án tử hình dành cho mình.

Cho đến một ngày, vào một sáng đầu hè, khi đang chìm ngỉm với nỗi buồn cảm giác như vô tận, chợt Sùng thấy một vệt nắng vàng nhảy nhót lấp lánh trước mắt. Bỗng bao nỗi xốn xang, phấn chấn đã ngủ quên từ lâu như ùa về, Sùng chợt thấy vui lạ thường, nhìn thấy vệt nắng đó mà Sùng tưởng như mình vừa gặp một cô gái đẹp khiến anh ta mê mẩn. Sùng chợt nhớ ra rằng đã rất lâu rồi anh ta chẳng quan tâm gì đến mọi thứ xung quanh, thậm chí Sùng còn không hiểu mình đang sống hay đã chết.

Chính cái cảm giác ủ dột, buồn bã suốt một thời gian dài đã khiến mái đầu của Sùng bạc trắng quá nửa. Khi Sùng bừng tỉnh, anh ta hớn hở ngó ra kẽ cửa, nơi có chút ánh sáng tươi đẹp rọi vào, rồi Sùng háo hức, chăm chú theo dõi vệt sáng đó bước đi. Đến khi vệt nắng đó nhích gần đến góc phòng thì cũng là lúc cán bộ quản giáo của Trại đến chuyện trò, động viên Sùng. Hôm đó là lần đầu tiên sau chuỗi ngày rơi vào trạng thái u uất, Sùng mở lòng nói chuyện với cán bộ quản giáo như thể lâu lắm anh ta không gặp.

Từ hôm đó, sáng nào Sùng cũng tỉnh dậy sớm và ngóng chờ tia nắng đầu tiên lọt vào khe cửa. Rồi như phải lòng cái màu sắc rực rỡ đó, khi chiều xuống thì Sùng lại đợi được nhìn ánh đèn điện hắt vào. Sùng nghĩ rằng, trong hoàn cảnh là ma sống mà vẫn còn cảm nhận được những gì tươi đẹp xung quanh mình, thì có nghĩa là mình vẫn còn cảm giác, vẫn chưa bị chai lỳ tất cả. Vậy thì cứ sống vui và lạc quan được ngày nào thì tốt ngày đó, không nên chán nản chờ đợi, như vậy ngày sẽ vô cùng dài. Cứ như vậy, như một thói quen, sáng nào Sùng cũng dậy sớm để đón tia nắng mặt trời và “cắt đặt” công việc trong ngày.

Sáng ngủ dậy, sau khi chào tia nắng mặt trời sẽ dọn dẹp chỗ ngủ cho thật gọn gàng, ngăn nắp, sau đó tập một vài động tác thể dục để tinh thần thoải mái. Sau khi vệ sinh cá nhân xong, Sùng đọc báo và luyện trí nhớ bằng cách đọc thơ và ngân nga hát những bài hát mình còn nhớ. Và cũng từ hôm đó Sùng đâm thích màu đỏ, màu hồng tươi, tóm lại là tất cả những màu tươi tắn, sặc sỡ, bởi thứ màu sắc đó khiến Sùng có cảm giác như xua đi mọi buồn phiền, u ám trong tâm hồn.

Hôm gặp Sùng, thấy anh ta cười hớn hở, trên người mặc chiếc áo nỉ màu đỏ cờ rất bắt mắt. Sùng chia sẻ rằng, vì thích màu đỏ nên mỗi khi có người nhà đến thăm, Sùng thường bảo mang cho những chiếc áo có màu đỏ tươi để mặc.

Và trong số những chiếc áo bây giờ Sùng đang mặc ở trại, màu đỏ chiếm chủ yếu. Sùng bảo, chính bởi màu đỏ đã giúp anh ta thấy cuộc sống tươi đẹp, phấn chấn hơn. Sùng không cần biết ngày nào mình sẽ “ra đi”, cứ biết sống tốt những ngày nào còn có mặt trên cõi đời này để gia đình mình yên tâm, các cán bộ quản giáo không phải khổ sở trông coi.

Sùng đã hiểu được rằng, từ trước đến nay, tội lỗi của anh ta và đồng bọn là quá nghiêm trọng, họ đã bắt tay buôn bán hàng chục bánh heroin, gieo rắc cái chết trắng cho bao người, hủy hoại bao gia đình. Và bây giờ là lúc anh ta  đang phải trả giá. Thế nên từ khi bị bắt, chưa bao giờ Sùng tỏ thái độ chống đối, cũng chẳng lúc nào khóc lóc vật vã.

Sùng bảo làm như thế có khác nào Chí Phèo tự rạch mặt mình ăn vạ, mình đã quá xấu xa, tội lỗi rồi, giờ lại làm trò đó thì thật đáng xấu hổ. Sùng chỉ rơi vào trạng thái khủng hoảng tinh thần một thời gian vì nghĩ đến vợ, đến tương lai của những đứa con thơ, nhưng rồi tình trạng đó cũng qua nhanh khi Sùng tự ngộ ra được chân lý của cuộc sống, rằng cho dù có thế nào đi nữa thì cuộc sống vẫn diễn ra theo đúng trình tự của nó. Các con của Sùng dần sẽ lớn, và sau này nó sẽ hiểu bố nó đã nỗ lực thế nào để chuộc lỗi với tất cả những gì mình gây ra.

Trong lúc nói chuyện, Sùng cứ loay hoay dọn đi dọn lại cái nắp xô nhựa và mấy cái mắc áo nhựa, tôi bảo Sùng cứ xếp gọn vào một chỗ, để lúc cần thì lấy cho tiện. Sùng trả lời rằng: “Thật ra là nghe tin có nhà báo đến thăm, nên tôi sắp xếp cho gọn.

Nhà báo có chụp ảnh đăng báo thì chắc chắn người nhà tôi đọc sẽ nhìn thấy, nên tôi phải dọn dẹp cho cẩn thận. Phải cười thật tươi để mọi người yên tâm là tôi vẫn sống khỏe, vẫn yêu đời…”. Nói rồi Sùng toét miệng cười thật cươi, tay giơ cái nắp xô nhựa và mấy cái mắc áo nhựa trước mặt để tạo dáng.

Trông người đàn ông với tóc bạc đã trắng nửa đang tạo dáng nhí nhảnh như một cậu thanh niên choai choai đang lớn thì chẳng ai nghĩ anh ta đã ngoại tứ tuần và đang mang án tử hình. Sùng bảo, trong đường dây ma túy của anh ta đã có vài người “lên đường”, và người đầu tiên chia tay anh em là Vũ Năng Sĩ – một bác sỹ có tài. Giờ ở lại Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Giang chờ ngày ra đi chỉ còn Sùng và người đẹp Hà Quảng Nguyễn Thị Ngọc.

Là phụ nữ nên sức chịu đựng và tâm lý của Ngọc không ổn định và mạnh mẽ như đàn ông. Nhiều đêm Sùng vẫn nghe thấy Ngọc khóc và kêu gọi tên các con rất thảm thương. Trong thâm tâm Sùng thấy rất thương Ngọc, vẫn biết tội lỗi của cô ta như thế, nhưng bao năm qua cô ta đã trả giá quá nhiều, chồng chết, bố mẹ già cũng héo úa vì con và đã lần lượt ra đi, hai đứa con gái nhỏ chẳng biết nương tựa vào đâu. Đã không ít Sùng mong lá thư xin ân xá của Ngọc sẽ được Chủ tịch nước phê chuẩn.

Tôi thấy ở Sùng có sự khác biệt với những người tử tù tôi vẫn thường gặp, anh ta luôn lạc quan và biết nghĩ cho người khác, cho dù hoàn cảnh của mình còn bi đát gấp bội. Nhưng Sùng bảo rằng, sống lạc quan và nghĩ những điều tốt về mọi người chính là bí quyết để Sùng vượt qua những ngày buồn. Và Sùng cũng chưa bao giờ nguôi hy vọng rằng một ngày nào đó anh ta sẽ nhận được quyết định ân xá của Chủ tịch nước để Sùng tiếp tục được sống…
  • Bảo Hân
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc