Bị ép lấy chồng khi mới 7 tuổi
Tháng 6 năm Ất Dậu (1225) Lý Chiêu Hoàng lên ngôi nhưng vì còn nhỏ nên việc triều chính do Thái hậu Trần Thị Dung điều hành. Chính vì vậy nên người thân thuộc họ Trần cũng được đưa vào cung nắm giữ binh quyền và các chức vụ quan trọng.
Trần Thủ Độ lúc này đang giữ chức Điện tiền chỉ huy sứ đã sắp xếp cho người cháu họ là Trần Cảnh, 8 tuổi vào cung làm Chánh thủ, có nhiệm vụ hầu hạ Lý Chiêu Hoàng.
Nữ hoàng ở trong cung cấm thiếu bạn bè nên khi gặp Trần Cảnh thấy rất thích và hay trêu đùa với nhau. Từ đây, Trần Thủ Độ dàn xếp hôn nhân rồi ép Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng.
Tháng 11/1225, Lý Chiêu Hoàng xuống chiếu nhường ngôi cho Trần Cảnh. Sau đó 1 tháng, bà trao hoàng bào cho chồng ở điện Thiên An, triều đại nhà Lý tồn tại 216 năm chính thức chấm dứt.
Trần Cảnh sau khi lên ngôi Hoàng đế tự xưng là Thiện Hoàng. Sử sách gọi ông là Trần Thái Tông. Lý Chiêu Hoàng được phong làm Hoàng hậu, đổi hiệu là Chiêu Thánh. Bà trở thành Hoàng hậu trẻ nhất trong lịch sử khi mới 7 tuổi. Mẹ của bà là Trần Thị Dung xuống làm Thiên Cực công chúa rồi gả cho Trần Thủ Độ.
Cuộc hôn nhân 10 năm, xuất gia vẫn bị chồng gả cho tướng lĩnh
Mặc dù trong 10 năm chung sống, tình cảm của Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh rất sâu sắc nhưng số phận của bà không tránh khỏi bi kịch.
Năm 1233, bà sinh ra Thái tử Trần Trịnh nhưng đứa bé mất không lâu sau khi được sinh ra. Nỗi đau mất con khiến bà đau ốm liên miên, 5 năm tiếp theo bà không thể sinh con.
Trần Thủ Độ lo sợ điều này ảnh hưởng đến sự vững vàng của ngôi vua nên ép vua truất ngôi Hoàng hậu của Chiêu Thánh và lập Thuận Thiên công chúa đang mang thai 3 tháng lên thay. Thuận Thiên lại là vợ của anh trai Trần Thái Tông là Trần Liễu và cũng là em gái ruột của Hoàng hậu.
Trần Thái Tông phản đối, đang đêm bỏ trốn khỏi kinh thành lên gặp sư Phù Vân ở Yên Tử để nương nhờ. Trần Thủ Độ lên gặp vừa dỗ dành vừa gây sức ép, cuối cùng vua nghe theo. Thuận Thiên Công chúa được phong làm Hoàng hậu. Chiêu Hoàng bị giáng xuống làm Chiêu Thánh Công chúa. Quá đau buồn, Chiêu Hoàng đã xin rời cung để xuất gia và được chấp thuận. Đó là năm 1237.
Lý Chiêu Hoàng xuất cung, sống cô độc suốt 21 năm trời cho đến năm 1258. Khi đó, quân Nguyên Mông xâm lược, vua Trần Thái Tông được một vị tướng tên Lê Phụ Trần hộ giá cứu sống, một mình một ngựa lấy ván gỗ che cho vua khỏi trúng tên giặc.
Ghi nhận công lao, vua phong tước cho Lê Phụ Trần là Ngự sử đại phu và muốn gả vợ cũ là Công chúa Chiêu Thánh cho. Có lẽ, Trần Thái Tông muốn được bù đắp xứng đáng cho sự khổ đau mà người vợ bất hạnh phải chịu đựng.
Chiêu Thánh không từ chối nổi và đặt ra 3 điều kiện: 1. Xóa bỏ lệnh truy sát, bức hại tôn thất nhà Lý. 2. Lăng miếu thờ các vị Hoàng đế, công thần triều Lý phải được giữ gìn. 3. Dinh thự của Lê Phụ Trần phải chuyển ra xa Hoàng thành.
Sau khi được chấp thuận các yêu cầu trên, Chiêu Thánh mới đồng ý kết hôn cùng Lê Phụ Trần. Lúc đó, bà đã 40 tuổi.
Cuộc hôn nhân với Lê Phụ Trần kéo dài 20 năm, tuy gượng ép nhưng bà lại được hưởng sự yêu thương, hạnh phúc. Bà sinh cho Lê Phụ Trần một người con trai là Thượng vị hầu Lê Tông và một người con gái là Ứng Thụy công chúa Lê Ngọc Khuê.
Sau này, con trai Lê Tông của Chiêu Thánh, khi trưởng thành được phong tước Thượng vị hầu, vua ban quốc tính và đổi tên thành Trần Bình Trọng. Ông là danh tướng với câu nói bất hủ: “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”.
Theo chính sử, Chiêu Thánh (tức Lý Chiêu Hoàng ) mất vào đầu năm Mậu Dần (1278) tại quê hương Cổ Pháp (nay thuộc Từ Sơn, Bắc Ninh), thọ 60 tuổi, lăng mộ đặt ở bên rừng Báng thuộc đất Đình Bảng, dân gian gọi đó là lăng Cửa Mả.
Từ khi sinh ra cho đến khi từ biệt cõi đời, bà trở thành một người có số phận lạ lùng nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam với 7 lần ở những danh vị khác nhau: Công chúa triều Lý, Hoàng Thái tử nhà Lý, Nữ Hoàng đế nhà Lý, Hoàng hậu nhà Trần, Công chúa nhà Trần, Sư cô (thời Trần) và Phu nhân tướng quân nhà Trần.