Từng xin cơm và ngủ gầm nhà
Sinh ra và lớn lên giữa núi rừng Tây Bắc và có một tuổi thơ gắn với bao vất vả, tủi nhục nhưng bằng chính nghị lực và lòng thương người, cô gái dân tộc Mông – Tần Thị Shu đã vươn lên thoát cảnh nghèo. Shu trở thành giám đốc trẻ tuổi của một doanh nghiệp nổi tiếng Sapa Ô Châu.
Tần Thị Shu sinh năm 1986 trong một gia đình đông con ở xã Lao Chải (huyện Sapa – Lào Cai). Vì nhà nghèo, Shu đã phải bỏ học giữa chừng khi đang học lớp 3 để cùng mẹ lên chợ huyện Sapa buôn bán kiếm tiền. Gọi là buôn bán, nhưng những đồ Shu và mẹ bán chỉ là số ít vòng tay, khăn dệt thổ cẩm của nhà làm ra bán cho khách du lịch. Hằng ngày, trong sương núi mờ trắng, gà chưa gáy sáng, Shu lại cùng mẹ đeo giỏ hàng sau lưng đi bộ 30 cây số để lên chợ rao bán.
Trong ký ức của Shu, đó là những tháng ngày vất vả và tủi nhục. Đến chợ khi mặt trời vẫn còn chưa ló sau đỉnh núi nhưng mẹ con Shu vẫn không có chỗ ngồi để bày bán hàng do những chủ hàng ở Sapa đã “canh chỗ”. Đôi chân trần của Shu lại phải tiếp bộ trên những đoạn đường đá răm cùng với những chiếc vòng cầm trên tay đi chào bán. Số tiền kiếm được trong một ngày bán hàng của mẹ con Shu chẳng đáng là bao, mỗi lần bán hết hàng Shu chỉ nhận được 15 – 20 nghìn đồng. Thậm chí, có những hôm không bán được, mẹ con Shu lại phải đối mặt với cảnh “nhà không về, cơm không có”, nằm chờ dưới gầm cầu qua đêm để đợi ngày hôm sau.
Tần Thị Shu - Cô gái dân tộc Mông xinh đẹp và tài năng.
Shu nhớ lại: “Cứ 2h sáng, mẹ con Shu lại thức dậy để đèo hàng lên chợ huyện bán. Đồ bán là những chiếc vòng tay, mũ, khăn mà nhà Shu làm được. Những hôm bán hết hàng thì nhận được 20 nghìn đồng, có hôm không bán được đồng nào đành phải ngủ lại để chờ sáng hôm sau. Khi không có tiền trong người, mẹ con Shu phải xin ít cơm của các nhà nghỉ để ăn và cũng xin ngủ nhờ dưới gầm nhà của họ chờ qua đêm”.
Khi gợi lại ký ức, đôi mắt của cô gái người Mông chợt đỏ ngàu và dưng dưng nước mắt, giọng nói của Shu hòa lẫn vào những tiếng nấc nghẹn, cô tâm sự: “Biết cảnh nghèo, cảnh khổ nên Shu đã xin phép mẹ ở lại thị trấn để tìm việc. Do từ nhỏ được tiếp xúc với nhiều người nước ngoài nên Shu nói được tiếng anh. Shu đã xin vào công ty lữ hành ở Sapa làm hướng dẫn viên du lịch. Mặc dù làm hướng dẫn viên du lịch đỡ mệt hơn nhưng thù lao không cao lắm. Lúc ấy, họ trả cho Shu 10 nghìn đồng/chuyến đi. Có lần, lấy lý do Shu không có bằng cấp nên họ lại hạ tiền lương xuống, Shu chỉ biết gật đầu và cố gắng nhận nhiều đoàn du lịch hơn để kiếm tiền”.
Con đường đến vị trí giám đốc
Nghỉ học giữa chừng khi đang học lớp 3 và một thời gian dài bươn trải kiếm tiền, năm 2008, Tần Thị Shu xin đi học lại nối tiếp chương trình tiểu học. Vừa học vừa làm, Shu tận dụng lợi thế thông thạo tiếng anh của mình tiếp tục làm hướng dẫn viên để có thêm tiền chi trả cho cuộc sống ăn học ở phố huyện Sapa. Không chỉ dừng lại ở việc học và làm du lịch đơn thuần, Shu ý thức được cần làm gì để có thể phát triển bản thân, đó là làm kinh tế và thực hiện mong muốn giúp đỡ các em nhỏ dân tộc vùng cao có hoàn cảnh khó khăn. Khởi đầu, Shu xin vào hợp tác xã Sapa Ô Châu làm với chức vụ nhân viên hướng dẫn viên du lịch chính thức. Bằng chính nghị lực chịu khó, tư duy thông mình và nhạy bén trong cách tiếp cận đặc thù du lịch ở Sapa, Shu đã có nhiều điều kiện để thực hiện các ý tưởng, dự án kinh doanh du lịch của mình. Năm 2009, nhờ sự giúp đỡ của hợp tác xã Sapa Ô Châu, Shu đã thành lập công ty Sapa Ô Châu (Ô Châu – theo tiếng Mông là “Cảm ơn”) và làm giám đốc điều hành kinh doanh. Công ty của Shu làm kinh doanh dịch vụ du lịch là chủ yếu với hình thức đặc sắc là "home stay". Bên cạnh đó, Shu còn tổ chức điều hành các hoạt động kinh doanh đồ uống, hàng thổ cẩm mang lại doanh thu hàng tỷ đồng.
Một trong những mô hình kinh doanh của công ty Sapa Ô Châu.
Không chỉ dừng lại ở đó, năm 2011, Shu “bén duyên” với các cơ quan, tổ chức hỗ trợ trong và ngoài nước. Shu được tạo điều kiện kết nối với dự án “Nâng cao năng lực lãnh đạo của doanh nghiệp xã hội” của Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) và KOTO Quốc tế thực hiện với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Ailen, được hỗ trợ kỹ thuật chính của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Thông qua đây, Shu đã đề xuất những ý tưởng, dự án kinh doanh mô hình Sapa Ô Châu của mình và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ phía tổ chức. Sau một thời gian hoạt động cùng dự án, Shu đã học hỏi, tích lũy được nhiều kỹ năng, kinh nghiệm trong kinh doanh và mang tầm vóc của một nhà lãnh đạo đúng nghĩa. Từ chỗ, làm việc theo cảm tính, thiếu kỹ năng tổ chức, kinh doanh nhỏ lẻ, Shu đã xây dựng được một hệ thống chiến lược phát triển cho công ty theo cách rộng rãi, bền vững, chuyên nghiệp và căn bản.
Điều đặc biệt ở công ty Sapa Ô Châu chính là kinh doanh không vì lợi nhuận. Mọi hoạt động đầu tư kinh doanh của Shu đều hướng tới mục đích xây dựng một môi trường lành mạnh để giúp đỡ các em nhỏ đồng bào dân tộc khó khăn có chỗ ăn, ở và học.