Những chuyện dễ gặp
Chị dẫn đứa con ba tuổi về thăm bố mẹ chồng. Thấy cháu không chào, ông nội liền mắng: Đứa trẻ này hư thật, gặp người lớn không chịu chào, còn cứ ngước lên nhìn"
Trong khi đó ông nội cũng không chào hai mẹ con chị, chỉ thấy “ừ” khi chị cúi chào. Lúc chị và mẹ chồng có lời qua tiếng lại, không cần biết đúng sai thì bố chị đã mắng con “Mình là phận con cái thì phải nín nhịn trước, phải xin lỗi trước dù gì đi nữa”… Kể cả nếu mẹ chồng trách mắng oan cho chị thì bố chị cũng bảo phải chủ động xin lỗi vì chị vừa là con, vừa là phận dâu.
Lúc đứa cháu nhỏ thắc mắc tại sao nó phải mời lần lượt người lớn trong nhà ăn cơm, mà nó không mấy khi được nghe mời lại, ông nội đã giải thích vì nó là người bé nhất trong nhà nên phải thể hiện tôn kính, giữ gìn phép tắc, chỉ có người nhỏ mời người lớn chứ người lớn không cần mời người nhỏ.
Người lớn cậy quyền thì con sẽ nổi loạn
Những câu chuyện như trên không phải hiếm gặp. Có nghĩa là người lớn thì luôn có quyền!
Người phụ nữ trong câu chuyện trên không tin vào điều bất bình đẳng đó và chị không dạy con mình theo cách ấy. Bởi vậy, lần nào đi đón con ở lớp học, chị cũng là người cất lời chào con trước. Và tất nhiên khi nghe em chồng trách mắng con mình cứ “nghếch mắt lên nhìn mà không chịu chào, hư thật”, chị sẽ phê bình lại “Chú cũng chưa chào cháu đấy nhé, chú chào rồi cháu sẽ học theo được chứ”. Nghe thế, bố mẹ chồng chị rất giận “Á, nó nói em chồng nhưng cũng là đe gió mình đây, con hư không dạy con lại còn lý sự để nó hư hơn”.
Chị giải thích cho đứa cháu nhỏ rằng “Mời cơm là phong tục, phép tắc lễ nghĩa của người bé với người lớn hơn; cũng là tình cảm yêu thương của người trên với người dưới. Thế nên người bé mời người lớn và ngược lại người lớn cũng cần mời người bé chứ không phải chỉ người bé mới có nghĩa vụ ấy”.
Chỉ là vì trước đây trong những gia đình có nếp nghĩ gia trưởng, ảnh hưởng của tư tưởng phong nên nhiều người cho rằng người bé phải mời người trên và hầu hết các nàng dâu và những đứa trẻ ít khi được mời lại. Và thế là trong bữa cơm gia đình chỉ có chị mời đứa cháu và đứa con bé bỏng của chị, còn những người lớn khác chỉ nhận lời mời và đáp trả “ừ, ăn đi”. Chuyện mời cơm trong gia đình hiện đại đôi khi đã được lược bỏ, tùy theo thái độ mỗi người. Nhưng trong gia đình chị, hễ đứa bé nào mời không đầy đủ hoặc mời bằng giọng nói vội vàng sẽ bị nhắc mời lại, vậy mà tuyệt nhiên người lớn “đều quên việc mời những đứa trẻ”. Vậy là nhiều khi, chỉ vì lời mời trong bữa cơm thôi cũng khiến không khí gia đình có phần nặng nề.
Đôi khi nghe chị gửi gắm “Anh Bi mời em Cún ăn cơm đi, để em Cún biết học theo nào”, bố mẹ chồng và chị dâu lại thấy không thoải mái. Họ nghĩ chị “lắm chuyện”, hoặc “nói ý sang mình”.
Nhiều lần bố mẹ và chị dâu cũng kêu than trách chị “chiều con không phải lối”. Đó là vì mỗi lần dẫn con đi mua đồ, chị thường hỏi con thích gì, cho con chọn, cái gì thấy được chị chiều mua theo ý con, cái gì chị không mua được thì lại giải thích cho con vì sao cái đó không nên mua và chị không đồng ý cho mua vì sao.
Chị dâu chị càm ràm “Trẻ con thì biết gì, bố mẹ mua gì phải dùng đấy, giải thích chúng nó có hiểu đâu, mất thời gian lắm, bình đẳng quá lại hóa cưỡi đầu cha mẹ đấy”. Thế là nhiều lần đứa cháu lớn nhăn nhó vì mẹ mua quần áo cứ đỏ rực, nhưng phải mặc vì “không mặc thì để truồng”.
Nhiều người khi con đã tuổi trưởng thành cũng vẫn áp đặt như thế, thậm chí không cho chúng thở mà cứ nhất định rằng: Mẹ mua cho con cái này, con phải dùng cái này, con ăn cái này đi, con lấy đứa này mới tốt... thậm chí tự ý quyết định và xen vào mọi việc của con.
Có lẽ nhiều phụ huynh thích dùng quyền người lớn để dạy con trẻ như thế, nên có nhiều đứa trẻ luôn mong mình lớn vì cảm giác bất bình đẳng, hoặc ép mình lớn sớm để được tự do quyết định mọi việc cho mình. Nên nhiều khi người lớn càng thấy bất lực với bọn trẻ!
Cha mẹ nên làm gương là thế nào?
Chuyện cha mẹ làm gương không chỉ là làm gương cho trẻ nhỏ học theo mà làm gương suốt đời cho những đứa con khi càng lớn càng thấy nể trọng học theo cha mẹ.
Khi cha mẹ làm gương tức là muốn con như thế nào mình phải hành động như thế. Khi cha mẹ gia trưởng thì sau này con cũng học thói gia trưởng.
Khi cha mẹ nhân danh trẻ không biết gì thì tới một ngày chúng đủ lớn, chúng cũng có thể nói cha mẹ già rồi không biết chuyện của tụi trẻ nên sẽ không tâm sự không chia sẻ chuyện của mình với cha mẹ nữa.
Bởi cha mẹ cậy quyền người lớn áp đặt cho con nên con sẽ tìm cách phản kháng lại guống như định luật vật lý rằng tác động một lực lớn thì nhận về một lực lớn tương tự.
Bởi thế cha mẹ muốn con trẻ gần gũi với mình hãy cho chúng thấy người lớn không áp đặt.