Cơm hàng chưa ăn đã ngộ độc

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday)- Mâm cơm gia đình đã khiến nhiều người khiếp đảm khi gạo, thịt, rau, hoa quả đều được tắm trong độc tố. Vậy còn cơm ngoài hàng, liệu có đảm bảo an toàn cho sức khỏe người Việt không?

Đũa: Đũa dùng một lần sản xuất bẩn, tẩm hóa chất

Theo Thể Thao Việt Nam, tại cơ sở sản xuất đũa sạch ở xã Tân Tiến (huyện Văn Giang - tỉnh Hưng Yên),  máy móc đã cũ kỹ, bám đầy dầu mỡ máy. Khi chúng vận hành thì để lại hàng tá mùn bụi tre bay khắp gian nhà. Mọi người phải dùng khẩu trang để chống bụi, thậm chí bụi bẩn còn bám đầy ở những chiếc đũa. Nhân công ở đây tận dụng mọi thứ thậm chí dùng cả những viên gạch bám bẩn để chia đống đũa thành từng phần.

Họ tận dụng mọi thứ thậm chí dùng cả những viên gạch bám bẩn để chia đống đũa được cho là "sạch" thành từng phần.

Tuy nhiên, ông Bảy- chủ cơ sở sản xuất vẫn luôn miệng khẳng định “Ở đây chỉ là cơ sở sản xuất, tinh chế đũa sạch. Đũa sơ chế được lấy ở một cơ sở sản xuất trên Hòa Bình về vẫn đảm bảo không bị mốc cho tới tay người tiêu dùng”.

VietNamNet dẫn lời ông Dong Jinshi, Tổng thư ký của Hiệp hội Bao bì thực phẩm quốc tế cho biết, màu sắc và mùi vị của đôi đũa có thể chỉ ra chúng đã được tiếp xúc với lưu huỳnh và các chất hóa học khác. Sulphur, hydrogen peroxide, sodium sulfite và chất ngăn nấm mốc thường được sử dụng để làm loại đũa sử dụng một lần, dù điều đó là trái phép .

Đũa ăn dùng trong các hàng cơm, phở thường là loại đũa dùng một lần. Đũa sản xuất ở cơ sở trong nước thì mất vệ sinh, đũa nhập từ Trung Quốc  còn tẩm hóa chất độc hại, gây ung thư.

Theo kết quả kiểm tra trong tháng 7/2013 của chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM với mẫu đũa tre loại dùng một lần, xuất xứ từ Trung Quốc đã phát hiện hoá chất sodium sunfite có hàm lượng 87,4 – 183,2ppm, và sulfure dioxide với hàm lượng 44,4 – 93ppm, đây là những chất có khả năng gây ung thư cao.

Giấy ăn: sản xuất từ giấy vệ sinh, giấy thải

Theo báo Khám phá, tại xã Phong Khê, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, nơi có  khoảng 200 đơn vị sản xuất giấy trong đó có 50% đơn vị sản xuất giấy ăn, giấy vệ sinh, mỗi xí nghiệp đạt công suất trung bình từ 5 – 7 tấn/ngày. Cả làng như một “bãi rác” khổng lồ, khắp các ngả đường luôn nồng nặc mùi tạp chất do các xưởng sản xuất giấy thải ra.  

Toàn cảnh của một xưởng sản xuất giấy ăn (đang hoạt động)


Được biết, nguyên liệu đưa vào sản xuất là những đống “rác phế liệu” giấy, những cuộn giấy vệ sinh bỏ đi, sách báo lem nhem được thu mua từ nhiều nguồn khác nhau, thậm chí được thu gom từ những bãi rác thải.

Công nhân chân đất giẫm đạp lên đống giấy nguyên liệu nhàu nát. Những bể ngâm giấy mủn rò rỉ thứ nước thải nhớp nháp trên nền đất. Máy xay nguyên liệu rỉ sắt đóng cục nổi lên thành từng mảng. Hệ thống nước thải chưa kịp hoàn thiện nước đặc khịt, rác nổi lềnh phềnh.

Một công nhân sản xuất giấy cho biết, các chất tẩy trắng được cho ngay vào công đoạn đầu tiên để ngâm giấy chủ yếu là nước Javen và một vài loại hóa chất làm dai giấy đặc biệt.

Còn theo báo Dân trí, nhiều nhà hàng còn dùng giấy vệ sinh làm giấy ăn.  Giấy ăn trước khi thành phẩm được sử dụng nguyên liệu lấy từ nguồn các loại cỏ, trúc, gỗ…; giấy vệ sinh khác hoàn toàn khi chủ yếu được làm từ nguồn giấy phế phẩm như sách báo cũ, giấy photocopy, giấy in...

Chị Nguyễn.T.Liên, Xuân Đỉnh, Từ Liêm Hà Nội cho rằng giấy nào chẳng là giấy, thậm chí có những loại giấy vệ sinh cao cấp, chất lượng còn cao hơn những loại giấy ăn thủ công màu mè. Những loại giấy vệ sinh cao cấp rất trắng, mềm, dai hơn hẳn giấy ăn thủ công vừa mủn, thậm chí lau vào còn có bụi giấy để lại trên mặt. 

TS Nguyễn Hữu Hoan, Viện Hóa học Công nghiệp cho biết: xút và nước javel là hai loại hóa chất phải có qui trình sản xuất nghiêm ngặt, tránh tiếp xúc với da và mắt. Nồng độ trong nước của hai chất này cho phép <0,3mg/l, nếu vượt quá các hoá chất tồn dư có thể gây kích ứng đối với da, niêm mạc và các bệnh về đường tiêu hóa.

Bát: Nước rửa gây ung thư

Ở các hàng cơm, hình ảnh phổ biến chúng ta thường nhìn thấy là một chồng rất nhiều bát đĩa, đũa, thìa bẩn được tập hợp lại một chỗ để rửa. Nhiều nơi chỉ tráng qua vài lượt nước rồi dùng giẻ lau khô, tiếp tục mang vào sử dụng cho khách.

Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Chuck Gerba, giáo sư về vi sinh học tại Đại học Arizona (Mỹ) cho biết trong nhà bếp là giẻ lau bếp hay giẻ rửa bát có khoảng 10 triệu vi khuẩn trên mỗi inch vuông nếu miếng giẻ bằng mút, và khoảng một triệu con nếu là miếng giẻ vải. Nói cách khác, miếng mút rửa bát bẩn gấp 200.000 lần bệ xí, và miếng giẻ lau bát bẩn gấp 20.000 lần. 

Để tiết kiệm, các nhà hàng thường mua những can nước rửa bát 20 lít, không rõ tên và nguồn gốc xuất sứ. Một can 5 lít chỉ có giá từ 25.000- 30.000 đồng/chai. Các nhà khoa học cảnh báo, nếu hóa chất có trong nước rửa chén bát ngấm vào cơ thể qua đường ăn uống sẽ gây tổn thương gan, thận và các bệnh đường ruột, thậm chí thủng ruột. Nguy hiểm hơn, nếu tích tụ lâu ngày trong cơ thể, chúng còn có thể gây ung thư.

Báo Người đưa tin phản ánh, tại nhà hàng C.L trên phố Láng Hạ (Hà Nội), tay cầm chiếc can nhựa đựng nước rửa bát, nhân viên quán ăn đổ một ít vào chậu nước, sau đó cho hết bát, đũa bẩn vào rồi dùng chiếc khăn ướt khoắng qua loa những chiếc bát. Cuối cùng, những chiếc bát bám đầy bọt được luân chuyển sang chậu nước đục ngầu, váng mỡ bên cạnh. Vớt những chiếc bát tong tỏng nước vẫn còn xà phòng, nhân viên này xếp ngay lên từng bàn ăn để phục vụ khách.

Chẳng riêng gì quán ăn trên, tại những nhà hàng, quán bia hơi đông khách trên địa bàn thành phố cũng rơi vào cảnh tương tự. Để tiết kiệm chi phí, những chủ quán hàng này sẵn sàng mua những loại rửa chén bát không rõ nguồn gốc về sử dụng mà không cần quan tâm tới chất lượng có đảm bảo hay không.

Theo một cán bộ của Viện hóa học Công nghiệp Việt Nam, các hóa chất sử dụng để làm nước rửa chén bát gồm có: Chất tẩy rửa, chất làm đông, chất thơm... và một số phụ gia làm mềm, phẩm màu khác. Nếu áp dụng theo đúng công thức pha chế với một tỷ lệ hóa chất thích hợp sẽ an toàn cho người sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường xuất hiện đủ loại nước rửa chén bát "vô danh" với hàm lượng các hóa chất không thể kiểm soát nổi. Các hóa chất, phẩm màu độc hại có trong các loại nước rửa chén bát sẽ bám vào chén, bát mà bằng mắt thường không thể nhìn thấy. Dần dần, lượng hóa chất này sẽ ngấm vào cơ thể qua đường ăn uống và gây bệnh.

Tăm: VIP “bẩn”

Tờ Chất lượng Việt Nam ghi nhận, tại một số cơ sở tư nhân sản xuất tăm tre ở Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang, nguyên liệu thô người ta dùng dao chẻ thành nan nhỏ sau đó cho nan tre xuyên qua khuôn bằng sắt có lỗ tròn rồi dùng kìm rút thành sợi, sau đó bó tròn và để xuống sàn nhà; người công nhân với nguyên đôi dép của mình dùng hết lực xát thật mạnh vào bó tăm cho nhẵn. Trong khi đó dưới sàn nhà là hàng ngàn lớp bụi bẩn lẫn cả đất với nhiều vết giày dép của hàng chục người đi lại. Sát nơi chế biến tăm là chuồng lợn, chuồng gà cực kỳ ô nhiễm, người công nhân cũng vừa đi lại từ khu gia súc này vào và tiếp tục dùng dép để chà xát lên tăm.

Điều hãi hùng hơn ở đây là sau khi “dùng dép” xát tăm cho nhẵn người ta không tẩy trùng mà đưa vào cắt ngắn để đóng gói luôn. Theo quan sát, công đoạn đóng gói của xưởng tăm rất thô sơ, vô cùng mất vệ sinh: toàn bộ tăm được đổ ra sàn nhà, trong một không gian ánh sáng lờ mờ, ẩm thấp và hỗn tạp nhiều vật dụng khác, người công nhân không có găng tay hay quần áo bảo hộ lao động, thậm chí có công nhân vừa ăn uống vừa đóng gói; họ dùng tay không nhặt khoảng 30 – 40 que tăm nhét vào túi nilon, sau đó lần lượt đóng lại, nhét nhãn mác vào. Nếu đóng vào hộp nhựa mica thì họ dùng nhựa clo để dán xung quanh viền hộp tăm dính cho chắc. 

Theo các chuyên gia hóa học, hóa chất dùng để tẩy trắng tăm tre và làm chất dán xung quanh viền hộp nhựa đóng tăm chủ yếu là clo là loại hóa chất dùng trong công nghiệp, gây độc hại cho người sử dụng. Loại hóa chất này bám rất sâu trong điều kiện khô, nhưng khi gặp nước thì thẩm thấu nhanh. Chính vì thế, tăm tre không đảm bảo an toàn cho sức khỏe càng trở nên nguy hiểm khi người sử dụng thường cầm và trực tiếp đưa vào miệng.

Nước bọt trong miệng sẽ giúp hóa chất tẩy rửa, tẩm ướp tan nhanh và thẩm thấu nhanh vào cơ thể, không chỉ xảy ra các bệnh về răng miệng mà nguy hiểm hơn còn là mầm họa của các bệnh nan y khác. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo khách hàng cần chú ý không mua hoặc sử dụng tăm tre bán không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng. Chỉ sử dụng tăm tre của những cơ sở đã được chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn.

Với những gói tăm mốc bị trả về, một số cơ sở sản xuất tăm VIP cho công nhân tại xưởng dùng tay sát mạnh cho ra bụi mốc, sau đó lại dùng lưu huỳnh xông cho chuyển sang màu trắng và tiếp tục đóng gói dán nhãn mác tăm VIP để quay đầu bán ra thị trường.

Chưa nói đến đồ ăn ngoài quán ra sao, chỉ cần liệt kê những dụng cụ từ cái bát, đôi đũa đến nhỏ như que tăm cũng đầy chất độc hại. Cơm trong nhà đã sợ, cơm ngoài hàng chưa ăn đã ngộ độc!

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn