Hoa quả ngậm chất cấm chốt hạ mâm cơm "đầu độc" người dân

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday)- Không ăn nổi cơm, thịt, rau vì độc tố, người tiêu dùng tìm đến hoa quả để giải độc. Nào ngờ, còn thảm hại hơn! Thậm chí, thương lái dùng cả chất ướp xác để bảo quản trái cây.

Muôn loại hóa chất ép hoa quả "chín đẹp"

Ép na, dưa hấu chín bằng thuốc

Gia đình & Xã hội phản ánh, ông Nguyễn Văn Bình (xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội) – một người trồng hoa quả cho biết những người bán hàng thường dùng hóa chất để làm hoa quả chín nhanh. “Thuốc này bán rẻ lắm, chỉ khoảng 25.000 - 30.000 đồng/lọ chấm vào cuống là quả chín ngay sau 12h, lại chống được thối, bền màu. Thậm chí với một số quả như na, chuối, dưa hấu chấm thuốc này còn tăng độ ngọt nữa đấy”.

Theo điều tra của phóng viên, lọ hóa chất mà ông Bình nói có giá khoảng 25.000 đồng, có thể chấm cho khoảng 2 tạ quả chín đẹp, người mua có thể dễ dàng tìm thấy những lọ thuốc này ở các cửa hàng bán thuốc trừ sâu.

Anh Hà Tấn Minh (phố Hoa Bằng, Cầu Giấy, Hà Nội) còn thẳng thắn chia sẻ kinh nghiệm buôn bán hoa quả của mình, không mua được thuốc chấm quả thì có thể dùng thuốc sâu. Dưa hấu còn non, sau khi trảy về chỉ cần lấy nan hoa xe đạp chấm một ít thuốc sâu, sau đó tiêm vào thịt quả dưa với độ sâu khoảng 1,5- 2cm thì chỉ trong 10 tiếng quả dưa đó sẽ bóng vỏ, ruột chín đỏ đẹp, thậm chí còn tăng ngọt nữa. Khi chúng tôi tỏ ý băn khoăn cho sự an toàn của người sử dụng thì anh Minh tặc lưỡi: “Lượng thuốc sâu quá ít, không đủ độ để ngộ độc đâu nên bán cho  hàng xóm cũng cứ vô tư đi”.  

Theo giảng viên Vũ Văn Tiến ( Trường ĐH Hồng Đức) cho biết: “Các loại thuốc ép quả chín nhanh thường có thành phần là ethrel, hoạt chất này cũng có trong đất đèn. Đây là một loại chất rất độc, hàm lượng cho phép sử dụng rất nhỏ. Ở nhiều nước trên thế giới, chất này đã bị cấm sử dụng trong việc chế biến, bảo quản trái cây. Nếu phun hoặc nhúng chất vào hoa quả này sẽ tạo ra dư lượng, dễ gây ngộ độc cho người ăn. Nguy hiểm hơn, ethrel tác dụng với thành phần nitơrat trong quả sẽ tạo ra chất etylenglycol dinitrat - một chất rất độc, hàm lượng cho phép là dưới 0,3mg/m3- trong khi người chấm thuốc thì chỉ cốt cho quả chín mà không hề biết đến hàm lượng này”.

Theo ông Lê Quốc Tuấn (Bộ môn độc chất môi trường, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM), ethrel không phải là một chất “cực độc” hay “cực nguy hiểm” nhưng lại có những độc tính nhất định. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy liều gây chết dùng qua đường ăn uống là LD50 > 2.000mg/kg. Nghĩa là với liều lượng ethrel 2.000mg/kg có thể tiêu diệt 50% các loài động vật thử nghiệm trong một thời gian nhất định (thường là 4 giờ). Ethren rất có hại đối với da và mắt, rất dễ kích ứng làm đỏ mắt, xót mắt, ăn mòn da, gây sưng, đỏ da.

Sầu riêng, mít tắm hóa chất

Theo VnExpress phản ánh, để có lãi, thương lái thường nhúng trái sầu riêng vào một loại hóa chất đã hòa sẵn hóa chất, đồng loạt các trái sầu riêng đều chín nhanh, đồng đều và rất bắt mắt… Đặc biệt, màu sắc của trái cây nhuộm hóa chất giống như trái chín tự nhiên, chỉ có người sành sầu riêng mới phân biệt đâu là trái tự chín và bị ép chín. Qua tìm hiểu, loại hóa chất thương lái dùng nhuộm trái có nhãn mác là “Trái Chín”, được sản xuất tại TP.HCM. Cũng có nơi sầu riêng được ép chín bằng cách pha hóa chất với nước thành hỗn hợp sền sệt bôi lên cuống trái, sau đó sầu riêng được xếp vào một nơi và phủ bạt lên trên chờ chín.

Những trái sầu riêng non bị ép chín bằng hóa chất thường chỉ có vài múi lép, nhạt thếch, thậm chí không ăn được.

Đối với mít, để làm mít chín nhanh, tiết kiệm được thời gian và công sức. Thương lái thường chọn loại thuốc có nguồn gốc từ Trung Quốc pha loãng với nước rồi tiêm trực tiếp vào quả mít. Hóa chất càng nặng đô thì thời gian thúc mít chín càng rút ngắn. Sau khi tiêm thuốc, chưa đầy 12 giờ sau là mít chín.

Cũng có thương lái dùng loại hóa chất bôi vào đầu cuống quả mít, sau đó rải thuốc lên từng trái mít rồi phủ bạt lên để hóa chất ngấm sâu vào trái làm mít nở gai và tạo màu vàng óng đến tận xơ.

Hồng xiêm ngâm bột sắt

Để quả hồng xiêm bắt mắt hơn, người bán thường ngâm quả qua một loại dung dịch được cho là bột sắt hòa với nước.

Chị Nguyễn Thị Linh (Quan Nhân, Hà Nội) mua một túi hồng xiêm về nhà, khi chị cho vào tủ lạnh chung với những quả hồng xiêm trước đó thì phát hiện các quả hồng xiêm trong hai túi có hai màu hoàn toàn khác nhau. Một loại nhìn rất bắt mắt, vàng thẫm còn một loại vẫn thấy vân xanh qua lớp vỏ mỏng.

Hồng ngâm qua bột sắt trông đẹp mắt hơn

Nghi quả bị ngâm tẩm như các khuyến cáo trên mạng, chị Linh mang hai túi hồng xiêm đến nhà người quen làm trong Viện hóa học để kiểm tra. Sau khi kiểm tra, kết quả là, những trái hồng xiêm có màu vàng thẫm đã được ngâm chất bột sắt còn hồng xiêm có màu xanh là chưa ngâm.

Chuối phun hóa chất vàng ươm

Theo phản ánh của báo chí, chuối cũng được thương lái thu mua cả vườn, chặt hàng loạt chở về đem nhúng vào xô nước có hóa chất hoặc dùng thuốc pha loãng phun trực tiếp lên từng buồng chuối rồi phủ bạt. Chỉ sau 12 giờ, từng trái chuối dù vẫn còn cứng nhưng đã chuyển sang màu vàng rất đẹp, trong khi cuống vẫn còn tươi mới...  thương lái thường sử dụng tuýp hóa chất to cỡ ngón tay giá chỉ vài nghìn đồng, đem hòa với 2 lít nước rồi phun đều lên chuối sẽ chín vàng sau một đêm, trong khi để chuối chín tự nhiên phải mất gần một tuần mà mã không thể đẹp như chuối tắm hóa chất được.

Chuối xanh non ngâm qua hóa chất nhanh chín, đẹp màu hơn

Loại thuốc ủ chuối chín nhanh này, theo các chủ hàng bán thuốc thì có nguồn gốc từ Trung Quốc và được nhập lậu về Việt Nam.

Không chỉ dùng để rấm, dú chuối, thương lái, hay nhiều nông dân còn dùng để làm chín nhanh, đều, đẹp các loại quả khác như xoài, cà chua, vải... Người tiêu dùng cần hết sức tỉnh táo khi mua hoa quả để tránh rước bệnh vào thân.

Ngay cả đu đủ xanh cũng được thương lái mua về rồi dùng hóa chất nhỏ trực tiếp lên phần cuống của từng quả đu đủ và bọc báo lại. Sau 1 ngày đu đủ đã chín vàng, trông bắt mắt, chúng được chở đến các chợ đầu mối của TP Hà Nội để bán. Tương tự như vậy, hồng xiêm xanh hái trên cây xuống có màu đen, nhưng sau khi được nhuộm qua một chút nước bột màu vàng thì sẽ vàng đẹp, bóng bẩy, người mua cứ nhầm tưởng đó là hồng xiêm già. Được biết, những người buôn bán hoa quả sử dụng bột sắt để nhuộm màu hoa quả, một loại màu công nghiệp được dùng để sản xuất polymer, thuốc nhuộm tóc, cao su, mực in... Khi chất này tích lũy trong cơ thể người sẽ gây tổn hại cho gan và thận, gây ung thư da và ung thư bàng quang.

Tẩm hóa chất đảm bảo hoa quả tươi hàng tháng

Theo phản ánh của Người Lao Động, tại chợ đầu mối Thủ Đức, Hóc Môn (TPHCM) hằng ngày có đến 300 tấn trái cây TQ (gồm lê, táo, nho, cam, quýt, hồng, đào, lựu…) nhập về. Khi trái cây TQ ra chợ lẻ, vào siêu thị, cửa hàng hay các điểm bán dọc đường đều được người bán giới thiệu là của Mỹ, Pháp, Úc, New Zealand, Ấn Độ, Chile… Thế là người tiêu dùng tin tưởng và lại tiếp tục mua hàng TQ về dùng vô tư. Trái cây TQ không chỉ tiêu thụ ở các TP lớn mà còn len lỏi về vùng nông thôn.

Theo các nhà chuyên môn: Để bảo quản trái cây, người ta có thể sử dụng sáp, màng nhựa bao bọc nhằm ngăn chặn quá trình chuyển hóa giúp tươi lâu hơn. Đồng thời, người ta cũng có thể dùng các loại hóa chất chống mốc, diệt nấm, thậm chí sử dụng cả các chất độc hại dùng trong công nghiệp để phun hoặc ngâm trái cây. Các loại hóa chất độc hại này khi được dùng tẩm ướp trái cây sẽ ngấm qua lớp vỏ để xâm nhập bên trong ruột.

Thạc sĩ Đỗ Minh Hiền, Phòng Công nghệ sau thu hoạch Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam, cho biết người ta còn sử dụng cả hóa chất khai hoang, diệt cỏ (chất 2,4D) để bảo quản trái cây. Đây là loại hóa chất rất nguy hiểm, khi xâm nhập cơ thể con người sẽ gây nhiều chứng bệnh ung thư khó lường. Theo TS Phạm Thành Quân, Trưởng Khoa Kỹ thuật Hóa học Trường Đại học Bách khoa TPHCM, rất nhiều loại hóa chất độc hại có thể dùng để bảo quản trái cây, trong đó loại gốc clo, peroxít không mùi, không vị, không màu thường được sử dụng vì người tiêu dùng không thể nào nhận biết được.

Phần lớn các điểm bán hóa chất tại chợ Kim Biên (quận 6 - TPHCM)  đều có bán các loại hóa chất bảo quản, làm chín trái cây với giá khá rẻ. Tại một điểm bán hóa chất ở chợ này, người bán cho biết: “Những loại hóa chất bảo quản trái cây bán rất chạy. Mối lái ra đây lấy hàng nhiều lắm. Tẩm hóa chất này, trái cây để đến vài tháng cũng không hề hấn gì. Trái cây nhúng loại hóa chất này nếu hư thối trong vòng một, hai tháng mang ra đây tôi đền tiền gấp đôi”.

Những loại hóa chất này ở dạng nước có giá từ 15.000 - 32.000 đồng/kg, dạng bột 100.000 - 300.000 đồng/kg. Một số người bán còn tiết lộ cả chất phoóc- môn (dùng để ướp xác) cũng có công hiệu bảo quản trái cây rất tốt. “Xài các loại hóa chất này không chỉ giữ trái cây lâu hư mà còn có tác dụng làm cho trái căng mọng, bóng láng, trông rất bắt mắt”- một người bán tiếp thị.

Khoa học luôn khuyên rằng, ăn thật nhiều hoa quả sẽ tốt cho sức khỏe, làm đẹp da và cung cấp nhiều vitamin, chất xơ, nuôi dưỡng cơ thể, giải độc, giải nhiệt. Nhưng cứ như tình trạng trên, tốt nhất người Việt nên gạch nốt hoa quả khỏi danh sách tiêu dùng hằng ngày để bảo vệ chính mình.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn