Trên khu vực biển đông đang có một đợt áp thấp. Chiều 16/9, ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, áp thấp có thể mạnh lên thành bão số 4, song không thể mạnh như bão Yagi (bão số 3).
Lúc 13 giờ ngày 16/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 17,1 độ Vĩ Bắc; 123,9 độ Kinh Đông trên vùng biển phía Đông đảo Luzon của Philippines. Cường độ của áp thấp này lên cấp 6. Dự báo áp thấp đi theo hướng Tây.
Nhiều điểm giống bão Yagi?
Vị trí của áp thấp nhiệt đới lần này hình thành tương đối giống với vị trí hình thành của cơn bão số 3 (Yagi), tức là cùng ở vị trí phía Đông đảo Luzon (Philippines). Tuy nhiên, trong điều kiện môi trường hiện nay, áp thấp nhiệt đới này phải chia sẻ năng lượng, lượng ẩm với cơn bão khác đang hoạt động ở Tây Bắc Thái Bình Dương do đó chuyên gia cho rằng khi vào biển đông thì áp thấp nhiệt đới này không mạnh ngay thành bão mà sẽ phải mất 1-2 ngày để hoàn thành cấu trúc và có thể phát triển thành bão. Ông Hưởng nhấn mạnh rằng: Ngoài chịu sự tương tác với cơn bão đang hoạt động ở ngoài Tây Bắc Thái Bình Dương, khi vào Biển Đông, áp thấp nhiệt đới trên còn chịu tác động của dòng dẫn đường quy mô lớn từ áp cao cận nhiệt đới có biến động nhiều.
Hơn nữa hiện nay đang có khối không khí lạnh có thể ảnh hưởng đến Việt Nam vào giai đoạn sau ngày 19/9.
Do đó dự báo áp thấp nhiệt đới này có thể thành bão số 4 với đường đi phá phức tạp. Cơ quan khí tượng nhận định khoảng sáng 17/9 khi đi vào Biển Đông, áp thấp nhiệt đới sẽ có xu hướng mạnh dần, nhưng đến khoảng ngày 18/9, áp thấp nhiệt đới trên mới có khả năng mạnh lên thành bão.
2 kịch bản bão số 4 vào Việt Nam
Bão số 4 dự báo di chuyển đến khu vực giữa Biển Đông, khu vực quần đảo Hoàng Sa có khả năng xảy ra 2 kịch bản gây ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam.
Kịch bản thứ nhất, khi mạnh lên thành bão thì cơn bão này sẽ di chuyển thẳng vào khu vực Trung Trung Bộ.
Kịch bản thứ hai là áp thấp nhiệt đới sau khi mạnh lên thành bão sẽ đổi hướng di chuyển lên Tây Tây Bắc, ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Ông Hưởng cho rằng: “Tất cả mô hình dự báo của Việt Nam và quốc tế đều nhận định cường độ của áp thấp nhiệt đới sau khi mạnh lên thành bão không thể mạnh như bão Yagi".
Cơ quan dự báo quốc gia lưu ý:
- Đầu tiên là lưu ý về gió mạnh, sóng lớn trên biển ở khu vực phía Đông của Bắc Biển Đông, phía Đông của Kinh tuyến 114, phía Bắc vĩ tuyến 14.
- Dự báo, từ sáng 17/9, vùng biển phía Đông của Bắc Biển Đông có mưa rào và dông mạnh, gió mạnh cấp 7 giật cấp 9, biển động. Tàu thuyền hoạt động trong khu vực này đều nguy hiểm. Tác động trên đất liền cần theo dõi tiếp vì bão sẽ có nhiều thay đổi sau khi đi vào Biển Đông và khi di chuyển đến khu vực giữa Biển Đông.
- Thời gian ảnh hưởng của bão nếu theo theo kịch bản thứ 2, bão số 4 sẽ ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam vào cuối tuần này nhưng nếu theo kịch bản 1 thì tác động của bão có thể đến sớm hơn 1-2 ngày.
Trong tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết người dân nên cập nhật thường xuyên thông tin thời tiết để đảm bảo tránh trú bão an toàn.
Trong mưa giông cần tránh di chuyển mà nên trú ẩn, tránh vụ tai nạn do cây đổ như cơn bão vừa qua
Khi trú ẩn cần tìm nơi an toàn, tránh gốc cây to, tránh dùng thiết bị điện tử...