Công chức nào sẽ không được tăng lương khi Cải cách tiền lương 2024?

( PHUNUTODAY ) - Khi thực hiện cải cách tiền lương, những đối tượng công chức, viên chức nào sẽ không được tăng lương?

Đối tượng nào không được tăng lương khi cải cách tiền lương từ 1/7/2024 theo Nghị quyết 27?

Căn cứ theo Mục II Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, việc cải cách tiền lương sẽ được thực hiện đối với khu vực công và khu vực doanh nghiệp.

Cụ thể, đối tượng được thực hiện chính sách cải cách tiền lương bao gồm: cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

cong-chuc2

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là có phải khi thực hiện cải cách tiền lương, tất cả các đối tượng nêu trên sẽ được tăng lương hay không?

Tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề cập đến vấn đề cải cách tiền lương từ 1/7/2024.

Theo Bộ trưởng Nội vụ, khi thực hiện cải cách tiền lương, 5 bảng lương mới sẽ thay thế cho bảng lương theo hệ số hiện nay. Theo đó, hệ thống bảng lương mới được xây dựng theo vị trí việc làm và theo chức danh lãnh đạo, quản lý, loại bỏ hết những cơ chế chính sách tiền lương đặc thù.

Bộ Nội vụ cho biết qua rà soát có 36 cơ quan, đơn vị của một số ngành không còn được hưởng chính sách lương đặc thù. Thậm chí, nếu xây dựng bảng lương chạy ngang thì có một số cơ quan có thể bị giảm 50% lương.

Tuy nhiên, có khoảng 134.284 cán bộ, công chức thuộc các cơ quan, đơn vị quản lý hành chính nhà nước đang áp dụng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù (có tiền lương tăng thêm ngoài chế độ chung từ 0,66 lần đến 2,43 lần).

Nghị quyết 01/2021/UBTVQH15 quy định đối với các cơ quan, đơn vị quản lý hành chính nhà nước đang áp dụng cơ chế chính sách khoán chi hoặc đang áp dụng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù khi thực hiện cải cách tiền lương thì phải áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất; bãi bỏ các cơ chế, chính sách về tiền lương, thu nhập đặc thù.

Khi cải cách tiền lương, các trường hợp này phải thực hiện chuyển xếp vào lương mới. Và khi bãi bỏ các cơ chế, chính sách về tiền lương, thu nhập đặc thù, tiền lương mới, kể cả phụ cấp của những cán bộ, công chức này có thể thấp hơn so với trước khi cải cách tiền lương.

Như vậy, cán bộ công chức thuộc 36 đơn vị đang áp dụng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù nêu trên có thể sẽ không được tăng lương khi cải cách tiền lương.

cong-chuc

Cải cách tiền lương mang đến thay đổi gì cho công chức?

- Xây dựng 05 bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo gồm:

Một bảng lương chức vụ cho công chức giữ chức vụ lãnh đạo từ trung ương đến cấp xã

Một bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ dành cho công chức, viên chức nói chung, không giữ chức danh lãnh đạo

Ba bảng lương cho lực lượng vũ trang gồm công an, quân đội và công nhân quốc phòng, công nhân công an.

Lưu ý: Bảng lương này thay thế bảng lương hiện hưởng, đảm bảo lương mới không thấp hơn lương hiện hưởng.

- Xây dựng cơ cấu tiền lương mới gồm ba phần: Tiền lương cơ bản chiếm khoảng 70%, các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30% và bổ sung thêm tiền thưởng chiếm khoảng 10% không tính phụ cấp; thay thế cho bảng lương cũ đang được tính theo hệ số lương và mức lương cơ sở.

- Sắp xếp lại các chế độ phụ cấp: Chế độ phụ cấp của công chức sẽ được sắp xếp theo các cách:

Giữ nguyên các loại phụ cấp hiện hưởng gồm phụ cấp kiêm nhiệm, thâm niên vượt khung…

Bãi bỏ các khoản phụ cấp do đã xây dựng trong bảng lương mới hoặc do gộp với các khoản phụ cấp khác như phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp độc hại - nguy hiểm…

Gộp các khoản phụ cấp có cùng tính chất như: Phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp độc hại, nguy hiểm thành một loại phụ cấp gọi chung là phụ cấp theo nghề…

- Hoàn thiện chế độ nâng lương gồm nâng lương thường xuyên và nâng lương trước hạn để phù hợp với các bảng lương mới.

- Bãi bỏ các khoản chi ngoài lương như tiền bồi dưỡng họp, xây dựng văn bản, đè án, hội thảo…

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link