Cây khế được trồng rộng rãi ở khắp nơi. Người ta trồng khế để lấy bóng mát, làm cảnh và lấy quả. Với người Việt, cây khế xuất hiện trong cả văn thơ, truyện cổ tích.
Kế là loại cây thân gỗ sống lâu năm. Cây có thể đạt được chiều cao từ 3-5 mét, nhiều cành. Lá khế thuộc họ kéo, mọc cánh, hình bầu dục, hai đầu nhỏ, gân hình lông chim. Mặt trên của lá kế có màu đậm hơn mặt dưới. Lá khế thường được sử dụng để đun nước tắm trị mẩn ngứa, rôm sảy hoặc xuất hiện trong một số bài thuốc dân gian khác.
Hoa khế có màu tím hồng, mọc thành chùm. Quả mọng nước, màu xanh lục nhạt khi còn xanh và chuyển dần sang màu vàng khi đã chín, vị ngọt hoặc chua tùy giống khế. Quả kế không chỉ được dùng như một loại trái cây hay gia vị nấu ăn mà còn có tác dụng trị bệnh như hạ sốt, cầm máu, lợi tiểu, giảm trĩ...
Trước đây người ta thường chỉ trồng các cây khế lớn để làm cảnh, lấy bóng mát, hái quả. Tuy nhiên, hiện nay có những cây khế bonsai với kích thước nhỏ hơn, phù hợp với các gia đình có diện tích đất nhỏ hẹp nhưng vẫn muốn trồng khế.
Theo ý nghĩa phong thủy, cây khế tượng trưng cho sự may mắn, no đủ, thịnh vượng. Những quả khế chín ngả màu vàng có hình ngôi sao năm cánh đại diện cho sự may mắn. Loại cây này cũng gắn với câu truyện cổ tích ăn khế trả vàng, đại diện cho của cải sung túc.
Việc trồng cây trước nhà dù với mục đích làm cảnh hay cải thiện phong thủy thì gia chủ cũng cần chú ý không để cây chắn lối đi. Trồng cây quá lớn, cành lá sum sê chắn hết lối đi sẽ gây khó khăn cho việc đi lại. Ngoài ra, theo phong thủy, cửa nhà là nơi đón vận khí, tài lộc, may mắn. Nếu để cây chắn cửa thì khí tốt không thế vào nhà.
Cây khế vốn là loài cây lớn, tán lá sum sê nên khi trồng gia chủ cần chọn vị trí cho phù hợp, không trồng ở vị trí chắn cửa ra vào, lựa nơi đủ rộng để trồng và cần tỉa cây thường xuyên. Nếu không gian nhỏ thì có thể trồng cây khế bonsai để phù hợp với diện tích đất hạn chế.
Ngoài ra, có thể trồng khế ở sân vườn hoặc sau nhà đều được.
* Thông tin mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.