"Theo Luật An toàn thực phẩm mới được ban hành, thực phẩm chức năng bao gồm 3 nhóm: thực phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Theo đó, những sản phẩm bổ sung vitamin, khoáng chất dành cho trẻ em thì được xếp vào nhóm thực phẩm bổ sung".
[links()]
Ngày 2/4, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế đã tổ chức buổi gặp gỡ báo chí. Thông qua đó, rất nhiều vấn đề liên quan đến chất lượng, tên gọi các sản phẩm thực phẩm chức năng, sản phẩm sữa dành cho trẻ nhỏ đã được các ông Nguyễn Thanh Phong, ông Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cùng đại diện các phòng ban của Cục trả lời.
PV: - Thông qua cuộc khảo sát nhanh tại các Bệnh viện ngoại thành cho thấy: tỷ lệ bệnh nhân sử dụng sản phẩm thực phẩm chức năng sau đó phải nhập viện điều trị khá cao. Và theo ý kiến của một số bác sỹ thì bệnh nhân sử dụng sản phẩm nhưng hoàn toàn không có hiệu quả. Cục ATTP có nhận xét gì về vấn đề này?
Ông Nguyễn Thanh Phong: Nhiều bác sỹ trả lời là sản phẩm A, sản phẩm B sử dụng không có hiệu quả thì theo tôi là không chính xác. Chúng ta không thể đánh giá một cách cảm tính, thiếu chính xác như vậy được. Có hiệu quả hay không thì chính bản thân người dùng sản phẩm phải biết rõ và mới trả lời được câu hỏi này. Còn nếu cảm thấy không có hiệu quả thì ngưng sử dụng.
Bên cạnh đó, các sản phẩm chức năng phải sử dụng trong một thời gian nhất định mới có hiệu quả, chứ nó không phải là thuốc để chữa bệnh. Cho nên chúng ta đưa ra khái niệm thực phẩm chức năng là phải hiểu đúng, sử dụng đúng. Có nghĩa là có tác dụng nâng cao hiệu quả ở bộ phận nào, chức năng nào thì mua sản phẩm có tác dụng đấy.
Chứ ví dụ như mua sản phẩm tăng cường chống loãng xương mà khi anh đang đau đầu anh lại sử dụng thì làm sao có hiệu quả được. Thế nên chúng ta không thể đánh giá một cách cảm quan được. Và cũng cần phải khuyến cáo người tiêu dùng, có nhu cầu nâng cao sức khỏe ở bộ phận, chức năng nào thì dùng đúng sản phẩm phục vụ việc tăng cường cho bộ phận, chức năng đó.
Sữa chỉ là thực phẩm chức năng! |
PV: - Theo một số thông tin, đã có nhiều loại sản phẩm như Herbalife, Vision... khi đăng ký lưu hành là 8 sản phẩm, nhưng thực tế lại lưu hành 12 đến 20 sản phẩm. Cục giải thích sao về vấn đề này?
Ông Nguyễn Thanh Phong: Tôi xin nói rằng, đăng ký 8 sản phẩm rồi lưu hành 9 sản phẩm đã là chết rồi, chứ đừng nói là 12 hay 20 sản phẩm. Chỉ 1 sản phẩm không đăng ký lưu hành mà khi chúng tôi kiểm tra phát hiện ra là sẽ xử lý theo pháp luật. Còn tôi không rõ thông tin đăng ký 8 mà lưu hành 12 - 20 sản phẩm các bạn lấy từ đâu ra, nhưng quá trình chúng tôi kiểm tra chưa hề phát hiện ra việc này, còn nếu phát hiện ra thì chắc chắn sẽ xử lý.
PV: - Xin Cục ATTP cho biết, công tác quản lý, cấp phép lưu hành các sản phẩm thực phẩm chức năng hiện nay được thực hiện như thế nào?
Ông Nguyễn Thanh Phong: Nếu là sản phẩm thực phẩm chức năng nhập khẩu, thì trước khi được lưu hành vào Việt Nam phải được chính cơ quan quản lý của nước đấy cấp phép lưu hành ở nước đó. Thứ hai là phải có phiếu kiểm nghiệm, công bố các thông số chủ yếu của sản phẩm, đánh giá những chỉ tiêu chất lượng như nhà sản xuất công bố phù hợp với chất lượng sản phẩm. Thì khi đấy, sản phẩm mới được phép lưu hành.
Khi các sản phẩm về Việt Nam, mỗi lô hàng đều được lấy mẫu và kiểm tra Nhà nước các chỉ tiêu mà nhà sản xuất công bố. Sau khi có giấy xác nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm nhập khẩu, thì sản phẩm đấy mới được phép lưu hành tại Việt Nam.
Công tác quản lý là như vậy, chứ không phải cứ cho phép lưu hành là lô nào mang về cũng được lưu hành, như thế là không đúng. Từng lô hàng một, khi về đều phải thông qua kiểm tra Nhà nước. Còn trong quá trình lưu thông trên thị trường, vẫn có thể bị các đoàn thanh tra, kiểm tra lấy mẫu ngẫu nhiên để đánh giá quá trình nhà sản xuất bảo quản, lưu hành trên thị trường có đảm bảo yêu cầu lưu hành, đảm bảo chỉ tiêu như công bố ban đầu hay không.
Đối với sản phẩm sản xuất trong nước, nhà sản xuất cũng phải tuân thủ đủ các quy định. Phải có các tài liệu chứng minh được các thành phần có trong sản phẩm, có đáp ứng được những tiêu chuẩn đã công bố. Sau đó, cũng phải có phiếu kiểm nghiệm chứng nhận đạt chỉ tiêu công bố. Khi đó sản phẩm mới được chấp nhận. Trong quá trình lưu hành, các sản phẩm trong nước cũng sẽ bị lấy mẫu kiểm tra ngẫu nhiên, tương tự như sản phẩm nhập khẩu.
PV: - Hiện nay, có rất nhiều hãng sữa đã đổi tên gọi từ sữa bột thành sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm dinh dưỡng bổ sung, thức ăn công thức... vậy những sản phẩm này có gì khác thực phẩm chức năng? Nếu sữa bột đổi tên như thế thì thực phẩm chức năng nên gọi như thế nào cho đúng?
Ông Nguyễn Thanh Phong: Thì gọi là thực phẩm chức năng.
Theo Luật An toàn thực phẩm mới được ban hành, thực phẩm chức năng bao gồm 3 nhóm: thực phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Theo đó, những sản phẩm bổ sung vitamin, khoáng chất dành cho trẻ em thì được xếp vào nhóm thực phẩm bổ sung. Và sẽ lấy tên theo nhóm nhỏ là thực phẩm bổ sung chứ không lấy tên là thực phẩm chức năng là tên của nhóm lớn. Còn thực phẩm chức năng thì nó bao gồm nhiều loại trong 3 nhóm mà tôi đã nói ở trên.
Còn thời gian tới đây, Cục ATTP đã có dự thảo về thông tin quản lý sản phẩm chức năng, theo đó, sản phẩm chức năng mà chúng ta hay gọi trước đây sẽ được xếp vào nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Còn nhóm sản phẩm dành cho trẻ nhỏ sẽ được gọi là sản phẩm bổ sung hoặc sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt dành cho những đối tượng đặc biệt. Dự thảo này đang được Bộ Y tế xin ý kiến rộng rãi.
Còn về bản chất, nếu trước đây chúng ta quen gọi là sữa dành cho trẻ nhỏ thì nghĩ à nó là sữa. Còn bây giờ đổi thành thực phẩm dinh dưỡng bổ sung thì lại nghĩ nó là thực phẩm chức năng. Nhưng về bản chất nó không có gì thay đổi cả. Trước đây lượng protein là 18, thì bây giờ vẫn là 18, chứ không có bất kỳ sự thay đổi nào. Chỉ là thay đổi tên cho nó phù hợp.
- Duyên Duyên (ĐVO)