Cuộc đời đầy bi thảm của giai nhân tuyệt sắc Hà Thành một thời

20:00, Thứ ba 20/12/2016

( PHUNUTODAY ) - Vẻ đẹp của cô Phượng phố Hàng Ngang đã khiến bao văn nhân tài tử đắm say một thời.

Tứ đại mỹ nhân Hà thành vốn rất nổi tiếng, gồm: cô Phượng Hàng Ngang, cô Síu Cột Cờ, cô Nga Hàng Gai và cô Bính Hàng Đẫy.

Đó là những mỹ nhân có nhan sắc và nổi tiếng đến nỗi từng làm mê đắm biết bao trái tim của các quý ông học hàm học vị cao, hoặc công tử hào hoa, văn nhân - ký giả đa tình.

Nghiêng ngả với người con gái tuyệt sắc

Những năm 1930, dân Hà thành xôn xao về tấm thảm tình “cô Phượng Hàng Ngang”. Không chỉ báo chí, người ta còn viết sách, dựng kịch, làm thơ về vụ thảm tình này. Nguyên mẫu cô Phượng đã trở thành nhân vật chính của nhiều vở kịch nói, chèo, cải lương được trình diễn khắp từ Bắc vào Nam.

Kẻ chê cô Phượng là dâm loạn, nhẫn tâm bỏ lại chồng con, bỏ cuộc sống vinh hoa phú quý để đi theo trai. Người thì khen cô dám đạp lên lề thói đạo đức phong kiến, đi theo tiếng gọi thổn thức của con tim. Trong số những tiểu thuyết ăn khách hàng đầu lấy nguyên mẫu từ mối tình oan trái của cô Phượng phải kể đến Tiểu thuyết Mồ cô Phượng của Tùng Lâm Lê Cương Phụng.

chuyen-tinh-dang-do-cua-co-phuong-hang-ngang2 phunutoday

 Cô Phượng Hàng Ngang

Vương Thị Phượng là con gái yêu của thương gia Hoa kiều Vương Toàn Thắng, nhà bán hàng tơ lụa giàu có. Lúc con nhỏ, Phượng đã nõn nà, mầu da như trứng gà bóc, ngón tay như ngọn bút măng, ai thấy cũng yêu, cũng ve vuốt. Con gái “lá ngọc cành vàng” được vợ chồng họ Vương nâng niu quý hóa như hạt ngọc trên tay.

Theo người đời truyền tụng thì cô đẹp đến nỗi bất cứ ai đi qua cửa hàng cũng phải ngoái đầu lại hoặc đi đi lại lại vài lần để ngắm cô. Người Hoa kiều ở Hàng Ngang nói rằng đôi mắt của Thị Phượng là đôi mắt "Hoàng diệp lạc" nghĩa là con mắt uốn cong tựa như lá vàng rơi trong gió … Có người lại ví đôi mắt của cô là đôi mắt “bán thụy phượng hoàng” như con phượng hoàng nửa thức nửa ngủ.

Mỗi khi ra đường, xuất hiện ở đám đông hay bất kỳ đâu, cô Phượng ăn mặc rất nền, khi thì chít khăn nhiễu tam giang, khi thì chít khăn nhung đen, đuôi gà vắt qua mái tóc. Cô hay mặc yếm hoa hiên, quần lĩnh tía cạp điều thắt lưng quan lục. Tất cả những màu sắc ấy ánh lên qua chiếc áo dài vải phin trắng may sát vào thân hình nở nang. Và đã có không ít văn nhân - ký giả đương thời khi được diện kiến cô Phượng đã phải thốt lên: "Tây Thi khiếp vía, Hằng Nga giật mình".

chuyen-tinh-dang-do-cua-co-phuong-hang-ngang1 phunutoday

 Nhóm tứ mỹ nữ nổi tiếng Hà Thành. 

Nhà văn Vũ Ngọc Phan, trong cuốn hồi ký “Những năm tháng ấy” đã dành những từ ngữ hoa mỹ nhất để mô tả vẻ xuân sắc của người đẹp: Cô Phượng người tầm thước, có đôi mắt bồ câu long lanh, với cặp mi cong, đôi lông mày xanh và dài, môi đỏ mọng đầy dục vọng, mũi dọc dừa thanh tú và đôi má lúm đồng tiền khi cười. Gò má cô hơi cao, ửng hồng, làm cho khuôn mặt trái xoan của cô có sức quyến rũ, giống như nữ diễn viên điện ảnh Marlen Dietrich lừng danh thời bấy giờ. Theo nhà báo Phùng Bảo Thạch thì cô Phượng đẹp lắm. Sắc đẹp của cô như chất thuốc phiện. Nó quyến rũ, cuốn hút người ta. Ai đã vướng vào thì khó mà thoát ra được.

Những cuộc tình dang dở

Nhiều người "thèm" muốn như vậy, nhưng cô Phượng lại lấy chồng là hạng công tử tốt mã giẻ cùi ở Hàng Ngang. Chồng cô suốt ngày rong chơi, chỉ coi vợ như một thứ đồ đắt tiền, xinh xinh, chỉ để ngắm nghía, canh chừng, chứ không phải để tâm tình, cùng nhau vươn tới những khát vọng xa xôi. Thậm chí, vì nghiện cờ bạc rượu chè và có tính ghen tuông, chồng thường đánh cô và đòi ly dị. Cô sớm hiểu ra thân phận người phụ nữ lúc đó nên đã phản kháng bằng cách bỏ chồng đi theo tiếng gọi của một anh chàng nhà báo trẻ đầy tài hoa, tên là Hoàng Hồ, bút danh Hoàng Tích Chu, con trai một ông Huyện ở Bắc Ninh. Hai người yêu nhau say đắm, thực là một đôi trai tài gái sắc.

Vào khoảng cuối năm 1927, cả Hà Nội chấn động trước tin cô Phượng mất tích. Mãi sau này, mọi người mới biết cô Phượng đã theo Hoàng Tích Chu vào Sài Gòn sống. Cô đâu có biết rằng đó là một chuyến đi định mệnh. Hoàng Tích Chu đã quyết chí sang Pháp học nghề làm báo và hoàn cảnh không cho phép Chu đem theo người tình. Lúc đó, Chu bảo với Phượng về Bắc gặp cha, đem theo một bức thư cầu khẩn rất cảm động để ông nhận Phượng làm con dâu trong khi đợi Chu du học về.

chuyen-tinh-dang-do-cua-co-phuong-hang-ngang phunutoday

 Phố Hàng Ngang, nơi diễn ra chuyện tình bi thương của cô Phượng

Vốn là người có quan niệm cổ về lễ giáo, ông Huyện cho là gia đình Phượng không môn đăng hộ đối với gia đình ông, nên sai người đưa Phượng về xin lỗi chồng để trở lại, nhưng bị từ chối. Thế là cô Phượng đành phải làm nghề buôn bán nuôi thân.

Cuối đời bi thương

Sau nhiều lần vào Nam ra Bắc, đôi khi cô phải nương tựa vào người khác để tồn tại. Có người bạn giới thiệu Phượng cho một người tên Lưu - cũng là người phong nhã lịch thiệp. Nhưng Lưu đã có vợ nên phải thuê một căn nhà nhỏ bên Gia Lâm cho Phượng ở. Lưu đã vạch kế hoạch để hai người trốn sang Hồng Kông nhưng kế hoạch không thành. Phượng phải về nương náu tại một ngôi chùa ở Hưng Yên ý muốn đi tu, nhưng vì nghiệp trần vẫn nặng, cô vẫn phải chịu đựng kiếp hồng nhan.

Một hôm, có người đàn ông tên Bách làm Tham tán ở tòa Sứ đến vãn cảnh chùa gặp Phượng. Bách mê mẩn vẻ đẹp mặt hoa da phấn của Phượng bèn mượn người đến đánh tiếng với Phượng và xin với sư bà cho Phượng về làm vợ lẽ. Vợ cả của Bách đến đón Phượng về làm chị làm em rất quý hóa ngọt ngào. Nhưng ít lâu sau, Tham tán Bách được chuyển đi Lai Châu, vợ cả lại cho Bách và Phượng đi trước, còn mình sẽ lên sau. Ai ngờ bà cả đã ngầm sai người đầu độc Phượng bằng một loại thuốc gì đó làm cho cô hóa điên lúc tỉnh lúc mê, lúc cười lúc khóc, gầy rộc đi. Tham tán Bách đành sai người đưa cô về Chợ Bờ (Hòa Bình), nhưng sau đó Phượng về lại Gia Lâm tìm đến bà hàng xóm cũ, trong người chỉ còn có 15 đồng bạc.

Bà hàng xóm tốt bụng nhưng nhà quá nghèo trông nom cô như con đẻ, chạy vạy thuốc thang và lo miếng ăn từng bữa. Bệnh ngày một nặng, bà đành phải đưa cô vào nhà thương làm phúc. Đến đây, người con gái sắc nước hương trời một thời giờ sống vô định, thảm buồn làm những ai biết chuyện cũng thấy xót cha cho phận hồng nhan bạc mệnh. Một tuần sau, cô Phượng qua đời trong đau đớn. Lúc đó, nhiều ký giả từng viết trên các báo đương thời rằng, lúc sống nàng Phượng được xe đưa ngựa đón, phục tùng bao nhiều thì lúc chết lại thê thảm trong bi kịch bấy nhiêu.

Đám đưa tang của nàng Phượng là một đám tang đìu hiu, vắng lặng nhất Hà thành thời bấy giờ. Có chăng chỉ là vài người làm nhiệm vụ tạp dịch, nhân viên nhà thương phải làm công việc của mình. Những người quen cũ đón rước khi xưa giờ ngoảnh mặt quay đi, có kẻ tò mò chạy đến nó qua rồi quay ngót đi không màng đến đoạn cuối đời bi đát của nàng. Chỉ có một người tình cũ rủ lòng thương, khắc cho cô một tấm bia đề: "Mộ người bạc mệnh Vương Thị Phượng". Khi đó mộ của cô đối diện với cổng chính bệnh viện Bạch Mai ngày nay. Đường thẳng từ ngôi mộ đến cổng Bệnh viện chừng 150 mét. Cuối đời bi thương của người đàn bà vang danh xinh đẹp ấy lại có cái kết buồn.

chia sẻ bài viết
Theo:  khoevadep.com.vn copy link
TIN MỚI CẬP NHẬT