Hiện nay, không ít người tuy đã đổi sang Căn cước công dân (CCCD) gắn chíp nhưng vẫn cố tình sử dụng đồng thời Chứng minh nhân dân (CMND) trong các giao dịch dân sự. Vậy theo quy định hiện hành, hành vi này có bị xử phạt hay không?
Dùng song song CMND và CCCD có bị phạt không?
Theo quy định tại Thông tư số 59, 60/2021/TT-BCA của Bộ Công an, công dân sẽ bị thu hồi và nộp lại CMND, thẻ CCCD cũ khi đi làm làm thủ tục đổi từ CMND sang thẻ CCCD, đổi thẻ CCCD.
Như vậy, pháp luật hiện hành chỉ ghi nhận một loại giấy tờ tuỳ thân duy nhất ở mỗi thời điểm (CMND hoặc CCCD); khi đã được cấp CCCD thì CMND sẽ không còn giá trị sử dụng mặc dù còn nguyên vẹn và còn hạn sử dụng.
Các trường hợp đã được cấp CCCD gắn chip nhưng vẫn cố tình sử dụng CMND cũ khi thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính thì có thể bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng vì không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân theo quy định tại Khoản 1, Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 31/12/2021.
Ngoài ra, việc sử dụng song song CMND và CCCD có thể gặp các rủi ro pháp lý khi dùng CMND để tham gia các hợp đồng, giao dịch hoặc thực hiện thủ tục hành chính.
Vì vậy, để đảm bảo thống nhất thông tin và tránh rủi ro, tranh chấp pháp lý về sau, công dân chỉ nên dùng duy nhất thẻ CCCD gắn chip trong tất cả các giao dịch, thủ tục. Thẻ CCCD gắn chíp mới đã tích hợp tất cả thông tin về nhân thân cũng như số CMND cũ nên cá nhân có thể hoàn toàn yên tâm khi sử dụng. Đồng thời việc đăng ký cấp CCCD gắn chíp hoàn toàn có thể đăng ký trực tuyến tại Cổng dịch vụ công Bộ Công an theo địa chỉ https://dichvucong.bocongan.gov.vn/ để tiết kiệm thời gian, chi phí của công dân./.
Chính thức khai tử Chứng minh nhân dân từ ngày 01/01/2025
Cụ thể tại khoản 2 Điều 46 Luật Căn cước 2023 quy định Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng đến sau ngày 31/12/2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.
Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.
Như vậy, với quy định này Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng sẽ có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Tức là chính thức khai tử Chứng minh nhân dân từ ngày 01/01/2025.
Lưu ý: Chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/01/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024. Khi đó, thời điểm cấp thẻ Căn cước chính thức có hiệu lực, người dân sẽ được cấp thẻ Căn cước theo luật mới.
Thủ tục cấp thẻ Căn cước
Căn cứ theo khoản 1 Điều 23 Luật Căn cước 2023 quy định trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước cho người từ đủ 14 tuổi trở lên được thực hiện như sau:
- Người tiếp nhận kiểm tra, đối chiếu thông tin của người cần cấp thẻ căn cước từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để xác định chính xác người cần cấp thẻ căn cước; trường hợp chưa có thông tin của người cần cấp thẻ căn cước trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì phải thực hiện thủ tục cập nhật, điều chỉnh thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 10 Luật Căn cước 2023;
- Người tiếp nhận thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước;
- Người cần cấp thẻ căn cước kiểm tra, ký vào phiếu thu nhận thông tin căn cước;
- Người tiếp nhận cấp giấy hẹn trả thẻ căn cước;
- Trả thẻ căn cước theo địa điểm ghi trong giấy hẹn; trường hợp người cần cấp thẻ căn cước có yêu cầu trả thẻ căn cước tại địa điểm khác thì cơ quan quản lý căn cước trả thẻ căn cước tại địa điểm theo yêu cầu và người đó phải trả phí dịch vụ chuyển phát.