Sáng ngày 31/3, Tòa án nhân dân quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) đã tiếp tục mở lại phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Thị Tố Vững (sinh năm 1981, quê ở Quảng Nam, tạm trú tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) về tội “Vô ý gây tổn hại sức khỏe cho người khác”.
Theo bản cáo trạng, từ tháng 8/2015 đến ngày 17/8/2016, Nguyễn Thị Tố Vững không có chứng chỉ và không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép hoạt động nghề giữ trẻ theo quy định nhưng vẫn tự phát trông giữ trẻ tại nhà thuê thuộc tổ 202 (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu). Khoảng đầu tháng 3/2016, Vững nhận trông giữ cháu Lương Công Châu (sinh ngày 3/7/2015) là con của anh Lương Công Thi (sinh 1984) và chị Ngô Thị Yến (sinh 1985), trú tại tổ 16C, khu đô thị Phước Lý,phường Hòa An (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) và một cháu bé khác tại nhà với số tiền 1,5 triệu đồng/tháng.
Theo lời kể của anh Lương Công Thi, vào khoảng 12h15 phút ngày 18/7, vợ chồng anh nhận được tin báo con trai anh là cháu Châu đang gửi ở nhà chị Vững (ở P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) bị ngã bất tỉnh.
Khi nghe tin, chỉ 5-10 phút sau anh có mặt tại nhà giữ trẻ thì thấy cháu bé đang nằm trên tay chị Vững đã bất tỉnh, không còn có cảm giác gì. Khi anh hỏi thì lúc chị Vững lại nói là cháu bị ngã từ trên võng xếp xuống, lúc lại nói cháu bị ngã từ trên nôi xuống.
Sự việc xảy ra, gia đình anh Thi đã trình báo Công an phường Hòa Minh (Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) và ngay trong tối cùng ngày xảy ra sự việc (18/7), Công an phường đã mời chị Vững lên làm việc đến 23h thì cho về.
Ngày 26/9/2016, anh Thi có đơn yêu cầu khởi tố hình sự. Theo biên bản kết luận giám định pháp y về thương tích của Trung tâm pháp y (Sở Y tế Đà Nẵng) xác định, cháu Lương Công Châu bị chấn thương sọ não (phù não, tăng áp lực nội sọ, nứt vỡ xương sọ vùng đỉnh phải, tụ máu nội sọ đã điều trị phẫu thuật), hiện tại để lại di chứng não, tổn thương phần mềm. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 74%.
Qua điều tra, Nguyễn Thị Tố Vững đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Tại phiên xét hỏi, bị cáo thừa nhận, dù không có giấy phép hoạt động, không được đào tạo qua trường lớp nhưng vẫn nhận giữ trẻ tại nhà riêng.
Theo lời bảo mẫu này, 11h30 ngày 18/7/2016, sau khi cho cháu Châu ăn xong, Vững cho cháu nằm nôi. Nhìn thấy cháu Châu nhắm mắt, bị cáo nghĩ cháu đã ngủ nên đi rửa chén. Khoảng 15 phút, Vững nghe tiếng "bịch" liền chạy vào thì cháu bé đã nằm giữa nhà, bất tỉnh. Vững liền thông báo sự việc cho chị Yến (mẹ cháu Châu).
Tại phiên tòa sáng 31/3, Vững khai, khi xảy ra sự việc còn có con của mình ở đó. Nhưng trong tất cả hồ sơ vụ án đều không nhắc đến chi tiết này. Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng không lấy lời khai con của bị cáo.
Cũng trong phiên tòa, anh Thi không đồng tình với lời khai của bị cáo. Anh không tin con trai bị ngã từ nôi xuống đất mà thương tích nặng như thế. Anh nghi ngờ có lực khác tác động vào đầu khiến con trai bị chấn thương sọ não. Ngoài ra, anh Thi cũng yêu cầu giám định lại thương tích của con trai mình.
Sau khi hội ý, HĐXX nhận định, trong vụ án này còn có nhiều tình tiết chưa được làm rõ nên quyết định trả hồ sơ, điều tra bổ sung vụ án.