Ông Cao Toàn Mỹ sinh năm 1977, ngụ tại quận 3, thành phố Hồ Chí Minh. Ông Mỹ từng là học sinh chuyên toán trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, sau đó tốt nghiệp Đại học Bách khoa. Ông Mỹ từng có thời gian du học bên Úc và nằm trong danh sách những cử nhân tài năng nhất của trường đại học Melbourne.
Là một trong những cổ đông sáng lập của VNG, ông Cao Toàn Mỹ từng sở hữu lượng lớn cổ phần của công ty game online này. Vào thời điểm 2008, VNG có thể được định giá 100-200 triệu USD, đồng nghĩa với việc ông Mỹ thu về 5-10 triệu USD, tương đương cả trăm tỷ đồng khi thoái toàn bộ cổ phần của mình.
Thu cả trăm tỷ nhờ kinh doanh game online?
Cao Toàn Mỹ, đại gia vướng vào “hợp đồng tình ái” 16,5 tỷ đồng với Hoa hậu Việt Nam tại Nga Trương Hồ Phương Nga, được biết đến là một trong những thành viên sáng lập một công ty game ở Việt Nam, hiện hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ Internet, xuất bản phần mềm, quảng cáo thương mại và kinh doanh trò chơi điện tử.
Trước khi nắm giữ vị trí Tổng giám đốc của CTCP Mạng tin học ảo Vina – Vina Cyber (công ty có vốn điều lệ 10 tỷ đồng, do ông Cao Toàn Mỹ sở hữu 95,25% vốn), ông Mỹ từng là 1 trong 4 cổ đông sáng lập của Vinagame – nay là CTCP VNG, công ty game online lớn nhất Việt Nam.
Cụ thể, VNG được thành lập năm 2004. Khi đó, ông Cao Toàn Mỹ cùng các ông Lê Hồng Minh, Trịnh Bảo và Nguyễn Thanh Bình góp 4,5 tỷ đồng. Trong đó, ông Mỹ góp 750 triệu đồng, tương đương 16,7% cổ phần và ông Lê Hồng Minh góp 2,62 tỷ đồng, tương đương 58%.
Là một trong những công ty tiên phong trong lĩnh vực game online, lại sớm huy động được vốn từ những quỹ đầu tư lớn như IDG Venture nên VNG đã tăng trưởng rất nhanh chóng, lợi nhuận lên đến vài trăm tỷ mỗi năm. Vào năm đỉnh cao 2012, lợi nhuận của VNG thậm chí còn đạt trên 1.000 tỷ đồng.
Qua các đợt tăng vốn chào bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, giá trị của VNG đã tăng lên nhanh chóng nhưng tỷ lệ sở hữu của những thành viên sáng lập đã giảm đi đáng kể. Với ông Cao Toàn Mỹ, tỷ lệ sở hữu có thể xuống còn khoảng 4-5%.
Tuy nhiên, ông Mỹ cùng 2 thành viên sáng lập khác đã rời khỏi VNG từ khá sớm, vào khoảng đầu năm 2008.
Theo một số chuyên gia am hiểu trong lĩnh vực công nghệ, vào thời điểm 2008, VNG hoàn toàn có thể được định giá từ 100-200 triệu USD; đồng nghĩa với việc ông Mỹ có thể thu về từ 5-10 triệu USD, tương đương cả trăm tỷ đồng khi thoái toàn bộ cổ phần của mình.
Thời đỉnh cao, VNG từng được định giá lên tới cả tỷ USD. Theo các giao dịch gần nhất, giá trị của công ty này hiện vào khoảng 700-800 triệu USD. Nếu ông Mỹ bán cổ phần muộn hơn thì số tiền thu về sẽ cao hơn nhiều.
Bỏ game, đại gia làm dịch vụ “lạ”
Sau khi rời khỏi VNG, ông Mỹ kinh doanh nhiều lĩnh vực như quản lý, cung ứng lao động; công nghệ thông tin; dịch vụ kết bạn qua Internet; vận tải hành khách đường bộ; mua bán bất động sản; dịch vụ tuyển chọn người mẫu, diễn viên,…
Công ty VinaCyber do ông Mỹ làm Tổng Giám đốc thành lập từ 9/2006, trụ sở đặt tại TP.HCM, cung cấp nhiều dịch vụ, sản phẩm như Hẹn ăn trưa, Hẹn hò tốc độ nhằm kết nối các bạn nam nữ độc thân.
Chẳng hạn, với mạng xã hội ảo hẹn ăn trưa, đối tượng mà VinaCyber hướng tới là nhân viên công sở trẻ, giúp họ kết bạn online và cả gặp mặt trực tiếp. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, website này không còn hoạt động.
Dịch vụ hẹn hò tốc độ được xây dựng trên một chuỗi các cuộc hẹn cá nhân nhỏ. Một sự kiện hẹn hò tốc độ thường kéo dài từ 2-3 giờ đồng hồ. Phần quan trong nhất của sự kiện là hẹn hò, mỗi cá nhân sẽ có từ 10 đến 15 cuộc hẹn với người khác giới với khoảng thời gian từ 3-6 phút cho mỗi cuộc hẹn.
Trong mỗi cuộc hẹn, người tham gia chỉ có 3 phút để thể hiện mình với người đối diện. Trong khoảng thời gian này người tham gia sẽ phải tìm cách gây ấn tượng và chọn cho mình đối tượng phù hợp
Theo VinaCyber, đối tượng tham dự Hẹn hò tốc độ chiếm trên 50% là "dân văn phòng" - những người có công ăn việc làm ổn định nhưng cuộc sống luôn bận rộn, môi trường làm việc đồng giới. Vì là mô hình tiên phong tại thị trường Việt Nam, các dịch vụ của công ty VinaCyber từng thu hút hàng chục nghìn thành viên tham gia, đem lại nhiều khoản lợi nhuận lớn.
Một số thông tin cũng cho thấy sau khi rời VNG, ông Mỹ mở rộng kinh doanh sang nhiều lĩnh vực khác như quản lý, cung ứng lao động; công nghệ thông tin; vận tải hành khách đường bộ; mua bán bất động sản; dịch vụ tuyển chọn người mẫu, diễn viên,…
Trong vụ kiện mà ông Cao Toàn Mỹ tố cáo hoa hậu người Việt tại Nga - Trương Hồ Phương Nga lừa đảo, Phương Nga bị cáo buộc lừa vị đại gia 16,5 tỷ đồng để mua nhà khống rồi chiếm đoạt tiền. Tuy nhiên phía hoa hậu khẳng định số tiền này không phải để mua nhà mà là số tiền ông Mỹ tự nguyện cho Nga nhằm thực hiện bản “hợp đồng” tình cảm giữa 2 người trong vòng 7 năm.
Hiện vẫn chưa có kết luận cuối cùng trong cơ quan xét xử, nhưng có thể thấy số tiền 16,5 tỷ không phải quá lớn đối với một đại gia kinh doanh đa ngành như ông Mỹ.
Cao Toàn Mỹ chỉ muốn lấy lại tiền chứ không muốn Nga vào tù?
Ngày 26/6/2017, phiên xử sơ thẩm vụ hoa hậu Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã tiếp tục.
Trong phần trả lời luật sư, Cao Toàn Mỹ xác nhận đã hai lần làm đơn tố cáo Phương Nga, một lần tố cáo về việc mượn tiền không trả, lần sau tố cáo lừa đảo.
Giải thích về việc làm đơn tố cáo lần hai, ông Mỹ cho rằng chỉ thực hiện tố cáo khi có đầy đủ chứng cứ về việc bị cáo Nga lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mục đích chỉ nhằm lấy lại tiền chứ không muốn Phương Nga vào tù.
Theo ông Mỹ, Nga quen biết rộng, nhiều lần Nga kể có bạn trai là người có thế lực trong ngành công an và thế lực này có thể hủy bỏ các bằng chứng liên quan đến vụ việc.
Ông Mỹ cũng cho rằng ngoài thế lực của bạn trai Nga thì gia đình Thùy Dung cũng quen biết nhiều người có thế lực nên ông lo sợ. Mặc dù vậy, ông vẫn gửi đơn tố cáo Nga, chỉ mong muốn có thể lấy lại tiền và hai bên có thể đàm phán với nhau.
Ông Mỹ cũng cho rằng do không hiểu rõ mối quan hệ giữa dân sự và hình sự nên mới gửi đơn đến CQĐT, thay vì gửi đơn đến tòa để giải quyết tranh chấp về dân sự. Bản thân ông là người làm kinh tế nên ông cho rằng nếu kiện ra tòa sẽ khó đòi lại tiền nên mới tố cáo Phương Nga.
Ở một diễn biến khác, ông Mỹ xác nhận xuất cảnh có chín chuyến cùng Nga trong vòng hai năm và có bạn trai Nga đi chung. Ngoài ra, ông Mỹ cũng cho biết Nga có hai người bạn trai lớn tuổi.
Ông khai bằng chứng có các đoạn ghi âm nhưng nếu công bố sẽ ảnh hưởng đến người khác. Luật sư yêu cầu ông Mỹ cung cấp chứng cứ. Ông Mỹ không đồng ý.
Trước đó, sau 2 ngày vắng mặt trong phiên xử Trương Hồ Phương Nga (SN 1987, hoa hậu người Việt tại Nga) và Nguyễn Đức Thùy Dung (SN 1989, bạn Nga), sáng 26/6, ông Lữ Minh Nghĩa (SN 1987, bạn trai Thùy Dung) đã xuất hiện tại tòa, theo báo Người lao động.
Tuy nhiên, nhân chứng quantrọng của vụ án là bà Nguyễn Mai Phương (SN 1973, ngụ Hà Nội) vẫn không đến nên chủ tọa phiên tòa đã ra quyết định áp giải bà này đến tòa.
Tại tòa, ông Lữ Minh Nghĩa khẳng định biết rất rõ mối quan hệ giữa ông Mỹ và Phương Nga. Theo đó, ông Nghĩa khai ông Mỹ thường xuyên đến nhà Phương Nga chơi.
Khi Phương Nga phẫu thuật thẩm mỹ, ông Mỹ đã đến bệnh viện chăm sóc và thăm nuôi. Khi biết ông Mỹ tố cáo Phương Nga, ông Nghĩa đã chủ động lên công an tố cáo.
Trong thời gian này, có một người đàn ông tự xưng là bạn trai Phương Nga gọi điện đe dọa ông phải khai báo có lợi cho Phương Nga. Ngoài ra, có 2 người đàn ông lạ mặt khác đến nhà đe dọa ông.
Tại phiên tòa, ông Lữ Minh Nghĩa đã "tố" ông Cao Toàn Mỹ là người đã dàn xếp nhiều vấn đề, đạo diễn cho ông khai với công an và xúi thêm thắt một số tình tiết cho ly kỳ.
Hoa hậu Phương Nga đã không im lặng như 2 phiên tòa trước mà cô trình bày nhiều vấn đề, trong đó có nội dung "tố" ông Cao Toàn Mỹ lập một hợp đồng tình dục gửi qua mail cungtimhieu@gmail.com.
Theo Phương Nga, những nội dung của bản hợp đồng này được lan truyền trên mạng chính là những gì ông Cao Toàn Mỹ gửi cho bị cáo.