Cứ mỗi độ trời ngả sang thu, tiết trời mát mẻ ùa về, các phượt thủ, nhiếp ảnh gia, bạn trẻ yêu nhiếp ảnh từ khắp nơi lại đổ về vùng núi phía Bắc Việt Nam để được ngắm những bông tam giác mạch nở rộ khắp nơi. Đây là thứ là đặc sản rất riêng của vùng đất cực bắc Tổ quốc.
|
Tam giác mạch là đặc sản rất riêng của vùng đất cực bắc Tổ quốc. |
Tương truyền, xưa kia, người dân miền núi phía Bắc sống chủ yếu bằng hạt ngô, hạt lúa. Một năm nọ, lúa, ngô trong nhà đã cạn mà vụ mùa vẫn chưa tới, cả bản làng u ám. Người ta đi tìm khắp ngóc ngách mà không thấy cái ăn. Bỗng nhiên, người ta thấy thoang thoảng mùi hương lạ trong gió.
Dân bản lần theo khe núi thì thấy rừng hoa li ti, với những chiếc lá hình tam giác ẩn kín dưới những cánh hoa hình tam giác. Người dân đem hạt li ti nhỏ bằng hạt cải của cây này về ăn thay ngô, gạo và gọi nó là tam giác mạch. Từ đó, tam giác mạch được người dân trồng nhiều để thu lấy hạt về làm bánh mỳ, trộn với ngô để nấu rượu đặc sản như rượu Bản Phố ở Bắc Hà, Nậm Pung ở Bát Xát.
|
Cánh đồng hoa tam giác mạch đẹp như một bức tranh trong câu chuyện cổ tích. |
Tam giác mạch được bà con vùng cao gieo trồng trên các vách núi và thung lũng, một năm hai vụ, vào khoảng tháng 4 và tháng 10. Theo những người nông dân vùng cao, trồng cây tam giác mạch rất đơn giản, chỉ cần làm đất gieo hạt rồi đợi đến ngày ra hoa kết quả là thu hoạch, rất ít công chăm sóc. Ngoài dùng hạt để chế biến tinh bột làm thức ăn, cây tam giác mạch còn có thể nấu canh ăn cũng rất tốt. Cách chế biến hạt tam giác mạch cũng đơn giản. Sau khi thu hoạch, hạt mạch được phơi khô, đưa vào cối đá xay vỡ vỏ trấu, rồi sàng lấy phần hạt giã thành tinh bột để chế biến thành những chiếc bánh ăn thay cơm hoặc ăn kèm trong bữa cơm. Sau này, khi thóc lúa đã dư dật, nhiều gia đình dùng hạt tam giác mạch để chăn nuôi gia súc hoặc trộn với ngô để nấu rượu, tạo ra một thứ rượu có mùi thơm khá đặc biệt.
|
Hoa tam giác mạch đã đến mùa nở rộ trên những cao nguyên miền Bắc. |
Thông thường hoa sẽ nở rộ vào cuối tháng 10, đầu tháng 11, tùy thời điểm gieo trồng của bà con trước đó. Hoa tam giác mạch có vòng đời kéo dài khoảng một tháng. Mới đầu hoa nở có màu trắng, sau chuyển sang phớt hồng, ánh tím và cuối cùng là đỏ sậm. Riêng các ruộng tam giác mạch ở Cao Bằng phần lớn hoa màu trắng.
|
Mới đầu hoa nở có màu trắng, sau chuyển sang phớt hồng, ánh tím và cuối cùng là đỏ sậm. |
Để ngắm các đồng tam giác mạch, bạn có thể tìm tới Lào Cai (các huyện phía bắc giáp với Hà Giang như Simacai, Bát xát, Mường Khương), Cao Bằng (Trà Lĩnh, Trùng Khánh). Tuy nhiên, nổi tiếng nhất vẫn là các cánh đồng hoa tam giác mạch ở Hà Giang, với những điểm ngắm đẹp và ấn tượng như: Hoàng Su Phì, Xín Mần, Phó Bảng, Phố Cáo, Sủng Là, Đồng Văn, Lũng Cú, Ma Lé… Tam giác mạch Hà Giang mọc thành từng vệt dài, phủ một màu hồng phớt tuyệt đẹp trên các triền đồi. Thậm chí, trên từng cung đường uốn lượn, các phượt thủ cũng có thể được chiêm ngưỡng những vạt tam giác mạch mọc lan bên lề đường.
Trước đây, đường lên Cao Bằng, Hà Giang khá khó đi, tuy nhiên ngày nay, bạn hoàn toàn có thể đi và về trong 3 ngày, 2 đêm với xe khách chạy từ Hà Nội hoặc tự lập các nhóm phượt bằng xe máy, vừa vui vẻ, vừa thuận tiện cho việc dừng, nghỉ ngắm hoa.
|
Đồng bào lên nương buổi sớm giữa cánh đồng hoa. |
|
Cánh đồng tam giác mạch ở Hà Giang thường có màu trắng. |
|
Em bé chơi đùa một mình trong ruộng hoa. |
|
Tam giác mạch được trồng trên những thửa ruộng bậc thang. |
|
Loài hoa giản dị, gắn liền với cuộc sống của đồng bào dân tộc miền núi. |
|
Cánh đồng tam giác mạch bên cung đường phượt. |
|
Thung lũng hoa tam giác mạch là điểm đến yêu thích của giới nhiếp ảnh và du lịch bụi. |