Đầu năm, biển Đông đón bão mới

14:55, Thứ bảy 01/02/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Ngày 1/2 (mùng 2 Tết), các trang dự báo quốc tế cảnh báo một cơn bão có tên Kajiki (tên do Nhật Bản đề xuất) đang tiến nhanh vào khu vực giữa biển Đông và có khả năng ảnh hưởng đến Việt Nam.

Bão Kajiki đang hoạt động trên khu vực miền Trung Philippines, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão là cấp 8 (từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25 km. Tối mùng 2 Tết, bão sẽ đi vào phía Đông Nam biển Đông, sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, trở thành cơn bão đầu tiên hoạt động trên biển Đông trong năm 2014.

Đến 7h ngày 2/2, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 12,4 độ vĩ Bắc; 117,1 độ kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 330km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức từ 39 đến 61 km một giờ), giật cấp 8.

                           Đường di chuyển của báo Kajiki.

Trong khoảng 24-48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15 km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.

Đến 7h ngày 3/2, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 13,5 độ vĩ Bắc; 114,5 độ kinh Đông, trên vùng biển giữa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km một giờ).

Do ảnh hưởng của bão sau suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, vùng biển phía Đông khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Đông Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh dần lên cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10. Biển động mạnh.

Trong khi đó, trang dự báo của Hong Kong nhận định sau khi vào biển Đông, bão Kajiki di chuyển chủ yếu theo hướng tây bắc, vượt lên phía bắc quần đảo Trường Sa bão sẽ đổi hướng về tây nam. Nếu tiếp tục duy trì, bão Kajiki có khả năng ảnh hưởng đến đất liền của VN.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phạm Văn Đông