Đề nghị xử lý kỷ luật Đảng với Hiệu trưởng, Hiệu phó trường tiểu học Nam Trung Yên

( PHUNUTODAY ) - Sau khi bị cách chức, nguyên Hiệu trưởng, Hiệu phó trường Nam Trung Yên sẽ bị tiếp tục xem xét kỷ luật về mặt Đảng.

Chiều ngày 21/2, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Trần Xuân Hà, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết: UBND quận Cầu Giấy đã có báo cáo Thường trực Quận ủy Cầu Giấy, đề nghị xử lý kỷ luật về Đảng với bà Tạ Thị Bích Ngọc và Nguyễn Thị Hương.

Cụ thể, sáng ngày 21/2, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy đã ký quyết định kỷ luật cách chức Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên và cách chức Phó Hiệu trưởng với bà Nguyễn Thị Hương.

co-hieu-truong-gian-doi-2

 Bà Tạ Thị Bích Ngọc, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên.

Đồng thời, UBND quận Cầu Giấy đã có báo cáo số 37/BC-UBND gửi Thường trực Quận ủy Cầu Giấy đề nghị xử lý kỷ luật về Đảng với bà Tạ Thị Bích Ngọc và Nguyễn Thị Hương.

“Việc công bố quyết định kỷ luật về mặt chính quyền và Đảng đã thể hiện sự vào cuộc quyết liệt, nghiêm minh của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, không dúng túng, bao che sai phạm. Đồng thời, trong thời gian tới, quận Cầu Giấy sớm ổn định hoạt động của trường Tiểu học Nam Trung Yên để học sinh yên tâm học tập”, ông Trần Xuân Hà cho biết.

Theo thông tin tổng hợp của quận Cầu Giấy về xử lý cán bộ vi phạm trong việc học sinh bị tai nạn tại trường Tiểu học Nam Trung Yên, ngày 20/12/2016, UBND quận Cầu Giấy nhận được đơn của ông Trần Chí Dũng là phụ huynh của cháu Trần Chí Kiên (sinh ngày 14/10/2009), học sinh lớp 2A4 trường Tiểu học Nam Trung Yên) trình bày ngày 1/12/2016 cháu Kiên bị tai nạn gãy xương đùi phải trong sân trường, yêu cầu nhà trường làm rõ nguyên nhân gây tai nạn và xem xét trách nhiệm của Ban giám hiệu nhà trường trong vụ việc.

Sáng ngày 21/12/2016, Phòng Giáo dục và Đào tạo mời Ban Giám hiệu nhà trường, phụ huynh lên làm việc. Ban giám hiệu nhà trường báo cáo thời điểm học sinh bị ngã, bà Tạ Thị Bích Ngọc và Nguyễn Thị Hương có mặt tại trường, nhưng không trực tiếp chứng kiến xe ô tô va vào cháu Kiên.

nam-trung-yen-2

 Hình ảnh cháu Kiên khi còn điều trị trong bệnh viện.

Ngày 7/2/2017, ngay sau khi có chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung về xử lý vụ việc học sinh bị tai nạn tại trường Tiểu học Nam Trung Yên, lãnh đạo quận Cầu Giấy và Phòng Giáo dục Đào tạo tiếp tục xuống làm việc với Ban Giám hiệu và Chi ủy nhà trường để nắm bắt thông tin, tại buổi làm việc, bà Tạ Thị Ngọc và Nguyễn Thị Hương vẫn khẳng định thông tin báo chí là không chính xác, không ngồi trên xe đâm vào cháu Kiên.

Nhiều lần lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy đã nhiều lần làm việc với lãnh đạo nhà trường để nghe báo cáo, yêu cầu bà Tạ Thị Bích Ngọc báo cáo đúng sự thật, công khai xin lỗi dư luận, nhưng bà Ngọc vẫn khẳng định không ngồi trên xe đâm vào cháu Kiên, không chứng kiến xe đâm vào cháu Kiên. Bà Ngọc cam kết với lãnh đạo quận chịu hoàn toàn trách nhiệm về báo cáo của mình.

Ngày 20/2/2017, sau khi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội làm việc với các đơn vị hữu quan để nghe báo cáo vụ việc. Sau khi nghe báo cáo, UBND thành phố Hà Nội đã có thông báo kết luận 97/TB-UBND. Ngay chiều ngày 20/2, UBND quận Cầu Giấy đã thành lập Hội đồng kỷ luật viên chức quản lý và công chức quản lý giáo dục để tư vấn về việc áp dụng hình thức xử lý kỷ luật với bà Tạ Thị Bích Ngọc và bà Nguyễn Thị Hương. Bà Ngọc lấy lý do đi cấp cứu tại bệnh viên E nên không có mặt.

Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Hương, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên đã tự kiểm điểm và nhận hình thức kỷ luật cách chức. 5/5 thành viên Hội đồng kỷ luật bỏ phiếu kiến nghị hình thức cách chức. Đối với bà Tạ Thị Bích Ngọc, các thành viên Hội đồng kỷ luật bỏ phiếu kiến nghị hình thức cách chức.

Trên cơ sở bỏ phiếu của Hội đồng kỷ luật, ngày 21/2, UBND quận Cầu Giấy đã ký quyết định kỷ luật cách chức hiệu trưởng đối với bà Tạ Thị Bích Ngọc và hiệu phó với bà Nguyễn Thị Hương.

Để đảm bảo an toàn cho học sinh trên địa bàn, lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy tiếp tục chỉ đạo phòng Giáo dục Đào tạo triển khai các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa đối với các sự cố tương tự có thể xảy ra, tăng cường công tác đảm bảo an toàn trường học, trong đó yêu cầu các Ban giám hiệu nhà trường tăng cường công tác bảo vệ, nghiêm cấm xe ô tô, xe máy không được đi vào sân trường trong giờ học, giờ chơi của học sinh.

Bình luận về vụ tai nạn khiến cháu bé bị gãy chân ở trường Tiểu học Nam Trung Yên, các luật sư cho rằng người trực tiếp gây ra vụ việc là tài xế taxi. Tuy nhiên có thể khởi tố tài xế hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Luật sư Giáp Văn Điệp - Công ty Luật Fanci - phân tích: Theo các tình tiết được nêu trong Kết luận của Công an Hà Nội thì lái xe đã vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông, gây hậu quả nghiêm trọng.

Tuy nhiên, có khởi tố lái xe về hành vi này hay không, phải đánh giá động cơ, mục đích của lái xe. Ở đây có các dấu hiệu – đi vào chỗ cấm, và gây hậu quả. Đặc biệt, cũng phải xem kết luận giám định thương tích của nạn nhân có đến mức khởi tố hình sự hay không.

Trong vụ việc này, trên xe có các cô là Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng của Trường, dù sân trường cấm xe ô tô, nhưng các cô vẫn cho xe vào, tình tiết này không thể là tình tiết giảm nhẹ cho tài xế. Bởi theo quy định, người điều khiển phương tiện giao thông có nghĩa vụ phải biết những quy định cấm khi tham gia giao thông.

Nếu lái xe bị khởi tố theo Luật Hình sự thì thì cô Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng cũng bị khởi tố, nhưng các cô giáo này sẽ bị khởi tố bởi hành vi che giấu tội phạm. Hành vi của các cô đã cản trở, gây khó khăn trong quá trình điều tra.

Luật sư Nguyễn An, Hãng Luật Cộng Đồng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội phân tích: Người trực tiếp gây ra tai nạn cho cháu Kiên không phải là 02 cô giáo ngồi trên xe mà là lái xe taxi. Do vậy, xét về mặt pháp luật, người chịu trách nhiệm trước pháp luật trong vụ việc này chính là lái xe taxi. Chế tài xử lý đối với lái xe cần phải căn cứ vào tỷ lệ thương tích của cháu Kiên.

Đặt giả thiết tỷ lệ thương tích của cháu Kiên đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự thì trong vụ việc này không thể xử lý hình sự lái xe về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự.

Bởi theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật giao thông đường bộ thì đường bộ gồm đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ. Trong vụ việc trường tiểu học Nam Trung Yên thì nơi xảy ra tai nạn là sân trường học không phải là đường bộ. Trong khi đó, Điều 202 Bộ luật hình sự quy định: “Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại cho sức khỏe, tài sản của người khác,…..”.

Trong vụ việc này, lái xe có thể bị xử lý hình sự về tội “Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”. Tài xế chỉ bị xử lý hình sự khi tỷ lệ thương tích của cháu Kiên từ 31% trở lên và có yêu cầu của bố mẹ cháu Kiên yêu cầu xử lý hình sự.

Bởi tội Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người địa diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên (Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự).

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, theo thông tin thì xe gây ra tai nạn cho cháu Kiên là xe taxi, nên cần làm rõ công việc và mối quan hệ giữa lái xe và công ty taxi để biết chủ thể chịu trách nhiệm trực tiếp bồi thường là công ty taxi hay chính lái xe. Việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng sẽ theo quy định của Bộ luật dân sự.

Cô giáo ngồi trên xe ô tô gây tai nạn lại có hành vi trốn tránh, bao che mặc dù không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình, nhưng hành vi đó đã vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo. Hành vi của 2 cô giáo phải bị xử lý theo quy định của ngành giáo dục.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn