Trong cơ thể, vùng đáy chậu hay tầng sinh môn là bộ phận ít được biết đến nhưng rất quan trọng trong lúc sinh đẻ và nhạy cảm trong quan hệ tình dục. Thai phụ khi sinh, những nếp nhăn niêm mạc ở lớp trong âm đạo mở ra hoàn toàn, lớp cơ ở giữa rất căng để cho thai nhi dễ ra khỏi tử cung, thông qua âm đạo. Nhưng trên thực tế, khi đầu thai chuẩn bị ra ngoài, nếu không có sự giúp đỡ của bác sĩ trợ sản bảo vệ tầng sinh môn thì thai phụ rất dễ bị rách tầng sinh môn khi sinh.
Tầng sinh môn là gì?
Tầng sinh môn hay còn gọi là đáy chậu, gồm tất cả các phần mềm, cân, cơ, dây chằng bịt lỗ dưới khung chậu. Tầng sinh môn có dạng hình trám, giới hạn ở phía trước là xương mu, 2 bên là hai ụ ngồi và phía sau là đỉnh xương cụt. Tầng sinh môn được chia làm 2 phần, tầng sinh môn trước hay đáy chậu niệu dục và tầng sinh môn sau hay đáy chậu hậu môn. Trên phương diện giải phẫu học, thì tầng sinh môn trước, ở nam và nữ khác nhau, còn tầng sinh môn sau thì nam và nữ giống nhau. Tầng sinh môn có vai trò nâng đỡ các cơ quan trong tiểu khung như bàng quang, tử cung, âm đạo, trực tràng. Trong quá trình chuyển dạ sinh, tầng sinh môn dãn rộng để giúp cho ống âm đạo dãn rộng hơn nữa để chuẩn bị cho đầu thai nhi sổ ra ngoài.
Vì sao phải cắt tầng sinh môn?
Về thẩm mỹ: Trong quá trình rặn đẻ, nếu tầng sinh môn không đủ giãn để bé chui ra thì sẽ bị rách. Vết rách sẽ ngoằn ngoèo và rất xấu so với vết cắt can thiệp là 1 đường thẳng. Vết rách dù được khâu kỹ vẫn có thể để lại sẹo xấu, ảnh hưởng tới vấn đề thẩm mỹ và lần sinh sau có thể bị rách nứt ngay vết sẹo cũ.
Về sức khỏe: Vết rách có thể ảnh hưởng tới nút thớ trung tâm đáy chậu, làm tầng sinh môn bị nhão về sau. Khi đó, tầng sinh môn mất khả năng co hồi lại như bình thường, dẫn đến nguy cơ sa tử cung, âm đạo, trực tràng, bàng quang.
Thời điểm cắt là lúc sản phụ đang có cơn gò tử cung, tức là đang đau rặn, nên cái đau do vết cắt sẽ bị lấp đi trong cái đau của cơn gò. Thực chất, cắt tầng sinh môn là để bảo vệ cho sản phụ chứ không phải làm cho nữ hộ sinh hoặc bác sĩ đỡ đẻ dễ hơn như vài sản phụ lầm tưởng.
Sinh con so và sinh con rạ, tầng sinh môn có đặc điểm khác nhau như thế nào?
Trên thực tế chuyển dạ đẻ thường, ở người sinh con so và ở người sinh con rạ hoàn toàn khác biệt.
- Ở người mẹ đẻ thường con so, là người mẹ lần đầu mang thai sinh con nên thường tầng sinh môn dãn nở kém, do vậy đa số mẹ sinh con lần đầu đều được cắt tầng sinh môn hay thường được gọi là rạch tầng sinh môn. Đây là một thủ thuật dùng kéo để cắt sau khi đã gây giảm đau ở vị trí cắt, thường là vị trí 7 giờ, với mục đích giúp cho ống âm đạo dãn rộng và đầu thai nhi sổ ra ngoài mà không bị vật cản bởi tầng sinh môn, từ đó thai nhi cũng không bị sang chấn hoặc tầng sinh môn của người mẹ không bị rách.
- Đối với người mẹ đẻ thường con rạ, tầng sinh môn đã được thử thách trong cuộc đẻ thường lần trước, nên chuyển dạ sinh kỳ này, tầng sinh môn đã dãn rộng. Cho nên hiện nay theo quan điểm mới của các chuyên gia về sản khoa. Khuyến kích các bác sĩ đỡ sinh thật khéo, cố gắng giữ tầng sinh môn cho dãn nở thật tốt, điều này đòi hỏi kỹ thuật đỡ đẻ thường của bác sĩ phải thành thạo. không cần phải cắt tầng sinh môn hay không rạch tầng sinh môn. Thai nhi sổ ra ngoài không gây cản trở và không bị sang chấn.