Đến thăm nơi người dân mỗi năm đón 3 cái Tết

18:31, Chủ nhật 22/02/2015

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Ở vùng biên giới này, mỗi năm bà con được đón 3 cái Tết. Đó là Tết cổ truyền của dân tộc, Tết của đồng bào và Tết của nước bạn Lào.

Ở vùng biên giới này, mỗi năm bà con được đón 3 cái Tết. Đó là Tết cổ truyền của dân tộc, Tết của đồng bào diễn ra vào tháng 1 và Tết của nước bạn Lào, diễn ra vào tháng 4 hằng năm

Tết ở vùng biên không điện thắp sáng, không tiếng nhạc xập xình, không hoa quả, mứt tết mà chỉ có hũ rượu cần, vài ba miếng thịt gác bếp, những bữa cơm no.

Nhưng chừng đó cũng đủ làm ấm lòng bà con nơi miền xa Tổ quốc.

Mô tả ảnh.
Một góc bản Aki.

Ba cái Tết đậm tình người

Con đường vào các bản Aki, Tuộc, Troi, Cờ Đỏ…của đồng bào Ma Coong ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã thấy những cánh đào rừng hé nở, báo hiệu một mùa xuân mới lại về.

Nhưng thay vì đi chợ sắm sửa, trang trí lại nhà cửa thì bà con nơi đây vẫn cùng nhau lên rẫy. Nhìn đi nhìn lại trong bản cũng chỉ có đám trẻ con đang chơi đùa cùng nhau.

Đón chúng tôi, anh Đinh Tiến, trưởng bản Aki cười xòa: “Bà con còn phải đi làm lúa để sang năm có cái ăn, phải đến ngày Tết mới nghỉ ở nhà thôi”.

Ở trên này cuộc sống gần như tách biệt. Không chỉ đường đi khó khăn mà đến điện thắp sáng, sóng điện thoại cũng không có nên đồng bào phải lo cái ăn trước khi hưởng niềm vui năm mới.

Nhưng không phải vì thế mà Tết của bà con miền xa bớt vui hơn ở dưới xuôi. Không cần cao lương mỹ vị, không quà cáp biếu xén, trên này nhà nào cũng như nhà nào.

Cứ gần Tết là bà con lại chuẩn bị sẵn dăm ba hũ rượu cần để ở góc nhà. Đi săn được con thú rừng nào thì về lấy ít thịt gác lên bếp, thế là Tết đã có món ngon mời khách đến chơi.

Cũng như người miền xuôi, những ngày Tết, họ mời nhau uống rượu, nói chuyện và chúc nhau những câu tốt đẹp nhất trong năm mới.

Sau khi đón Tết cổ truyền xong, vào ngày 16/1 (âm lịch) hằng năm bà con sẽ được đón Tết của đồng bào mình (Tức là lễ hội đập trống – PV). Đây là một cái Tết không kém gì Tết cổ truyền, Đến ngày lễ, bà con ở các bản góp cá, góp rượu và tập trung về bản Cà Ròong, cùng nhau uống rượu, nhảy múa, đập trống với ước mong một năm mới mùa màng bội thu.

Ngoài hai cái tết này, bà con vùng biên còn được ăn cái tết Bunpimay (Tết té nước của nước bạn Lào). Đã thành thông lệ, hằng năm, cứ đến ngày này bà con mình lại cùng nhau sang chúc tết bên nước bạn.

Những hành động chứa đựng tình cảm thân thiết, gắn bó mà người dưới xuôi chưa chắc có được. Tương tự như thế, dịp Tết cổ truyền của nước ta và Tết của đồng bào, anh em nước bạn đều sang chúc mừng những điều tốt đẹp.

Để đồng bào đón Tết an lành

Trò chuyện với chúng tôi, anh Đinh Đừ, Bí thư Chi bộ, Công an viên bản Troi tâm sự, 17 bản làng của người Ma Coong ở xã Thượng Trạch đều sống dựa vào trồng lúa rẫy, sắn, ngô...

Lúa rẫy hầu như chỉ đáp ứng đủ ăn chừng 6 tháng/năm, còn lại phải nhờ vào sắn, ngô và cả sự hỗ trợ của Nhà nước. Chính nhờ sự cưu mang, đùm bọc lẫn nhau nên hầu như không có chuyện thiếu đói đơn lẻ ở một hộ gia đình.

Những ngày Tết, bà con đều được Nhà nước cấp gạo, hướng dẫn làm bánh chưng để đón Tết cổ truyền của dân tộc.

Mô tả ảnh.
Trẻ em bản Troi.

Để cho bà con có một cái Tết no ấm, vừa qua, Đồn Biên phòng Cà Roòng đã cũng phối hợp với chính quyền xã Thượng Trạch tiến hành rà soát lại tất cả những trường hợp khó khăn, thiếu đói..., từ đó tham mưu tích cực cho các cấp chính quyền có kế hoạch hỗ trợ, cứu đói kịp thời.

Cũng như mọi năm, vào dịp Tết cổ truyền, đồn đều bố trí cán bộ, chiến sĩ về “cắm chốt” 24/24 ở các bản làng do đơn vị mình quản lý để canh gác, nắm bắt tình hình, hoàn thành tốt công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới để bà con yên tâm vui xuân đón Tết.

Trò chuyện với chúng tôi, Thượng tá Phạm Chính Điền, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cà Roòng chia sẻ: “Tết cổ truyền năm nay, đơn vị chúng tôi sẽ mua bánh kẹo, hoa quả, rượu thịt, gói bánh chưng để mời dân bản đến chung vui. Từ đó vận động quần chúng, nỗ lực tạo dựng mối quan hệ tình cảm gắn bó chặt chẽ với nhân dân, tạo nên một “thế trận lòng dân biên giới” thật vững chắc”.

Chúng tôi về xuôi khi dân bản đã lên rẫy trỉa mùa lúa mới, trong bản vẫn chỉ có những đứa trẻ vẫy tay tạm biệt, những ánh mắt trong veo. Một mùa xuân của đất trời, của con người đang về.

Bất ngờ với những phong tục Tết độc đáo chỉ có ở Việt Nam
Những phong tục đón Tết kỳ lạ của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.
chia sẻ bài viết
Theo:  khoevadep.com.vn copy link
Tác giả: Phương anh