Mảnh đất khắc nghiệt Mường Tè (Lai Châu) đón chúng tôi bằng cơn mưa sụt sùi dai dẳng. Điều đó đã khiến mọi người trong đoàn nhìn nhau trăn trở, lo lắng, sợ rằng, tình người sẽ chậm đến với đồng bào hơn...
Vượt núi vì dân
Chặng đường gần 600km từ Hà Nội lên đến Mường Tè, chúng tôi phải mất 17 tiếng đồng hồ đánh vật với những khúc cua tay áo, đèo dốc ngược đứng, những đoạn đường xóc nảy, đường mới bạt núi sính lầy tưởng như nghe thấu cả tiếng trơn trợt của bánh xe miết vào mặt đường rin rít.
Trung úy Nguyễn Văn Hiếu đại diện đoàn trao quà cho người dân |
Sau cái bắt tay thân tình, ông Mai Văn Thạch (Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND huyện Mường Tè) chia sẻ: "Ngày trước, để xuống được Hà Nội, chúng tôi phải đi mất hàng tháng trời". Nghe vậy, mọi người trong đoàn bảo nhau rằng, có đường để đi đã là hạnh phúc. Dù đôi lần phải xắn quần lội qua lầy quánh, chờ đợi hàng tiếng đồng hồ mới cẩu được xe qua đoạn sạt lở, nhưng vẫn kịp mang hơi ấm về bản như đã hẹn với đồng bào.
Điểm đến lần này của chúng tôi là xã Bum Tở, một trong những xã nghèo nhất của huyện. Phó Chủ tịch xã Lê Thị Xiêm (SN 1986) xúc động và có phần bối rối khi đón đoàn từ thiện của học viện Cảnh sát Nhân dân. Bởi theo lời chị, "lâu lắm rồi, xã mới có được niềm vui đón nhận tình cảm của người xuôi gửi lên". Được biết, 100% dân bản ở đây là người La Hủ, 84,3% dân số thuộc diện hộ nghèo.
Trong những câu chuyện trên đường dẫn chúng tôi về bản Chà Dì, Phó Chủ tịch Xiêm kể rằng, dân tộc La Hủ xưa được gọi là dân tộc "lá vàng". Người La Hủ có tập tục sống du canh du cư. Họ chỉ lợp lán sống tạm ở một khu vực nương núi nào đó. Đến khi nguồn thức ăn nơi này cạn kiệt, lá lợp lán chuyển sang màu vàng thì họ lại dời bỏ để di chuyển đi nơi khác. Mãi tới sau này, khi Đảng, Nhà nước đưa cán bộ về cắm bản vận động thì người La Hủ mới biết định canh định cư và sống quây quần như bây giờ.
Cô giáo Mào Thị Lợi (SN 1987), giáo viên mầm non của trường Bum Tở, kể, mấy hôm trước, các cô giáo vừa bảo nhau góp tiền lương mua được mấy chục đôi dép phát cho học sinh vì thương các em đi chân trần tới lớp, lên nương. May quá, có đoàn tình nguyện lên bởi các cô hiện chưa đủ tiền để mua cho các em quần áo mặc. Cứ vài ngày, các cô lại phải vào bản, lên nương lên rẫy gọi các em tới trường. Nhiều khi chỉ vì giận nhau với bạn mà các em không đi học nữa. Mới đây, các bản trong xã đã có đường điện kéo về, nhưng điện chỉ được phát theo giờ, không có dùng cho sinh hoạt cả ngày.
Nghe cô giáo nói thế, tôi nhìn sang các học viên nữ trong đoàn tình nguyện thấy ai cũng rơm rớm nước mắt. Còn học viên nam và các thầy dẫn đoàn của Học viện đều lặng thinh, nén một tiếng thở dài.
Thiện nguyện để sống đẹp
Hầu hết các học viên tham gia trong chuyến đi lần này đều chưa một lần trải nghiệm cuộc sống khó khăn của đồng bào vùng sâu vùng xa. Thế nhưng, với tinh thần và ý chí của người chiến sỹ Công an nhân dân đã được rèn luyện qua những tháng năm học tập ở trường, các em đều thể hiện bản lĩnh vững vàng, không sợ khổ, không ngại khó.
Nhiều người rớt nước mắt vì chứng kiến cuộc sống thiếu thốn của các em bé |
Dọc đường đi, đôi ba lần, chiếc xe của đoàn phải dừng lại trước những hố lầy, những đoạn núi sạt lở. Tuy nhiên, kể cả những học viên nữ đều rất hăng hái, sẵn sàng xung phong xuống xắn quần, lội bộ để đẩy xe.
Mong nhiều cái Tết ấm tình người Trung úy Nguyễn Văn Hiếu, giảng viên bộ môn Nghiệp vụ cơ sở, cho biết: "Chương trình do Đoàn Thanh niên học viện Cảnh sát Nhân dân, phối hợp các chi đoàn bộ môn phát động. Được sự ủng hộ của ban Giám đốc Học viện cùng toàn thể thầy cô giáo và những tấm lòng thiện nguyện, đoàn chúng tôi đã vận chuyển thành công 2,5 tấn quà tặng vật chất cùng 15 triệu đồng tiền mặt, mong đồng bào vùng sâu vùng xa có thể đón một cái Tết ấm áp và tươm tất hơn. Nhiệm vụ đã hoàn thành trọn vẹn nhưng chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện nhiều chuyến đi nhân ái như thế". |
Phan Phương Anh, học viên lớp B12D38, khoa Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, tâm sự: "Khi đi vào thăm từng nhà, gia sản lớn nhất của các hộ dân chỉ là một con lợn còi, thả rông trên những quả đồi. Ngôi nhà nhỏ trống huơ trống hoác, có những bức vách đã bị hở, bị lở, gió lùa vào tận giường lạnh buốt. Thậm chí, mình tặng cho họ cái chăn mới mà đến cả chiếc túi nilon đựng chăn, họ cũng hồ hởi nâng niu và trân trọng cất giữ, nhất định không chịu bỏ đi, thật tội nghiệp".
Trong cơn mưa rừng ngày càng nặng hạt, các học viên của học viện Cảnh sát Nhân dân đã khiến tôi thực sự cảm động khi lần lượt từng người chẳng ai bảo ai, lội bộ, đội mưa, truyền tay nhau chuyển hết 2,5 tấn quà tặng xuống bản. Không cần ô dù, các em mau chóng chuyển đồ dưới mưa như không muốn cái lạnh vấn vít người bản thêm một giây phút nào nữa.
Nói về điều này, Phương Anh cho biết: "Lúc trực tiếp trao quà, thấy người dân đón nhận rồi ôm khư khư trân trọng và vui sướng, em cũng thấy vui lây. Có cụ già 90 tuổi, có những đứa bé chỉ lên hai lên ba, chẳng đủ sức ôm gói quà to, nặng. Em lại gần có ý giúp họ mang quà về tận nhà, nhưng họ nhất định không cần. Cái dáng liêu xiêu, sức vóc quá yếu, nhưng vẫn cố ôm quà về nhà như e sợ sẽ bị lấy lại khiến bất cứ ai chứng kiến đều cảm thấy xót xa".
Điều ám ảnh nhất với cô học viên năm thứ ba này có lẽ là những đứa trẻ không một manh áo mỏng. Vẫn còn run run giọng nói xúc động khi chia sẻ cảm nghĩ về chuyến đi với tôi, Phương Anh nói: "Hôm đó, em đã tận tay mặc cho các em nhỏ từng bộ quần áo khi thấy chúng co ro, tím tái chạy lon ton trong cái lạnh cắt da cắt thịt. Dù quần áo rộng thùng thình, chẳng vừa, nhưng chúng em bảo nhau cố mặc vài ba bộ lên người để các em đủ ấm".
Cùng cảm xúc nghẹn ngào, Nguyễn Ngọc Bích, lớp B1D38, chuyên ngành Quản lý hành chính, chia sẻ: "Chuyến đi đã khiến em cảm nhận được mình quá may mắn. Nhìn lại, em thấy mình đã sống quá hoang phí và thực sự biết thương bố mẹ. Có lẽ, chỉ cần bớt đi một bữa ăn sáng thôi, hay một cái áo, cái quần chạy theo mốt nọ mốt kia, cũng có thể giúp đỡ được rất nhiều người. Cảm ơn các thầy cô giáo và đoàn trường đã tạo cơ hội cho chúng em soi lại cách sống của chính mình".
Cô gái hotgirl của học viện Cảnh sát Nhân dân cũng không ngại nói: "Em là con gái, lại được sống trong vòng tay bao bọc của bố mẹ từ bé, nên nhiều khi thích cái gì là mua. Có những lúc hứng lên, mua một lúc rất nhiều quần áo, mặc không hết. Sau chuyến đi này, em nghĩ mình nên chi tiêu hợp lý, tiết kiệm hơn. Cái gì cũng đủ dùng và vừa phải thôi, không cần quá đẹp, quá sang trọng, thừa thãi".
Nói về chuyến đi, Trung úy Vũ Văn Thuận (Phó Bí thư đoàn trường, Trưởng đoàn tình nguyện của Học viện) cho biết: "Học viện Cảnh sát Nhân dân thường xuyên tổ chức những chuyến tình nguyện là để các em sinh viên có cơ hội tiếp cận cuộc sống thực tế của nhân dân, hiểu sự khó khăn của cán bộ công an ở địa bàn cơ sở. Chúng tôi hy vọng, các em sẽ rút ra được nhiều bài học cho mình để sống tốt hơn".
Còn Trung úy Chu Chiến Thắng, giảng viên khoa Cảnh sát kinh tế, nói: "Qua những chuyến thực tế như thế này, chúng tôi hiểu sâu hơn về sự phức tạp ở các địa bàn cơ sở. Đó là những kiến thức thực tế tốt nhất giúp những giảng viên trẻ như tôi hoàn thiện bài giảng của mình và nỗ lực hơn trong công việc cũng như cuộc sống".
Chúng tôi chia tay Mường Tè khi cơn mưa rừng không có dấu hiệu chấm dứt. Dù không còn đủ quần áo để thay nhưng đường về Hà Nội đã ngắn hơn trong niềm vui và sự ấm áp lan tỏa. Mỗi người như đều ý thức trân trọng những gì mình đang có, tình người đáng quý hơn tất cả. Hình ảnh những người bản xì xồ gọi nhau tập trung vào một nhà khoe từng bộ đồ mới, từng gói quà rồi nở nụ cười... đã ám ảnh đoàn chúng tôi suốt chặng đường về. Dù không hiểu họ nói gì nhưng hạnh phúc là điều có thể cảm nhận được. Tình quân dân bền chặt hơn từ những việc làm thiện nguyện như thế.
Cảm động bé 2 tuổi một mình đi bộ 3km đón bố mẹ về ăn Tết Dù mới 2 tuổi nhưng cậu bé đã khiến nhiều người vô cùng bất ngờ và cảm động khi một mình đi bộ gần 3km để đón bố mẹ về ăn Tết. |