Đi từ Bắc vào Nam chỉ ăn duy nhất bánh cuốn: Sự khác biệt tạo nên bản sắc vùng miền

20:56, Thứ tư 26/05/2021

( PHUNUTODAY ) - Bánh cuốn là món ăn quen thuộc của người dân trên khắp cả nước. Đi du lịch tới đâu bạn cũng có thể thưởng thức món ăn này. Tuy nhiên, hương vị của bánh cuốn ở mỗi vùng có sự khác biệt rõ rệt.

Bánh cuốn Hà Giang

Bánh được tráng từ bột gạo xay, lớp vỏ mỏng. Bên trong nhân là mộc nhĩ và thịt băm. Có thể có nhân trứng gà để nguyên lòng đỏ và lòng trắng gấp gọn trong lớp bánh gạo dày hơn. Bánh cuốn được bày ra đĩa, phủ phía trên là lớp hành phi thơm giòn.

Phần nước chấm bánh cuốn Hà Giang được ninh từ xương lợn hầm trong 3 – 4 tiếng có vị thanh ngọt. Bát nước chấm có thêm 1 – 2 thanh giò, hành lá, rau mùi thái nhỏ. Để nước xương thêm đậm đà, thực khách có thể thêm ớt chưng, dấm, gia vị.

Bánh cuốn Hà Giang khi ăn người ta không cắt nhỏ như nơi khác mà để nguyên chiếc rồi ngâm trong nước xương. Nước xương nóng hổi, ngọt thanh sẽ giúp làm ấm cơ thể, rất thích hợp với tiết trời se lạnh của vùng cao.

Bánh cuốn Thanh Hóa

Bánh cuốn Thanh Hóa nổi tiếng với phần nhân tôm và thịt băm. Khi ăn chấm với nước mắm chua cay. Đến Thanh Hóa bạn cũng có thể thưởng thức bánh cuốn không nhân để ăn cùng cháo lươn.

Bánh mướt Nghệ An

Ở Nghệ An người ta quen gọi bánh cuốn là bánh mướt. Nhìn thì có phần giống như bánh cuốn miền Bắc không nhân hay bánh ướt của miền Nam. Tuy nhiên, cách ăn thì rất đa dạng. Cách ăn dân dã nhất là bánh chấm với nước mắm ớt, vắt thêm chanh. Sang hơn một chút thì ăn kèm với chả, thịt vịt, thịt bò, thịt gà hay xáo lòng (nội tạng heo như tim, gan, lòng, cật, dạ dày, dồi, huyết).

Bánh cuốn Sài Gòn

Mặc dù có nguồn gốc từ miền Bắc nhưng khi vào Sài Gòn món bánh này có nhiều thay đổi để phù hợp với khẩu vị của người miền Nam. Khác biệt lớn nhất của món bánh này là ở phần nước chấm ngọt hơn. Bên cạnh đó nhân bánh cuốn Sài Gòn thường có giá trụng, xà lách rau thơm thái nhỏ, nem, bánh tôm hoặc chả giò, phong phú hơn so với nhân bánh cuốn miền Bắc.

Bánh cuốn ngọt

Đây là một đặc sản của miền Tây. Phần vỏ bánh được làm từ bột gạo, nước cốt dừa và các loại nước tạo màu tự nhiên như củ dền, lá cẩm, lá dứa,… Bánh cũng được tráng bằng lồng hấp như các loại bánh cuốn khác nhưng phần nhân gồm đậu xanh, dừa hoặc khoai môn ngọt. Bánh sau khi cuốn sẽ được phủ thêm một lớp vừng rang để thêm vị bùi, ngậy.

Theo:  khoevadep.com.vn copy link
Tác giả: Trần Thu Thủy