Điểm lại diễn biến vụ án Dương Chí Dũng trước giờ xét xử

07:00, Thứ năm 12/12/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Hôm nay, dự kiến phiên tòa xét xử vụ án "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "tham ô tài sản" tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) sẽ diễn ra tại Tòa án nhân dân TP Hà Nội. Trước giờ xét xử, cùng điểm lại những diễn biến nổi bật liên quan đến vụ án này.

Ông Dương Chí Dũng đã có nhiều sai phạm trong thời gian làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinalines.

Đại án tham nhũng từ ụ nổi 83M

Từ chủ trương mở rộng đầu tư sang lĩnh vực sửa chữa tàu biển, tháng 5/2006, Vinalines có đề xuất Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về việc xin xây dựng một nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam. Bộ GTVT tiếp tục chuyển đề nghị này lên Chính phủ xem xét phê duyệt.

Trong khi Bộ GTVT còn chưa hoàn thiện các thủ tục trình Thủ tướng chính phủ quyết định thì tháng 6/2007, Dương Chí Dũng với tư cách Chủ tịch HĐQT Vinalines đã tự ý đứng ra ký quyết định phê duyệt xây dựng nhà máy với tổng mức đầu tư là 3.854 tỷ đồng.

Sau đó, Vinalines điều chỉnh mức kinh phí lên tới hơn 6.488 tỷ đồng, đồng thời xúc tiến mua ụ nổi 83M từ Nga. Đáng chú ý là mặc dù biết ụ nổi này đã qua 43 năm sử dụng, hư hỏng nhiều, nhưng Dương Chí Dũng vẫn quyết định hợp thức hóa để mua với giá 9 triệu USD, trong khi giá trị thực chỉ vào khoảng 2,3 triệu USD.

Trong quá trình thực hiện, Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng và Huỳnh Hữu Đức đã giúp sức để đưa ụ nổi về Việt Nam. Ụ nổi 83M khi được đưa về nước lại không sử dụng được do bị hỏng hóc. Dương Chí Dũng tiếp tục chỉ đạo đầu tư sửa chữa ụ nổi. Số tiền dùng cho việc sửa chữa ụ nổi, tiền bến bãi, tiền lãi vay ngân hàng… lên tới 370 tỷ đồng.

Thương vụ trót lọt, Dương Chí Dũng cùng Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều và Trần Hải Sơn được các đối tác nước ngoài "lại quả" 1,66 triệu USD, tương đương 28 tỷ đồng. Cụ thể, Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc chia nhau mỗi người 10 tỷ đồng, còn Trần Hải Sơn nhận hơn 7,8 tỷ đồng và Trần Hữu Chiều nhận 340 triệu đồng.

Truy nã quốc tế đối với Dương Chí Dũng

Ngày 17/5/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thực hiện quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều về hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Khi Cơ quan Cảnh sát điều tra tống đạt quyết định khởi tố thì Dương Chí Dũng... biến mất, mặc dù sáng cùng ngày (17/5/2012) Dương Chí Dũng vẫn đến cơ quan làm việc. Tới ngày 18/5/2012, lệnh truy nã đặc biệt đối với ông Dương Chí Dũng được phát đi. Ngày 4/6/2012, Tổ chức Interpol ban hành lệnh truy nã quốc tế đối với Dương Chí Dũng.

Ngày 24/7/2012, 6 bị can liên quan đến vụ án này bị khởi tố, gồm Bùi Thị Bích Loan, Lê Văn Dương, Mai Văn Khang, Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng và Huỳnh Hữu Đức về hành vi “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Cơ quan chức năng cũng khởi tố bổ sung đối với bị can Trần Hải Sơn về tội danh trên.

Đến ngày 4/9/2012, Dương Chí Dũng bị bắt, kết thúc 3 tháng trốn chạy.

10 bị cáo và 15 luật sư

Viện KSND tối cao đã ký quyết định truy tố 10 bị can, gồm: Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị Vinalines; Mai Văn Phúc, nguyên Tổng giám đốc Vinalines; Trần Hữu Chiều, nguyên Phó tổng giám đốc Vinalines; Bùi Thị Bích Loan, nguyên Trưởng ban Tài chính kế toán Vinalines; Mai Văn Khang, nguyên Phó ban đóng mới tàu biển; Lê Văn Dương, đăng kiểm viên thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam; Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện, đều thuộc Chi cục Hải quan Vân Phong của tỉnh Khánh Hòa và Trần Hải Sơn, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines.

Thẩm phán Ngô Thị Ánh sẽ đảm nhiệm vị trí chủ tọa phiên tòa và 15 luật sư sẽ tham gia bào chữa cho 10 bị cáo. Trong đó, riêng  ông Dương Chí Dũng có tới 3 luật sư tham gia bào chữa là luật sư Ngô Ngọc Thủy, Trần Đình Triển và một luật sư khác, cùng ở Đoàn luật sư Hà Nội.

Dương Chí Dũng có thể đối mặt mức án cao nhất

Trả lời phóng viên về mức án dành cho ông Dương Chí Dũng, luật sư Phạm Tiến Quyển, công ty luật Quỳnh Như cho biết: Ông Dương Chí Dũng bị truy tố tội Tham ô tài sản, riêng ông Dũng được xác định là tham ô hàng tỷ đồng. Do đó căn cứ quy định của Bộ luật hình sự, Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.

“Rất có thể với mức vi phạm nghiêm trọng dẫn đến đại án tham nhũng này ông Dương Chí Dũng sẽ đối mặt với mức án cao nhất là tử hình”, luật sư Quyển cho biết thêm.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: