Có hay không nghi phạm thứ 2 vụ 4 bà cháu bị giết ở Quảng Ninh?
Theo báo Đất Việt, liên quan đến vụ án nghiêm trọng làm chết 4 người trong một gia đình tại TP Uông Bí, chiều 27/9, Đại tá Đỗ Văn Lực – Giám đốc công an tỉnh Quảng Ninh khẳng định Doãn Trung Dũng (sinh năm 1971, trú tại tổ 07, khu 1, phường Trưng Vương, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) là hung thủ duy nhất gây án. “Vụ án này không có đồng phạm như giả thiết ban đầu”, Đại tá Lực nói.
Trong khi đó, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cũng xác nhận thông tin trên với Đất Việt.
“Đại tá Thái Hồng Công, Phó Giám đốc Công an, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đã nói có 1 đối tượng duy nhất gây án”, Thiếu tướng Tiến khẳng định.
Một vị công an cũng cho biết, về chi tiết rằng có hai đối tượng tham gia, ngoài Doãn Trung Dũng còn có đối tượng Chí Dũng là không chính xác. Đối tượng Chí Dũng mấy hôm trước đã cùng Doãn Trung Dũng đi trộm chó và mang về bán ở Thuỷ Nguyên chứ không tham gia vụ án giết cướp với Doãn Trung Dũng. Con chó bị trộm này, cơ quan điều tra đã thu giữ.
Như tin tức đã đưa, khoảng 7h sáng ngày 24/9 tại khu Hợp Thành, phường Phương Nam, TP Uông Bí, chị Vũ Thị Thanh, chủ hộ gia đình đi làm ca về thì phát hiện tại nhà có mẹ đẻ, 2 con và 1 cháu ruột bị chết do có tác động thương tích, nghi có dấu hiệu án mạng.
Căn cứ kết quả khám nghiệm hiện trường, tử thi và các tài liệu điều tra ban đầu đã thu thập được có cơ sở xác định là vụ án “Giết người, cướp tài sản” gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Công an tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố vụ hình sự để tiến hành điều tra vụ án theo quy định của pháp luật.
Sau đó, Công an tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đã phối hợp rà soát và bước đầu xác định nghi phạm gây ra vụ án là Doãn Trung Dũng. Ngày 26/9, lệnh truy nã nghi can Doãn Trung Dũng đã được phát đi.
Sau gần 2 ngày đêm truy lùng, đến tối ngày 26/9, trinh sát đã phát hiện tung tích của nghi can Doãn Trung Dũng trên đường lẩn trốn theo hướng TP Uông Bí về huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thượng tướng Lê Quý Vương, các lực lượng của Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an), Công an tỉnh Quảng Ninh cùng lực lượng PC45- CATP Hải Phòng và Công an huyện Thủy Nguyên đã phối hợp truy lùng, vây ráp đối tượng. Đến khoảng 21h cùng ngày, khi đối tượng đang ngồi uống cà phê tại quán đã bị lực lượng trinh sát áp sát khống chế, bắt gọn.
Tại cơ quan công an, nghi can cũng đa khai nhận mọi tội lỗi.
Sau bữa cơm trưa, hơn 140 em học sinh nhập viện
Theo nguồn tin từ báo Công an TP HCM, ngày 26/9, sau bữa ăn trưa, trên 140 em học sinh tại trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La đã được các giáo viên vào bệnh viện đa khoa huyện Bắc Yên cấp cứu với chung biểu hiện đau đầu, nôn mửa, chóng mặt..
Theo một số học sinh, bữa trưa hôm qua các em ăn có món giò bị thiu và có dòi.
Ngay sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo huyện Bắc Yên chỉ đạo lãnh đạo bệnh viện chăm sóc, điều trị nhanh chóng cho các em học sinh.
Đến sáng 27/9, một số em đã được xuất viện, còn lại vẫn đang nằm điều trị tại bệnh viện. Và cũng trong sáng nay, vẫn còn một số em học sinh tiếp tục nhập viện với hiện tượng đau đầu, nôn mửa như các em nhập viện hôm qua, nguồn tin trên VOV.VN cho hay.
Hiện các lực lượng chức năng đang xác định nguyên nhân chính gây ra vụ ngộ độc tập thể tại trường nội trú huyện Bắc Yên.
Đột nhập nhà hàng xóm trộm cắp tài sản
Ngày 27/9, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) đang tạm giữ Nguyễn Văn Hùng (49 tuổi, ở phường Khương Thượng, quận Đống Đa) về hành vi trộm cắp tài sản.
Khoảng tháng 3/2016, Hùng sang nhà hàng xóm là anh T. chơi. Thấy chùm chìa khóa của gia đình chị T. rơi dưới đất nên hắn nhặt mang về. Do nhà anh T. có 3 chùm chìa khoá, lại đang trong lúc sửa nhà nên cũng không biết bị mất 1 chùm.
Đêm 24/9, thấy gia đình hàng xóm đi vắng, Hùng sang mở cửa, lấy trộm máy tính bảng và gần 8 triệu đồng. Một tiếng sau, chủ nhà phát hiện mất tài sản đã báo cơ quan chức năng.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, công an xác định Hùng là thủ phạm gây án. Tại cơ quan công an, Hùng thừa nhận từ khi lấy trộm chùm chìa khóa đã vài lần thăm dò để ăn trộm nhưng chưa có cơ hội.
Giết người tình đồng tính rồi gọi người thân mang xác về mai táng
Theo báo Tiền Phong, ngày 27/9, TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm, bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, tuyên y án chung thân bị cáo Trương Hồng Phúc (40 tuổi, trú tại xã Tân Phú, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang) về tội “Giết người”.
Trước đó, Phúc do bị đồng tính nên đã đem lòng yêu Võ Minh Thức (sinh năm 2000), là người phụ giúp việc nuôi tôm cho Phúc về đầm tôm của ông Võ Hữu Đường (trú tại ấp Tân Đông, xã Tân Thạnh, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang). Khoảng 10 giờ ngày 9/2 (mùng 2 tết), Phúc gọi điện cho Thức về đầm tôm rồi dùng xà beng đánh vào đầu nạn nhân ngã xuống rạch.
Cũng theo báo Tuổi trẻ, Nghĩ Thức đã chết nên Phúc vào chòi tôm uống thuốc trừ sâu tự tử và điện thoại báo cho gia đình biết vừa giết Thức xong để lo đám tang. Tuy nhiên, Phúc đã được cứu sống còn Thức tử vong từ trước, ngày 15/2 Phúc bị công an bắt giữ. Phúc khai nhận lý do ra tay vì Thức yêu cầu chấm dứt mối quan hệ tình cảm này.
Cảnh báo sốt rét kháng thuốc tăng cao, cúm mùa cũng có thể tử vong
Đây là nhận định của các chuyên gia y tế trong Hội nghị trực tuyến về phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và dịch bệnh mùa thu – đông do Bộ Y tế tổ chức chiều 27/9.
Chủ trì Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra cảnh báo các bệnh có thể gây thành dịch bệnh nguy hiểm vào mùa thu – đông là: Zika, sốt xuất huyết, chân tay miệng, cúm (cúm mùa và cúm gia cầm), sốt rét và bạch hầu.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, những dịch bệnh này có thể bùng phát bất cứ lúc nào nếu không có biện pháp phòng tránh kịp thời, vì thế không nên chủ quan với bất kỳ căn bệnh nào, bởi kể cả bệnh cúm thường (H1N1) - là bệnh rất dễ mắc trong thời tiết chuyển mùa hiện nay - cũng rất nguy hiểm, có thể gây tử vong. Thực tế hiện bệnh cúm mùa đang gia tăng ở một số tỉnh, bởi vậy phải có biện pháp phòng chống bệnh kịp thời.
Báo cáo tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế Trần Đắc Phu cho biết về tình hình dịch bệnh Zika trên thế giới cũng như tại Việt Nam với sự ghi nhận 3 ca dương tính và 72 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Bệnh sốt xuất huyết vẫn lưu hành cao và gia tăng, từ đầu năm đến nay nước ta ghi nhận 52 tỉnh thành với hơn 72.000 ca nhiễm bệnh.
Bệnh tay chân miệng không ghi nhận trường hợp nào tử vong, nhưng từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 27.000 trường hợp mắc tại 62 tỉnh, thành.
Bệnh cúm mùa chủ yếu là cúm A(H3N2) chiếm 44,4%; cúm B chiếm 43,4% và cúm A(H1N1) chiếm 12,2%. Cả nước hiện không ghi nhận trường hợp mắc bệnh cúm gia cầm ở người mặc dù liên tục ghi nhận các ổ dịch cúm trên gia cầm...
Còn bệnh bạch hầu tưởng chừng như đã được thanh toán hoặc rất ít xuất hiện tại nước ta nhiều năm qua thì giờ lại tái xuất, gia tăng. Cùng tình trạng diễn biến phức tạp với bệnh bạch hầu là bệnh sốt rét kháng thuốc. Thậm chí hiện tại các bệnh viện đang thiếu thuốc điều trị. Tại bệnh viện Nhiệt đới Trung Ương, tình trạng sốt rét kháng thuốc tăng cao, trung bình mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận 3,4 bệnh nhân chủ yếu là người đi nước ngoài về.
Để đối phó với dịch bệnh nói chung, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu ngành cần tập trung vào dự phòng, phát hiện, đáp ứng và khống chế dịch bệnh, nhất là những dịch bệnh mới nổi như Zika hay các dịch bệnh có nguy cơ bùng phát cao vào cuối năm như sốt xuất huyết, cúm gia cầm, sốt rét.. nhất là các dịp lễ, tết, noel... lượng người đi lại từ vùng này đến vùng khác gia tăng.
Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân hãy chủ động phòng chống bệnh, không được chủ quan dịch bệnh, chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng thời gian, đủ liều để phòng các căn bệnh nguy hiểm, nhất là vệ sinh môi trường, triệt các ổ dịch, nơi sinh sản và phát triển của muỗi. Việc không để muỗi đốt là việc chủ động của từng cá nhân chứ ngành y tế không thể làm thay được – bộ trưởng Tiến nhấn mạnh.