Dưới đây là 2 công tắc cơ bản trong tủ lạnh, bạn có thể tham khảo để bảo quản độ bền cũng như tiết kiệm tiền điện hàng tháng.
1. Nút điều chỉnh công suất dàn lạnh
Nút này nằm ở ngăn mát tủ lạnh, có tác dụng điều chỉnh nhiệt độ cho toàn tủ lạnh, bao gồm cả ngăn mát và ngăn đá. Thiết kế nút có dạng núm vặn xoay tròn với nhiều cấp độ để người dùng điều chỉnh.
Khi vặn số càng cao (về phía Max) thì nhiệt độ trong tủ lạnh càng xuống thấp, tủ lạnh sẽ hoạt động với công suất cao.Khi vặn số càng nhỏ (về phía Min), nhiệt độ càng cao nên tủ lạnh sẽ ít lạnh. Đồng nghĩa với việc tủ sẽ hoạt động với công suất thấp.
2. Nút phân phối gió
Nút phân phối gió hay còn gọi là quạt gió, được đặt ở ngăn đá, có dạng thanh trượt. Nó giúp phân bổ lượng gió lạnh tới toàn bộ tủ lạnh.
Khi bạn kéo thanh trượt về phía Max, quạt gió sẽ thổi hơi lạnh vào ngăn đá nên lượng gió dưới ngăn mát sẽ giảm đi. Ngược lại, khi kéo thanh trượt về phía Min, lượng gió vào ngăn đá sẽ hạn chế và tự động lưu thông xuống ngăn mát nhiều hơn.
Khi nắm được nguyên lý hoạt động của 2 nút này, bạn sẽ biết cách điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu sử dụng, từ đó tiết kiệm điện năng đáng kể.
Trong trường hợp bạn ít sử dụng ngăn đá, tập trung vào việc bảo quản thực phẩm ngăn mát thì bạn gạt nút quạt gió cho khí lạnh từ ngăn đá xuống ngăn mát, bằng cách điều chỉnh nút công suất dàn lạnh bên dưới. Từ đó tránh gây hao điện.
Bên cạnh đó, nếu bạn đang để lượng thực phẩm vừa phải, có thể điều chỉnh nút công suất dàn lạnh ở mức 1 -2. Nếu thực phẩm nhiều, nhiệt độ bên ngoài môi trường nóng, bạn có thể tăng lên mức 3 - 5 để điều chỉnh nhiệt độ bên trong tủ lạnh, tránh việc thực phẩm bị thối hỏng.
Các cách tiết kiệm tiền điện cho tủ lạnh
Đặt tủ lạnh tránh xa các nguồn nhiệt, không kê sát tường
Bạn không nên đặt tủ lạnh gần các nguồn nhiệt như bếp gas, nồi cơm điện, lò vi sóng cũng như ánh sáng mặt trời. Đồng thời, tủ lạnh cũng không nên kê sát tường vì tủ cần có không gian để tỏa nhiệt, giúp tủ lạnh làm việc hiệu quả hơn. Chuyện này đặc biệt quan trọng vì hệ thống dây cáp làm lạnh đằng sau tủ cần có không khí mát để làm nguội, nếu không tủ lạnh rất tốn điện và mau xuống cấp.
Điều chỉnh nhiệt độ tủ lạnh phù hợp
Tùy theo thời tiết của môi trường bên ngoài mà bạn có thể tùy chỉnh tăng giảm nhiệt độ tủ lạnh cho phù hợp. Bạn không nên vặn nhiệt độ ở mức cao vì rất tiêu hao năng lượng. Vào mùa lạnh, bạn có thể chỉnh độ lạnh xuống mức 3 và tăng lên mức 4 vào những ngày nóng để tiết kiệm điện cho tủ lạnh hiệu quả.
Ngoài ra, các bạn cũng có thể tăng giảm nhiệt độ linh hoạt theo từng ngăn đông, ngăn mát và ngăn đựng rau củ quả. Nhiệt độ thích hợp để bảo quản thực phẩm trên ngăn đông nằm khoảng -18 độ C và khoảng 2 - 4 độ C để giữ độ tươi ngon cho thức ăn, rau củ trong ngăn mát.
Không mở cửa tủ lạnh quá lâu
Khí lạnh sẽ thoát hơi khi cửa tủ mở, khi đó máy nén sẽ hoạt động nhiều hơn, khiến bạn tốn nhiều điện hơn để làm lạnh lại từ đầu. Do đó, bạn không nên mở tủ lạnh quá lâu và hãy nhớ đóng cửa tủ lạnh cẩn thận, sao cho miếng đệm cửa trên tủ lạnh hít chặt vào thân tủ.
Đựng thực phẩm bằng vật dụng bằng thủy tinh hoặc sứ
Các hộp đựng thực phẩm bằng thủy tinh và sứ sẽ giúp duy trì hơi lạnh trong tủ tốt hơn, vừa giúp thức ăn được đảm bảo chất lượng vừa giúp tủ lạnh nhà bạn sử dụng tiết kiệm điện. Vì vậy, các bạn có thể sử dụng chén đĩa bằng sứ hay thủy tinh để trữ thực phẩm. Sắp xếp thực phẩm vừa đủ đầy để hơi lạnh được trao đổi qua lại tốt hơn, giúp bạn tiết kiệm đáng kể tiền điện mỗi tháng.
Tắt tính năng làm đá tự động khi cần thiết
Một số tủ lạnh sẽ có tính năng làm đá tự động giúp bạn nhanh chóng có các viên đá lạnh để sử dụng. Tuy nhiên để tiết kiệm điện hơn, bạn có thể tắt tính năng này đi khi không có nhu cầu sử dụng và thay thế bằng cách làm đông đá truyền thống trên ngăn đông.
Vệ sinh tủ lạnh thường xuyênCác bạn nên vệ sinh tủ lạnh thường xuyên, khoảng 2 - 3 tháng/lần để tránh phát sinh vi khuẩn. Ngoài ra, việc này còn giúp các bạn hạn chế được việc bụi bẩn bám vào các lỗ cung cấp khí lạnh khiến máy nén phải hoạt nhiều hơn để cung cấp đủ nhiệt độ, làm hao phí điện năng của gia đình.