Đình công ở bến Mỹ Đình: Đừng vì tiền để thượng đế bơ vơ

( PHUNUTODAY ) - Hàng trăm chuyến xe cố thủ không chịu xuất bến để đình công ở bến xe Mỹ Đình là hàng nghìn con người không được về nhà, dở dang công việc, các anh có hiểu không?

Bến xe Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) ngày cuối năm đã ghi lại một dấu ấn buồn bởi sự hỗn loạn khi hàng trăm chuyến xe ngừng xuất bến. Việc làm này phản đối sự điều chuyển luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh bằng ôtô đã được thành phố phê duyệt trước đó.

Các xe “đình công” đều thuộc nhà xe ở bến Mỹ Đình chạy tuyến Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định, Thái Bình… là những tuyến được điều chuyển về bến xe Giáp Bát và bến xe Nước Ngầm (quận Hoàng Mai), cách Mỹ Đình chừng hơn 10km.

Các nhà xe đều có lý lẽ riêng để bảo vệ cho hành động của họ là đúng. “Giờ chuyển sang bến Nước Ngầm vừa chật, chi phí bến bãi vừa đắt, lại cùng thời gian chạy với nhiều nhà xe khác, chắc chúng tôi phá sản mất”, có một đại diện nhà xe đã chia sẻ với cánh báo chí như thế.

ben-xe-my-dinh phunutoday

 Một phụ nữ "tay xách nách mang" vất vả di chuyển ở bến xe Mỹ Đình khi các nhà xe từ chối nhận khách. (Ảnh: Văn Chương/Zing.vn)

Đắt thật không hay chỉ là sự ngụy biện? Bởi đây là một chủ trương lớn của Thành phố nhằm giảm tải ùn tắc nghiêm trọng cho khu vực nội đô. Mặc dù, nhiều người sẽ phải thay đổi thói quen bắt xe khách ở bến quen thuộc và tốn thêm cơ số thời gian, tiền bạc cho những chuyến xe buýt, xe ôm, taxi để di chuyển từ Mỹ Đình sang những bến xe khác. Thế nhưng, mọi sự bất hợp lý đều có cách giải quyết, đâu nhất thiết đình công khiến hàng nghìn con người ngơ ngác, bơ vơ giữa ngày đông lạnh buốt ở thành phố xa lạ?

Nhiều hành khách ngày hôm qua đang trong tâm trạng háo hức về quê nghỉ Tết Dương lịch. Có những hành khách lỉnh kỉnh mang theo gà ngon, lợn rừng vừa đặt hàng được trong chuyến công tác miền núi để về quê, mong một ngày sum họp đầm ấm, hạnh phúc bên gia đình, người thân. Có những cụ già mắt mờ chân chậm, lần từng bước mệt nhọc đón taxi để sang bến Nước Ngầm.

Thương nhất có lẽ là những đứa trẻ và bà bầu. Họ nặng nhọc vác bụng đứng ngơ ngác, thở nhọc nhằn dõi mắt theo những chiếc xe khách bất động. Trong tiếng thở nhọc nhằn không chỉ là vì nặng nề thân xác mà còn là niềm trách, sự tủi thân cảnh bơ vơ và bị hắt hủi. Những tiếng mời chào quen thuộc “Nam Định đây”, “Thái Bình nào”, “ai Thanh Hóa, Nghệ An nhanh chân lên”… của các phụ xe mọi khi bống chốc tan biến trong tiếng thở dài nhọc nhằn. Trẻ con đôi ba tuổi khóc ngất trên tay mẹ cha giữa những làn gió bấc hun hút và màu nắng hanh hao khô ráp đến khó chịu…

Thử hỏi các nhà xe: Luật pháp ở đâu? Đạo lý ở đâu? Chủ trương của thành phố không được chấp hành, hành khách vốn được danh xưng “thượng đế” nay bị từ chối thẳng thừng, bỏ mặc không thương tiếc… bơ vơ, nhốn nháo trong những giọt mồ hôi, nước mắt… Ngày đông lạnh thế mà mồ hôi tứa ra như tắm vì vật vã với đồ đoàn chạy hết góc này sang góc khác.

Mất khách ư? Chi phí bến bãi đắt đỏ ư? Các anh đừng ngụy biện. Nếu đã để túi tiền cao hơn mọi lợi ích xã hội, cao hơn cả đạo đức kinh doanh thì thiết nghĩ… đừng kinh doanh nữa. Không có hành khách chúng tôi, các anh có “sống” được không? Vậy mà xem các anh đã đối xử với chúng tôi như thế nào?

Kinh doanh tất nhiên phải sinh lời, nhưng người kinh doanh không đặt lợi ích khách hàng lên trên hết thì doanh nghiệp sẽ khó phát triển bền vững.

Năm mới đến rồi, những hành khách hôm qua bị bỏ rơi bơ vơ liệu có kịp về nhà vui vầy sum họp? Chỉ nghĩ đến thế thôi cũng đủ se sắt trong một ngày đông lạnh lẽo.

Chưa nói đến việc, cơ quan chức năng có phần lúng túng trong xử lý câu chuyện này, nhưng bản thân các nhà xe phải hiểu hơn ai hết: Phục vụ khách hàng, “sống” bằng doanh thu từ khách hàng thì lợi ích khách hàng phải là trên hết.

Khoan hãy nói đến việc quyết định sắp xếp lại các bến xe khách như vậy có hợp lý, khoa học, góp phần lớn cho việc giảm ùn tắc giao thông tại nội thành Hà Nội hay không; khoan hãy nói đến việc bất hợp lý của quy hoạch như việc về Hải Phòng từ Mỹ Đình phải chạy qua bến xe Giáp Bát bằng một vài tuyến xe buýt; hãy dừng phản nàn theo cảm tính và thử vận hành. Bởi vận hành mới nảy sinh được sự bất hợp lý (nếu có) để đề nghị điều chỉnh.

Luật pháp không phải điều bất di bất dịch. Mọi sự bất hợp lý đều có thể điều chỉnh được. Trước hết, hãy tôn trọng hành khách hay cũng chính là tôn trọng lẽ kinh doanh của mình. Đừng để các thượng đế bơ vơ. Bởi sự phẫn nộ của “thượng đế” có thể nhấn chìm nhiều thứ lớn hơn tiền.

Hàng trăm chuyến xe cố thủ không chịu xuất bến để đình công ở bến xe Mỹ Đình là hàng nghìn con người không được về nhà, dở dang công việc, các anh có hiểu không?

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả! 

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn