Trong thế giới ồn ào này, người ta lừa gạt, oán trách nhau, đố kỵ nhau đều là kết quả của sự tranh giành. Công khai tranh giành, âm thầm tranh giành, tranh giành lợi ích lớn, tranh giành lợi ích nhỏ, hôm qua tranh giành, hôm nay tranh giành. Rốt cuộc, suy cho cùng, “tranh giành” cũng chỉ để thỏa tâm ích kỷ mà thôi.
Khi tấm lòng rộng mở một chút sẽ không còn chỗ cho tranh giành tồn tại. Xem nhẹ “được và mất” một chút, tranh giành sẽ tan biến. Mục tiêu giảm bớt đi một chút, tranh giành sẽ không trỗi dậy. Xem nhẹ tâm danh lợi đi một chút, tranh giành sẽ không còn.
Trong cuộc sống, có thể có vô số lý do để không tranh giành, nhưng chính vì dục vọng đã khiến cho mỗi người trở thành một chú “sư tử” đói nằm trong bụi cỏ, kìm nén không được.
Một khi tranh giành được “quyền và tiền” trong tay thì hạnh phúc sẽ mất đi. Tranh giành được “thanh danh” thì niềm vui cũng sẽ không tồn tại. Những thứ không thuộc về bản thân mà tranh giành được sẽ khiến tâm bất an.
Nói cách khác, những thứ mà con người vắt óc để nghĩ cách tranh giành được, không phải là “hạnh phúc, niềm vui và an tâm”, mà chỉ là “phiền não, thống khổ, thù hận và mệt mỏi” về thể xác và tinh thần.
Đối với một điều đang mong đợi, nếu đạt được chắc chắn bạn sẽ thấy hạnh phúc, nhưng nếu thất bại hẳn là bạn sẽ thấy vô cùng đau khổ. Mức độ cảm nhận của niềm vui và thất bại luôn tương đương nhau.
Có người có tiền tài nhưng lại thiếu sức khỏe, gia đình hoặc tình yêu; Có người sự nghiệp, thành tích không quá cao nhưng chất lượng cuộc sống, sức khỏe lại vô cùng tốt. Có những điều thoạt nghĩ ta sẽ thấy thiếu sự công bằng, nhưng thực tế nó lại rất công bằng với tất cả mọi người.
Có người cho rằng người có tiền luôn rất hạnh phúc, nhưng thực tế đây là một quan niệm sai lầm. Một người nghèo sẽ tìm được niềm vui chỉ với vài trăm đồng, nhưng khi có nhiều tiền rồi, anh ta sẽ phải tiêu gấp hàng chục lần mới thấy được niềm vui. Khi sở thích của bạn thay đổi, cảm nhận của bạn với mọi vật cũng sẽ thay đổi theo; Khi bạn càng nhiều tiền, giá trị đồng tiền sẽ càng giảm; Khi bạn đang đói, một miếng ăn nhỏ đã làm bạn hài lòng, nhưng khi bạn no, bạn sẽ không còn thấy vị ngon của đồ ăn nữa.
Người nhiều tiền lo bị trộm, bị cướp; Nhà rộng lo quét dọn; Ăn nhiều sợ béo, ăn ngon quá lại sợ chết. Chúng ta có thể thấy, người có tiền bây giờ toàn ăn những đồ như rau xanh, hoa quả, hạt ngũ cốc, uống nước rau dại, nước tiểu mạch v.v. – đây đều là những đồ ăn xưa kia của người nghèo hoặc động vật.
Sự có mặt của mỗi người trong cuộc đời này là để thử nghiệm cuộc sống, có thể họ sẽ khác nhau về tiền tài, địa vị nhưng trải nghiệm về hạnh phúc, niềm vui thì đều như nhau. Thế nhưng, niềm vui của người có tiền sẽ khá phức tạp, niềm vui của người nghèo đơn giản hơn rất nhiều. Đồng thời, người có đến mấy bạn trai, bạn gái không chắc đã hạnh phúc bằng người chỉ chung thủy với một người mà thôi.
Khi bạn vui vẻ, nỗi buồn sẽ phải đứng sang bên mà ngắm nhìn; Nhưng khi bạn đau khổ, niềm vui sẽ đến thật bất ngờ. Đến một ngày, bạn sẽ nhận ra rằng, những giây phút vui, giây phút buồn sẽ luôn cân bằng nhau.
Niềm vui và nỗi buồn có thể đến sớm với người này, đến muộn với người khác; có người mất nó trước, có người mất nó sau nhưng tổng thể nó là một lượng không đổi. Bạn đã từng vui thế nào thì buồn bạn cũng sẽ nhận một lượng bằng như thế. Đến khi chết, mọi việc đều như nhau.
Cái chết sẽ làm cân bằng cuộc sống. Khi chết, sẽ không còn phân biệt kẻ giàu người nghèo, không thể nói người giàu sẽ chết thoải mái hơn, còn người nghèo chết khổ hơn. Có người khi sống đạt được 10 phần thì khi chết đi anh ta cũng sẽ mất đi 10 phần, mười phần đó là phần đau khổ. Đây là điều công bằng tuyệt đối.
Có người đạt được 3 phần, có người đạt được 7 phần; Có người có trước, người có sau, có người không có được gì.
Người có trước có khi bị mất đi trước, người có sau sẽ mất đi sau, người không có sẽ không bị mất. Tổng số sẽ luôn không đổi, vì thế sống trên đời không nên tính toán quá, không cần phải cố ý bận tâm, hãy cứ vui cố gắng trải nghiệm hết cuộc đời này để không phải hối tiếc.