Tôi sinh ra nơi miền quê nghèo đất mặn, phèn chua, gia đình làm nông kiếm ăn khó khăn bộn bề. Đã vậy, tuổi thơ tôi trải qua biết bao cay đắng. Bố tôi tuy là con trưởng trong gia đình nhưng lại chỉ có duy nhất một đứa con gái là tôi, nguyên do là vì khi sinh tôi, mẹ tôi bị hậu sản và không có thêm con được nữa. Ông bà nội ép bố phải bỏ mẹ lấy người khác để sinh con trai nhưng bố tôi rất thương mẹ và tôi, nhất quyết không chịu. Cuộc chiến giữa ông bà nội và bố mẹ tôi cứ thế dai dẳng. Bù lại với những tủi nhục, bố tôi lại rất yêu và chiều tôi.
Ngày nào đi làm về ông cũng có quà cho tôi. Khi thì củ sắn luộc, khi thì là con chuồn chuồn bằng lá tre ông tranh thủ làm lúc nghỉ trưa tặng con gái. Hạnh phúc ấy của tôi chẳng kéo dài được lâu, năm tôi 13 tuổi, bố tôi mất vì một tai nạn giao thông. Ít lâu sau đám tang bố, ông bà nội đuổi hai mẹ con tôi ra khỏi nhà. Tôi và mẹ dọn đến ở trong một ngôi nhà gạch ba-banh lụp xụp mà ông ngoại thương tình xây cho. Lúc thơ bé bần cùng ấy, đã có những khi tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ lấy chồng, ở mãi bên cạnh mẹ tôi chăm sóc bà, cùng bà đồng cam cộng khổ.
Nhà nghèo nhưng mẹ tôi vẫn nhịn ăn nhịn mặc cho tôi ăn học. Biết được tâm nguyện của bà, một mặt muốn thoát nghèo, một mặt muốn cho ông bà nội thấy đứa cháu gái này sẽ hơn tất cả những người cháu trai khác, tôi lao vào học, Kết quả là tôi đã vào được Đại học trên thành phố. Ngày chia tay, tôi òa khóc trong lòng mẹ, ông bà ngoại tôi bấy giờ đã mất cả, mẹ tôi chỉ có một mình ở quê, không ai nương tựa… Lên thành phố học, trong khi chúng bạn mải mê chơi, mải mê yêu thì tôi lao vào học hành và tìm những công việc làm thêm để đỡ đần mẹ. Ra trường, không thể về quê vì khó có cơ hội thăng tiến, tôi ở lại Hà Nội thi tuyển vào một công ty nước ngoài. Đời sống dần dần khấm khá, tôi sửa được nhà cho mẹ. Mải làm việc, tôi quên yêu, quên lấy chồng. Mẹ tôi giục giã nhưng tôi kệ, trong lòng vẫn tâm niệm ở vậy chăm sóc mẹ, nỗi đau tuổi thơ ảnh hưởng quá lớn đến tôi.
Thế nhưng, tình yêu đến chẳng nói trước được điều gì. Tôi gặp anh, một đối tác của công ty. Anh là người Hà Nội gốc, đi du học ở Anh về, nói chuyện rất học thức mà lại dí dỏm, dễ thương. Tôi mê đắm trong tình yêu cuồng nhiệt cùng với anh. Nghe câu chuyện đời tôi, anh nhẹ nhàng ôm tôi vào lòng, thủ thỉ: “Em đừng lo, mình lấy nhau, anh sẽ coi mẹ em như mẹ ruột anh mà đối đãi!”. Câu nói của anh như dòng nước mát len vào cõi lòng vốn nặng u sầu của tôi. Yêu nhau được tròn năm, chúng tôi cưới.
Hạnh phúc tưởng như tràn đầy, nhưng trớ trêu thay, nhà chồng tôi lại rất gia trưởng. Mẹ chồng tôi yêu cầu hai vợ chồng phải chuyển về ở cùng nhà chồng. Tuy không chê trách gì tôi, nhưng bà rất không thích mỗi lần vợ chồng về quê. Ngày giỗ bố tôi chẳng may lại trùng với giỗ ông nội của anh. Anh là cháu đích tôn, tôi là dâu trưởng, mặc nhiên không được vắng mặt. Từ khi lấy anh, tôi chưa được thắp cho bố tôi nén nhang nào ngày giỗ ông. Thanh minh tôi cũng chẳng được về tảo mộ cho bố. Một năm, tôi chỉ được về nhà vào mùng hai Tết rồi sáng hôm sau lại phải lên ngay để còn làm lễ hóa vàng cùng gia đình chồng. Mỗi khi có việc gì, điều duy nhất tôi làm được là ra ngân hàng gửi về cho mẹ dăm ba triệu để bà lo dùm tôi. Trong lòng tôi lúc nào cũng canh cánh mình là đứa con bất hiếu…
Lấy nhau được ba tháng, tôi có thai. Con tôi sinh ra là con trai, là cháu đích tôn của dòng họ. Bà nội cưng cháu như cưng trứng mỏng, hết lòng chăm sóc. Mẹ tôi có thu xếp ở quê lên đỡ đần tôi lúc sinh nở. Nhưng, mẹ chồng tôi giành hết việc, chẳng để mẹ tôi làm gì. Có lẽ bà sợ mẹ tôi là người nhà quê, không biết chăm sóc trẻ em theo cách khoa học. Ngại ở lại ăn không ngồi rồi, chưa được tròn tuần mẹ tôi đã về quê. Con tôi nay được 4 tuổi rồi nhưng vẫn chẳng biết mặt bà ngoại như thế nào. Mỗi lần tôi xin cho cháu về quê thăm bà ngoại, mẹ chồng tôi gạt phắt. Bà sợ đủ thứ, nào thì đường xa vất vả, con còn nhỏ đi sợ mệt, nào thì ở quê bẩn thỉu không vệ sinh, nào thì sợ cháu leo trèo nghịch ngợm ngã xuống ao hồ thì khốn… Nói chung, lúc nào bà cũng viện các lý do để cấm tôi mang cháu về nhà ngoại.
Chịu đựng bao nhiêu năm, tôi rất hận. Nói thật, càng ngày tôi càng thấy mẹ chồng tôi giống y như ông bà nội tôi xưa kia. Chỉ khác là bà ác độc theo một cách có văn hóa hơn, và tôi đã may mắn hơn mẹ tôi là sinh được đứa cháu nối dõi cho dòng họ. Còn chồng tôi, cái lời hứa coi nhà vợ như nhà mình của anh đã bị gió thổi bay đi tít tắp nơi nào tôi cũng chẳng biết. Mỗi khi vợ chồng tâm sự, tôi lựa lời thủ thỉ thì anh buông câu: “Thì đấy, tiền lương anh đã đưa em cả, em liệu cơm gắp mắm mà lo cho mẹ!”. Dạo gần đây, mỗi khi tôi nhắc với anh chuyện nhà vợ, anh cáu gắt um: “Nói gì mà lắm thế, cứ nhai đi nhai lại, về làm dâu nhà này bao nhiêu năm mà em vẫn chưa vỡ ra được à?”. Tôi chỉ mong anh đứng trên phương diện của tôi, là đứa con gái duy nhất của gia đình mà nghĩ. Tôi chỉ mong anh nhớ đến mẹ già của tôi đang côi cút nơi quê nhà, ngày ngày nhớ con, mong cháu mà không làm cách gì được.
Một năm trước đây mẹ tôi ốm nặng rồi cũng qua đời. Bà nhắm mắt mà chỉ có tâm nguyện duy nhất là được gặp thằng cháu ngoại của mình nhưng không được mẹ chồng tôi đồng ý. Đến tận lúc mẹ tôi mất, mẹ chồng tôi cũng chỉ cho con tôi đến chắp tay vái bà ngoại một lần, bà nhất định không cho cháu ra nghĩa trang lúc hạ huyệt. Qua 49, rồi 100 ngày mẹ tôi, bà cũng không về viếng, chỉ gửi chồng tôi một phong bì tiền phúng của nhà chồng.
Từ ngày mẹ mất, tôi lúc nào cũng cảm thấy tủi phận, bàn thờ hai cụ ở nhà chẳng ai hương khói. Lần nào về quê thấy một lớp bụi dày bám trên di ảnh hai cụ, tôi chạnh lòng. Lúc nào trong thâm tâm, tôi cũng suy nghĩ làm sao để đưa bát hương cùng di ảnh của hai cụ lên thành phố để tôi được chăm nom, thờ cúng. Đã có lần, tôi xin phép mẹ chồng cho tôi được lập ban thờ bố mẹ đẻ ở căn phòng thừa dành cho khách ở. Bà tỏ ý không hài lòng. Hiểu rằng làm vậy là khó cho nhà chồng, cho chồng mình, tôi bèn suy tính cách khác.
Mấy tháng trước, có một căn nhà nhỏ cùng ngõ với gia đình tôi rao bán. Diện tích tuy chỉ chưa được 20m, nhưng tôi quyết định dốc số tiền lao động vất vả bao năm, mua lại căn nhà ấy với ý định có nơi để thờ phụng bố mẹ đẻ. Tối hôm qua, tôi bàn với chồng việc lập bàn thờ bố mẹ tôi ở căn nhà mới. Tôi không ngờ lúc ấy, mẹ chồng tôi đứng ngoài đã nghe được tất cả. Bà lao vào phòng khi vợ chồng tôi đang nói chuyện. Bà xông tới, đánh liên tục vào người tôi và gào thét: “A! Tao phải dạy dỗ đứa con dâu hỗn láo này. Mày mua nhà mới, định kéo chồng mày, con mày chuyển đi khỏi nhà này hả. Con tao đẻ ra để thờ tổ tông nhà tao, chứ không phải cho mày mang dòng giống nhà mày lên bắt nó thờ phụng nhé!”.
Biết bà đang cả giận mất khôn, tôi im thít chịu trận. Nhưng mẹ chồng tôi vẫn tiếp tục chửi bới: “Đúng là hạng người không ra gì. Mày không dạy được vợ mày hả Tiến? Cũng phải thôi, dòng nào giống nấy, chắc bố mẹ nó cũng chẳng ra gì mới sinh ra cái loại như nó!”. Nghe bà nói vậy, tôi như ly nước đầy thêm một giọt tràn, tôi vùng dậy gạt tay bà và nói: “Mẹ có thể nạt nộ con. Nhưng đừng làm vậy với bố mẹ con, xin mẹ tôn trọng người đã khuất!”. Mẹ chồng tôi lại càng chồm lên đập tới tấp vào mặt, vào đầu tôi. Uất quá, tôi nước mắt trào mi, đứng lên giữ lấy tay mẹ chồng, trừng mắt: “Bà im ngay cho tôi! Bà thật không có tính người, thật quá ác!”. Chồng tôi chứng kiến cảnh ấy ngay từ phút đầu. Mẹ anh đánh tôi, chửi tôi, sỉ nhục bố mẹ đẻ tôi, anh không hề can thiệp. Nhưng lúc ấy, anh lại lao đến đỡ mẹ anh đang choáng váng và bạt tai tôi một cái thật mạnh: “Cô câm ngay mồm lại. Cô láo quá rồi đấy. Đừng có được đằng chân lân đằng đầu. Tôi chưa để cho mẹ cô khi còn sống thiếu ăn thiếu mặc, lúc chết cũng ma chay tử tế long trọng không thua ai đâu mà cô phải tỏ ra bi thảm như vậy!”. Nghe câu đó của anh, lòng tôi suy sụp.
Đêm qua, anh ở cùng mẹ chồng tôi để chăm sóc bà. Suốt cả đêm tôi không chợp mắt được. Tôi nhẹ nhàng thu dọn đồ đạc. Sáng sớm, lúc mọi người còn đang ngủ say, tôi ôm con khẽ khàng ra khỏi ngôi nhà ấy, bắt chuyến tàu sớm nhất trở về quê ngoại. Con trai tôi ngủ ngon lành trong lòng tôi, đâu có biết mẹ nó đang mang bao tâm sự nặng nề. Điện thoại đổ chuông, là chồng tôi gọi. Có lẽ anh đã biết tôi mang con đi khỏi nhà. Tôi tắt máy. Mặc kệ chuyện gì xảy ra, tôi quyết lần này cho con tôi một lần, một lần quỳ trước mộ ông ngoại, bà ngoại cháu, chào ông bà. Cho cháu làm tròn chữ hiếu và cho tôi được thanh thản tâm hồn.