Liệu một nhà sư có ăn thịt trong phòng không?
Một vị khách hỏi: Thưa sư phụ, tôi muốn hỏi ngài một câu hỏi ít được tôn trọng ?
Nhà sư: Xin hãy nói!
Vị khách: Ngài ăn chay ở nơi công cộng. Vậy khi ở trong phòng một mình, liệu ngài có ăn thịt không?
Nhà sư không trả lời câu hỏi của vị khách nhưng hỏi lại anh ta: Anh có lái xe không?
Vị khách: Có.
Nhà sư nói: Anh phải đeo dây an toàn khi lái xe. Vậy anh đeo là để bảo vệ cho chính mình hay để đối phó với cảnh sát? Nếu đó là vì cho gia đình, thì cảnh sát sẽ không phải là vấn đề ở đây.
Nếu bản thân một người không có tính tự kỷ luật, thì không ai có thể sửa đổi giúp hay tác động khiến họ thay đổi và tất nhiên, họ cũng không thể thành công.
Làm thế nào để dạy trẻ em?
Người phụ nữ: Tôi có thể hỏi sư phụ không, tôi nên làm gì nếu con tôi không vâng lời và không thích học?
Nhà sư: Bạn đã bao giờ sao chép tài liệu chưa?
Người phụ nữ: Tôi có sử dụng máy photocopy.
Nhà sư: Nếu có lỗi đánh máy trên bản sao, bạn sẽ phải thay đổi bản photo hay thay đổi bản gốc?
(Tiếng vỗ tay ngay lập tức vang lên trong sân. Sau đó, có ai đó trả lời rằng: thay đổi bản gốc.)
Nhà sư: Tốt nhất là nên thay đổi bản gốc và bản sao cùng một lúc. Cha mẹ là bản gốc, gia đình là máy photocopy, và trẻ em là các bản sao. Đứa trẻ là tương lai của cha mẹ, và cha mẹ là tương lai của đứa trẻ.
Cha mẹ là những giáo viên tốt nhất cho trẻ em, nếu cha mẹ không tốt, làm thế nào họ có thể cung cấp cho con họ nền giáo dục tốt? Làm thế nào để yêu cầu con họ xuất sắc? Trước khi yêu cầu con phải thật xuất sắc, bạn phải tự nâng cao bản thân thì mới có thể làm cho con bạn tốt hơn.
Tu tướng và tu tâm
Chúng ta ai cũng hiểu cuộc đời là vô thường, nay còn mai mất, nay vầy mai khác, muôn sự không có gì tồn tại vĩnh viễn, bất biến, không thay đổi, cho nên chúng ta nhứt định không tranh cãi, không ngạc nhiên, cũng như không bực bội, khi thấy người khác thay tướng đổi tâm, từ tốt thành xấu, hoặc ngược lại, từ xấu thành tốt.
Chúng ta thường than van, cũng như nghe nhiều người khác than van rằng: “cuộc đời sao khổ quá!”. Tại sao vậy? Sở dĩ cuộc đời có nhiều khổ đau bởi vì con người thường tự làm khổ chính mình và làm khổ người khác. Con người tự làm khổ chính mình và làm khổ người khác, bởi các tâm: tham lam, sân hận và si mê.
Vì tâm tham lam, con người thường muốn có nhà cao cửa rộng, tiền rừng bạc biển, tiền vô như nước, tiền ra nhỏ giọt, danh vọng lẫy lừng, cho nên không từ bỏ bất cứ cơ hội nào để đạt được những điều mơ ước đó, bất chấp lẽ phải, bất chấp thủ đoạn, bất chấp việc gây đau khổ cho người khác, qua các hành động, lời nói, hay ý nghĩ lợi mình hại người, vu khống cáo gian, giựt hụi quịt nợ.
Vì tâm sân hận, con người thường chấp chặt những điều bất như ý, luôn nhớ những điều người khác làm mích lòng mình, khó quên các mối thù sống để dạ chết mang theo, không bỏ qua những lời nói không vừa ý mình dù vô tình hay cố ý, khắc ghi những việc người khác làm tổn thương ít nhiều danh dự, tự ái hay tài sản của mình.
Vì tâm si mê, con người thường gây tạo bao nhiêu ác nghiệp, oán nghiệp, tà nghiệp mà không hay biết, tin tưởng nhiều điều mê tín dị đoan, cố chấp những phong tục tập quán lỗi thời, bất công, đòi hỏi những điều bất hợp lý, quá đáng, ích kỷ, tuân theo những giới cấm, điều răn, luật lệ phi lý, vô nhân và tàn ác.
Bởi vậy cho nên, muốn sống đời thảnh thơi, an lạc và hạnh phúc, không tự làm khổ mình và không gây khổ cho người, chúng ta phải biết tu tâm, hay tu tâm dưỡng tánh. Muốn dẹp bỏ dần tâm tham lam, chúng ta nên giữ gìn giới luật, tu tập hạnh bố thí, tập sống cần kiệm, tri túc.
Biết thế nào là đủ, cuộc sống của chúng ta sẽ bớt nhiều sự đau khổ do tâm tham lam chi phối. Muốn dẹp bỏ dần tâm sân hận, chúng ta nên tu tập thiền định, hành hạnh từ bi, biết thương người như thương mình. Biết thông cảm người khác, cuộc sống của chúng ta sẽ bớt nhiều đau khổ do tâm sân hận chi phối.
Muốn dẹp bỏ dần tâm si mê, chúng ta nên tu tập trí tuệ, hành hạnh hỷ xả, nhận định đâu là nhân quả, không tiếc việc đã qua, biết đâu là chánh tà. Biết bỏ qua những việc không cần thiết, cuộc sống của chúng ta sẽ bớt nhiều đau khổ do tâm si mê chi phối.